Ðà Lạt - Thành phố ngàn hoa vẫn phải tìm hoa

26-12-2013 18:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ðà Lạt - Thành phố ngàn hoa vẫn phải tìm hoa

Đà Lạt được mệnh danh là “vương quốc” hoa ở Việt Nam và được yêu mến đặt tên “Thành phố ngàn hoa”. Ngày 27/12/2013, TP. Đà Lạt khai mạc Festival hoa lần thứ 5 và cũng là hoạt động mở đầu cho tuần lễ kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014.

Hoa, đặc trưng và “đặc sản” tạo nên thần thái, hồn phách thành phố cao nguyên Lâm Viên. Và hoa trở thành tâm điểm để du khách đến Đà Lạt chiêm ngưỡng như một thú chơi thưởng ngoạn tao nhã, thư thái. Nhưng có một nghịch lý đối với du khách, đến “thành phố ngàn hoa” nhưng không dễ gì được ngắm thỏa thích các loài hoa.

Ngàn hoa mà tìm hoa thật khó

Cứ nghĩ rằng “thành phố ngàn hoa” thì hoa dành cho các mục đích phục vụ cộng đồng, du khách như công viên, các điểm du lịch... cũng sẽ rất nhiều kỳ hoa dị thảo, nhiều loài hoa kiêu sa diễm lệ, nhiều loài hoa chỉ có ở Đà Lạt mà không có ở đâu để ngắm thỏa thích...

Như một mẫu số chung ở các khu công viên như Vườn hoa Đà Lạt, Thung lũng tình yêu, Thung lũng Vàng, Thiền viện Trúc Lâm, rồi các công viên ở các khu du lịch Thác Pren, Thác Đathala, Thác Cam Ly, Thác Voi, núi Lang Biang..., gần như chỉ thấy mấy loài hoa thông dụng như cúc các loại nhiều màu sắc, cẩm tú cầu, đỗ quyên, violet, móng rồng, hồng tỉ muội, pensée, hoa mười giờ, bông trang, bông lồng đèn, dâm bụt, bất tử... vài loại địa lan, phong lan thông thường... Hoa không phải được trồng, được mọc từ đất một cách tự nhiên, mà phần lớn là hoa được trồng trong các chậu nhựa nhỏ, rồi sắp đặt, bày biện dưới đất, trên cao..., tạo nên cảm giác giả, không trọn vẹn những xúc cảm đẹp giữa hoa và thiên nhiên.

Có cả một siêu thị hoa ở gần khu vực Thung lũng Tình yêu, nhưng bên trong là gì? Phần lớn là các cây hoa được trồng trong chậu để mang về, nhưng hoa chỉ khoảng hơn chục loài, không có kỳ hoa dị thảo hay các loại hoa đẹp có xuất xứ “ngoại”. Chưa kể hoa ướp khô, nhuộm màu, đóng hộp chỉ có vài loại như hoa hồng, hoa cúc, bất tử..., màu mè rực rỡ không tự nhiên. Còn như muốn tìm các loại hoa đẹp, dù thông dụng như layơn, tulip, lyli, hồng... để ngắm thì chỉ có thể vào nhà vườn ở mấy làng hoa ngoại thành mới có.

Hoa nhà vườn chỉ dành cho shop hoa

Không phải Đà Lạt không có nhiều hoa đẹp, hoa quý, 120 năm hình thành và phát triển, theo bước chân của những người khai phá, xây dựng kiến tạo, cùng với nhiều ngành nghề khác thì ngành trồng hoa ở đây đã trở thành hàng nghệ thuật với những nghệ nhân trồng hoa. Hàng trăm “kỳ hoa” mang nhiều quốc tịch “nhập gia” ở thành phố cao nguyên này, chúng được trồng ở những nhà vườn hiện đại thuộc các khu làng hoa Vạn Thành, Định An, Xuân Thọ, Thái Phiên, Hà Đông... Đến đây, du khách có cảm giác như lạc vào một cõi thần tiên, không chỉ là những loài hoa tuyệt sắc mà hương thơm cứ như ướp cả không khí làm cho lâng lâng, phiêu bồng. Riêng hoa hồng đã lên đến hàng chục loại với đủ màu và các sắc pha trộn lộng lẫy như: hồng nhung, hồng cánh sen, hồng phấn, hồng vàng ánh trăng, hồng song hỉ... Hoa tulip, layơn, lyli, cẩm chướng, iris, cát tường, xara, hồng salem, pipi, cúc các loại... những loài hoa kiều diễm này bạt ngàn trong các khu nhà kính, tạo nên những thảm hoa tuyệt đẹp...

Nhưng như một người chủ của nhà vườn trồng hoa ở Vạn Thành cho biết: Hoa này đã có thương lái đặt mua, họ mua và mang về các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội để bán trong các shop hoa cao cấp hay các cửa hàng hoa. Không chỉ chủ nhà vườn hoa Vạn Thành, mà đi đến mấy làng hoa khác thì đều có chung một câu trả lời, hoa dành cho các công trình công cộng hay các sự kiện như Festival hoa Đà Lạt, không nằm trong kế hoạch trồng - sản xuất của nhà vườn, các nhà vườn trồng hoa chỉ dành cho mục đích thương mại. Như làng hoa Xuân Thọ cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 12km có trên 100ha diện tích trồng hoa, trong đó riêng hoa layơn chiếm 50%, hàng năm cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 25 triệu cành với các giống mới rất được thị trường yêu thích.

Có lẽ thế nên những loài hoa đẹp này cũng trở nên “hiếm”, “quý” trong các công viên, tạo cảm giác khi đến các nơi này, “no nê” hoa nhưng ít cảm xúc.

Festival hoa Đà Lạt ngắm hoa miền Tây Nam Bộ

Không phải là “giao lưu” hoa trong Festival như một khách mời mà là một “thành viên” chủ chốt của Festival hoa Đà Lạt. Cũng không phải tới mùa Festival thứ 5 này mới phải dùng đến hoa của các nhà vườn trồng hoa miền Tây Nam Bộ mà mấy mùa trước cũng vậy bởi hoa ở Đà Lạt chỉ trồng trong mấy nhà vườn kia không thể nào đủ cho số hoa cần thiết để trang trí các hạng mục chương trình của Festival: Đêm hội 120 năm Đà Lạt và hoa, Những không gian hoa ở Quảng trường Lâm Viên,  ga Đà Lạt..., Phiên chợ hoa Đà Lạt 2013, Tọa đàm về hoa Đà Lạt và Du lịch, Carnaval hoa Đà Lạt 2013.

Tại Festival hoa Đà Lạt lần 5 này, miền Tây Nam Bộ cử đại diện trồng hoa nổi tiếng nhất của mình là các nhà vườn ở Sa Đéc, không chỉ cung cấp một lượng hoa khổng lồ cho việc trang trí các tiểu cảnh, đại cảnh của festival, các nghệ nhân Sa Đéc còn tham gia trưng bày tại Festival hoa Đà Lạt khoảng 4.000 tác phẩm như bonsai, kiểng cổ Nam bộ, tiểu cảnh, non bộ, kiểng hoa, kiểng lá và hoa lan của Làng hoa Sa Đéc và một số sản phẩm, tác phẩm của các Hội Sinh vật cảnh huyện, thị, thành trong toàn tỉnh để tái hiện hình ảnh Làng hoa Sa Đéc thu nhỏ.

Đà Lạt - Thành phố ngàn hoa, nhưng có lẽ việc quy hoạch hoa cho thành phố vẫn còn nhiều điều cần phải quy hoạch một cách khoa học và hợp lý để không chỉ mang sự hài hòa, đồng bộ với cảnh quan thiên nhiên mà còn là tạo cho vẻ đẹp thiên nhiên những điểm xuyết hoàn hảo, không thể “ngàn hoa” mà chỉ vài chục loài hoa nghèo nàn, tẻ nhạt. Làm sao để cho du khách đến với Đà Lạt là đến với những cảm xúc hoa trong chiêm ngưỡng, thưởng thức và yêu nhớ như một kỷ niệm tình yêu ở thành phố thơ mộng này với hoa và hoa bất tận, miên man.      

Minh Châu

 


Ý kiến của bạn