Hà Nội

Ðã tìm được nguồn cung cấp rượu độc khiến hàng loạt sinh viên nhập viện

12-03-2017 15:52 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc ngày 10/3 hàng loạt sinh viên nhập viện vì ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp),

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc ngày 10/3 hàng loạt sinh viên nhập viện vì ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp), ngày 11/3, Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với UBND quận Cầu Giấy về những nội dung liên quan đến vụ việc này. Về phía Công an TP. Hà Nội, Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã giao cho Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường điều tra làm rõ vụ ngộ độc rượu này.

Nhiều nạn nhân hôn mê

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, báo cáo của UBND quận Cầu Giấy cho biết, tính đến sáng 11/3, có 12 sinh viên phải nhập viện, trong đó có 3 trường hợp đã xuất viện vì kiểm tra sức khỏe đều ổn và 9 trường hợp đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai). Trong số sinh viên này có 4 nữ và 5 nam đều quê ở Gia Lai và hiện là sinh viên sư phạm mầm non - Trường Sư phạm tiểu học Hải Dương (Chi nhánh tại Trường cao đẳng Cộng đồng, đang ở trọ tại số nhà 13, ngõ 259, phố Yên Hòa, Cầu Giấy). Hiện tại, 6 bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê, thở máy và phải lọc máu, 3 bệnh nhân tỉnh táo. Tuy nhiên, có 2 nam sinh viên trong tình trạng nguy kịch là Nay Thin (21 tuổi) và Nay Ro (23 tuổi).

Qua xác minh, Phòng Y tế quận Cầu Giấy cho biết, rượu mà những sinh viên này đã uống được mua tại ngõ 259, phố Yên Hòa. Tại ngõ này có 2 cửa hàng tạp hóa bán rượu là số nhà 5B và số nhà 17. Tại số nhà 5B, qua kiểm tra phát hiện khoảng 2 lít rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc nhưng chủ hàng cung cấp số điện thoại nơi bán rượu. Theo số điện thoại này, đoàn kiểm tra xác minh được đó là rượu Bắc Hùng, tại cụm 8 làng Thủy Hội, xã Tân Hội, Đan Phượng.

Ðã tìm được nguồn cung cấp rượu độc khiến hàng loạt sinh viên nhập viện Lấy mẫu kiểm tra tại một sơ sở sản xuất rượu.

Tại cửa hàng số 17, cơ quan chức năng đã xác minh đầu mối cung cấp rượu tại đây là bà Nguyễn Thị Hảo (Cự Đà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) với loại rượu mang nhãn mác “Duy Hảo”. Đây cũng là đầu mối cung cấp rượu tại một cửa hàng tại chợ Hợp Nhất (phường Trung Kính, quận Cầu Giấy) và cho nhiều cửa hàng ăn, tạp hóa trên địa bàn Hà Nội với mức giá chỉ 7.000 - 8.000đ/chai 500ml. Hiện bà Nguyễn Thị Hảo đang được mời lên làm việc tại Cơ quan Công an quận Đống Đa do cũng liên quan đến một số rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn. Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 3 mẫu rượu tại 2 cửa hàng rượu nêu trên và khoảng 200ml rượu đựng trong chai nhựa nhỏ tại phòng trọ của các sinh viên này gửi xét nghiệm.

Liên quan đến vụ việc các sinh viên bị ngộ độc rượu trên địa bàn quận Cầu Giấy, trước đó, vào chiều 10/3, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, Trung tâm vừa tiếp nhận 7 bệnh nhân (gồm 5 nam và 2 nữ) nhập viện vì ngộ độc methanol. Theo BS. Hà Trần Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, 7 trường hợp này đều đang trong tình trạng khá nặng. Tất cả các bệnh nhân đều có chỉ định lọc máu để thải trừ methanol, toan chuyển hóa nặng, trong đó có 3 bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy.

Công an vào cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc rượu độc ở Hà Nội

Liên quan đến vụ ngộ độc rượu khiến 12 sinh viên nhập viện, lãnh đạo công an thành phố đã chỉ đạo lực lượng công an cơ sở tăng cường kiểm tra, nắm bắt, phát hiện và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với hành vi tàng trữ, mua bán, sản xuất rượu không rõ nguồn gốc. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cơ quan công an sẽ vào cuộc xử lý hình sự. Đồng thời quán triệt địa bàn nào tiếp tục xảy ra hiện tượng sản xuất,  mua bán rượu không rõ nguồn gốc, đặc biệt người sử dụng bị ảnh hưởng sức khỏe do sử dụng rượu thì trưởng công an quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm.

Được biết, kết quả điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định được một chủ cơ sở cung cấp nhiều loại rượu có nguy cơ gây ngộ độc là Nguyễn Thị Hảo, 37 tuổi, trú tại Thanh Oai, Hà Nội.

Các loại rượu của cơ sở bà Hảo sản xuất dán nhãn mác rượu gia truyền - rượu Duy Hảo và đóng trong các chai thủy tinh 300 - 330ml, hoặc không có tem nhãn đóng trong chai 500ml, can nhựa đối với rượu trắng. Cơ quan điều tra, Công an TP. Hà Nội thông báo người dân tuyệt đối không sử dụng rượu mang nhãn mác Duy Hảo có đặc điểm như trên. Nếu đã mua loại rượu trên, hãy tiêu hủy hoặc mang đến cơ quan công an để giao nộp.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý sản phẩm rượu

Ngày 10/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh

doanh rượu sau nhiều ca liên tiếp ngộ độc rượu. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai và thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm rượu nói riêng; có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Hai bộ: Y tế và Công Thương kiểm tra giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu trên cả nước. Hệ thống văn bản quy định về quản lý rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ được hoàn thiện. Luật hướng đến nghiêm cấm trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ...


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn