Ða số vụ ngộ độc xảy ra do độc tố tự nhiên

19-01-2015 14:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Từ đầu năm 2015 đến nay đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có những vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên như ốc biển lạ...

Từ đầu năm 2015 đến nay đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có những vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên như ốc biển lạ, cá nóc, thậm chí vụ ngộ độc ốc biển mới đây đã khiến 3 người tử vong. Trước đó, năm 2014 số nạn nhân bị tử vong vì ngộ độc thực phẩm cũng đã gia tăng gần 54%. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, cơ quan chức năng đã và đang làm gì để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm... Để tìm câu trả lời, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.

TS. Nguyễn Thanh Phong.

PV: Thống kê cho thấy, phần lớn trong số các vụ ngộ độc thực phẩm có gây tử vong cho con người đều do độc tố tự nhiên. Lý do của thực trạng này là gì thưa ông?

TS. Nguyễn Thanh Phong:  Điều đáng ngại là lâu nay cơ quan chức năng đã thường xuyên, liên tục tăng cường tuyên truyền các thông điệp khuyến cáo về mức độ nguy hiểm của thực phẩm có chứa yếu tố độc tự nhiên, thế nhưng dường như nhiều người dân vẫn “bỏ qua” khuyến cáo của ngành y tế, vẫn sử dụng ốc lạ, cá nóc, nấm rừng tự nhiên, so biển... làm mất mạng...

Theo thống kê gần đây thì ngộ độc liên quan đến thực phẩm chứa độc tố tự nhiên chiếm 25 - 35% tổng số vụ ngộ độc, như năm 2014 là trên 30% số vụ, chiếm 85 - 95% tổng số tử vong. Những người được cứu thoát khỏi cửa tử do ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên thì chi phí điều trị rất lớn, đều lên đến hàng trăm triệu đồng.

PV: Thế nhưng, thưa ông, chúng ta cũng cần phải có giải pháp để các thông điệp truyền thông về ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm thực sự đi vào cuộc sống, nhằm tránh được những trường hợp tử vong đáng tiếc?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Như tôi đã nói, không phải có ngộ độc thực phẩm xảy ra chúng tôi mới có khuyến cáo người dân mà trên trang thông tin điện tử của Cục ATTP, chúng tôi thường xuyên đăng tải các thông tin hướng dẫn người dân về cách sử dụng, chế biến một số thực phẩm (ví như gần Tết nên người dân sẽ có nhu cầu sử dụng măng khô nhiều, chúng tôi đăng thông tin hướng dẫn người dân lựa chọn, chế biến măng ra sao cho đảm bảo an toàn, hay với dưa muối cũng vậy...), rồi thông tin khuyến cáo người dân không nên sử dụng các thực phẩm có chứa nhiều yếu tố độc tố tự nhiên để làm thực phẩm... Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của một vài dự án, chúng tôi đã có kinh phí để in ấn các thông điệp thành các poster tuyên truyền về sử dụng nấm an toàn, rồi phát sóng những thông điệp khuyến cáo về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm  trong đó có ngộ độc nấm bằng cả tiếng dân tộc trên radio.

Như vậy, có thể nói công tác truyền thông về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm luôn được chúng tôi chú trọng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng là sự nỗ lực của cơ quan chức năng mới chỉ là một nửa của vấn đề mà quan trọng nữa là phải có sự hợp tác từ phía cộng đồng - ở đây là người dân. Người dân phải tự bảo vệ mình trước những thực phẩm không rõ danh tính (ốc lạ, nấm lạ...)

Thật ra, công tác truyền thông là khó nhưng khó vẫn phải làm, chứ không phải khó là không làm. Nhưng những công việc đã làm để phòng chống ngộ độc thì phải tiếp tục làm, làm nhiều hơn tại các vùng có nguy cơ. Quan điểm của chúng tôi là truyền thông để nâng cao hiểu biết cho người dân, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn.

PV:  Thưa ông, Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm của người dân sẽ tăng. Vậy cơ quan chức năng đã và sẽ làm gì để loại thực phẩm “bẩn”, phòng tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Giảm ngộ độc thực phẩm là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành y tế trong nhiều năm qua và mỗi năm đều có nhiều đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra, xử lý...

Hiện đang là thời điểm cuối năm, nhu cầu thực phẩm của người dân có xu hướng tăng cao, đặc biệt dịp lễ Tết và các lễ hội đầu xuân năm mới. Sản phẩm chủ đạo là các loại mứt, bánh kẹo, thịt gia cầm, rau củ quả... Do đó, số lượng các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và các dịch vụ kinh doanh phục vụ tăng đáng kể. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng nhận định tình hình buôn lậu qua biên giới còn diễn biến phức tạp, các mặt hàng buôn lậu, bao gồm cả thực phẩm, phụ gia thực phẩm..., nhu cầu giao lưu đi lại gia tăng dẫn đến các dịch vụ kinh doanh ăn uống và thức ăn đường phố tăng theo. Chính vì vậy, vấn đề quản lý ATTP cần được kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.

Để đảm bảo ATTP cho nhân dân cả nước đón Tết Nguyên đán, lễ hội cổ truyền, Ban chỉ đạo liên ngành TW về VSATTP đã xây dựng và triển khai Kế hoạch bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán năm 2015, huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành, các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia. Tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát về ATTP, trong đó chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định về ATTP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong các dịp lễ Tết; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuyệt đối không để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động... Thông báo công khai các đơn vị sai phạm để người tiêu dùng biết.

Thực tế, trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã triển khai các đoàn thanh, kiểm tra về ATTP dịp Tết Nguyên đán, qua đó đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại trong sản  xuất, kinh doanh thực phẩm...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hoàng

(Thực hiện)

 

 


Ý kiến của bạn