Ðã ghi nhận 2 ca bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản B

08-06-2016 07:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 7/6, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và bệnh viện của tỉnh Thanh Hóa vừa phát hiện 2 ca mắc viêm não Nhật Bản B.

Ngày 7/6, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và bệnh viện của tỉnh Thanh Hóa vừa phát hiện 2 ca mắc viêm não Nhật Bản B. Đây là 2 bệnh nhi viêm não Nhật Bản B đầu tiên của mùa dịch năm nay.

Ông Phu cho biết, 5 tháng đầu năm 2016, cả nước ghi nhận trên 215 trẻ mắc viêm não các thể, trong đó có 2 trẻ mắc viêm não Nhật Bản B. So về số mắc viêm não các thể thì số mắc năm 2016 đã giảm 44% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, ông Phu cho biết thời điểm này đang là mùa dịch viêm não Nhật Bản B hằng năm (mùa dịch sẽ kéo dài đến tháng 8), số mắc còn có thể tăng và đây là thể bệnh viêm não có tỷ lệ tử vong và để lại di chứng nặng rất cao. Gần đây nhất là năm 2014 đã có một ổ dịch viêm não Nhật Bản khá lớn ở tỉnh Sơn La.

Bổ sung thêm thông tin, TS. Trần Minh Điển cũng cảnh báo, viêm não (trong đó có viêm não Nhật Bản) đã vào mùa với số ca mắc chuyển từ các tỉnh lên ngày một tăng. Nhiều trường hợp mắc viêm não chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đã quá nặng nên tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng.

TS.BS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo: Thời tiết khắc nghiệt mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đây được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, gây tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%)... Những di chứng này khiến cho người bệnh giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây cũng chính là nỗi lo sợ của các bà mẹ có con nhỏ trong mùa hè.

Viêm não Nhật Bản (hay còn gọi là viêm não B), là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có tỷ lệ tử vong cao. Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, các bậc cha mẹ cho trẻ đi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản (tiêm 2 mũi khi trẻ 1 tuổi, mũi sau cách mũi trước 2 tuần, mũi thứ 3 sau mũi 2 một năm), tránh để dịch lan rộng mới đi tiêm chủng thì hiệu quả tiêm chủng sẽ thấp.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn