Phim tài liệu là thể loại ra đời sớm nhất của điện ảnh, với đặc điểm ghi lại hình ảnh người thật việc thật, đã hoặc đang tồn tại trong cuộc sống. Bởi vậy, thể loại điện ảnh này có thể tạo điều kiện tốt chưa từng thấy, giúp con người giải phóng tầm mắt đến mọi ngóc ngách trên các châu lục, xuyên đáy đại dương hay thậm chí vào vũ trụ. Nhưng trong làng điện ảnh Việt Nam, dường như phim tài liệu lại là nhóm nghệ thuật khó phát triển nhất...
Ngay từ khi ra mắt công chúng, phim tài liệu Việt Nam đã khẳng định được vị thế trong lĩnh vực điện ảnh và đời sống xã hội bởi cách phản ánh chân thực và giá trị nhân văn. Công chúng không thể quên những thước phim tài liệu giá trị ghi danh ở các giải thưởng quốc tế như: Nước về Bắc Hưng Hải đoạt Huy chương Vàng đầu tiên của điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim Quốc tế Moscow (1959); Đường dây lên sông Đà đoạt giải Bồ câu vàng tại Đức (1982); Chìm nổi Sông Hương giành danh hiệu Kịch bản xuất sắc tại Nhật Bản (1995); Chị Năm khùng đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại LHP châu Á - Thái Bình Dương (2000).
Dường như không thuận theo quy luật tự nhiên, xã hội càng phát triển, điện ảnh càng phải “ăn nên làm ra”, đằng này, phim tài liệu đang có nguy cơ “lùi dần đều”. Bước qua thời hoàng kim, phim tài liệu Việt hiện nay thiếu những tác phẩm mới ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Sự lớn mạnh của các kênh phim truyện, game show có lẽ chỉ là nguyên nhân phụ dẫn đến sự tồn tại tẻ nhạt của phim tài liệu. Cái chính là nội tại của thể loại này đã không còn phù hợp với đời sống và nhu cầu của công chúng hiện đại. Do đó, thay đổi cách khai thác là một việc làm cần thiết.
Hiện nay, hầu như các đạo diễn phim tài liệu của ta chỉ làm phim theo đơn đặt hàng, phục vụ cho tuyên truyền, trong khi những đề tài góc cạnh về cuộc sống hoặc mang tính thời sự được dư luận quan tâm thì lại chưa được đầu tư nhiều. Dẫu vậy, mảng phim này chưa hết hy vọng. Bằng chứng là năm 2014, dòng người nối dài chờ mua vé xem Chuyến đi cuối cùng của Phụng đã một lần nữa khiến những người làm phim tài liệu thấp thỏm hy vọng về sự trỗi dậy của mảng nghệ thuật này. Gần đây, phòng chiếu phim tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam luôn chật cứng người... cũng là bằng chứng cho thấy khán giả Việt không hề thờ ơ với phim tài liệu. Qua liên hoan phim tài liệu châu Âu và Việt Nam, người trong nghề cũng như khán giả đã có nhiều trải nghiệm thú vị.
Qua những liên hoan phim quốc tế nói trên, chúng ta hiểu kinh phí không phải là trở ngại ngăn cản phim tài liệu Việt Nam ra thế giới. Chính ý tưởng độc lập, sự nhạy bén trước các sự kiện, thể hiện vai trò người ghi sự thật trong xã hội mới là chìa khóa cho những nhà làm phim tài liệu trẻ của Việt Nam mở các cánh cửa bước ra ngoài.
Làm phim tài liệu không dễ, nhất là việc lựa chọn đề tài, ngay cả việc đặt tên cho một bộ phim cũng đòi hỏi người trong cuộc phải vắt óc suy nghĩ. Nhưng qua sự thành công của phim tài liệu Đổi mới, hy vọng người trong giới cũng như công chúng sẽ thay đổi cách suy nghĩ thiếu tích cực về phim tài liệu Việt Nam. Chúng ta không hề thiếu sự sáng tạo, không hề “bí” đề tài, càng không thiếu kinh phí, vấn đề là làm thế nào để thay đổi thói quen mặc định từ phía công chúng, thay vì chỉ xem phim giải trí, chúng ta hãy quan tâm hơn đến mảng phim “bác học” này.
Tùng Lâm