Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã (sau đây gọi tắt là Bộ tiêu chí) được áp dụng để đánh giá các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của toàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã), chứ không chỉ đánh giá hoạt động của trạm y tế (TYT). Trước tình hình triển khai còn gặp không ít khó khăn, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều thay đổi để bám sát thực tiễn.
Triển khai còn nhiều khó khăn
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 105 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, chiếm tỷ lệ 56,5%. Theo Sở Y tế Quảng Ninh, những xã có điều kiện thuận lợi hầu hết đã đạt chỉ tiêu. Số còn lại phấn đấu khá khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là cơ sở vật chất. Hiện nay, trong 186 TYT tuyến xã, có tới 142 trạm được đầu tư từ trước năm 2010; trong đó, nhiều trạm đầu tư giai đoạn 2004-2005 nên cơ sở vật chất đã xuống cấp.

Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã với những thay đổi “thoáng” hơn góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB ngay tại cơ sở. Ảnh: PV
Mặt khác, theo quy định trong Bộ tiêu chí, TYT phải đảm bảo có từ 9-12 phòng chức năng; trong đó, tối thiểu phải có các phòng: khám bệnh; xét nghiệm; sơ cứu, cấp cứu; phòng tiêm; phòng hành chính. Nhưng trên thực tế, một số trạm vẫn chưa đảm bảo đủ số phòng theo quy định. Cũng theo quy định của Bộ Y tế, TYT xã phải đảm bảo có 176 loại trang thiết bị, dụng cụ, trong đó có những chủng loại trang thiết bị phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong xã và khả năng chuyên môn của cán bộ y tế tại TYT xã. Tuy nhiên, đến nay nhiều trạm chưa được đầu tư đủ theo danh mục trang thiết bị y tế cơ bản. Lý giải về khó khăn này, đại diện nhiều địa phương cho biết: Do khó khăn về kinh phí nên khó bố trí nguồn vốn để đồng loạt xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các TYT đã xuống cấp. Ngay cả kinh phí dành cho duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của các trạm hiện cũng rất hạn chế.
Không chỉ vậy, các TYT còn gặp khó khăn về cơ cấu nhân lực. Dù hiện nay, mỗi trạm có đủ từ 5-6 biên chế theo quy định, song chỉ 106/186 trạm đảm bảo đủ 5 nhóm chức danh chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế (gồm: bác sĩ, y sĩ, hộ sinh trung học, điều dưỡng trung học, dược sĩ trung học). 80 xã còn lại phần lớn thiếu bác sĩ hoặc chưa đủ bác sĩ làm việc tại trạm tối thiểu 3 ngày/tuần. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn cán bộ y tế tuyến xã còn hạn chế nên trung bình hiện nay, các xã mới thực hiện được dưới 80% danh mục kỹ thuật áp dụng cho tuyến xã. Nguyên nhân là do việc tăng cường bác sĩ từ tuyến huyện xuống tuyến xã làm việc còn hạn chế bởi các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện vẫn rơi vào tình trạng thiếu bác sĩ.
Đã có nhiều thay đổi “thoáng” hơn
Ngày 7/11/2014, Bộ Y tế ra Quyết định 4667/QĐ-BYT về việc ban hành Bộ tiêu chí giai đoạn đến năm 2020. Theo Quyết định 4667, Bộ tiêu chí có 10 tiêu chí: chỉ đạo, điều hành công tác chăm sóc sức khỏe; nhân lực y tế; cơ sở hạ tầng TYT xã; trang thiết bị, thuốc và phương tiện khác; kế hoạch - tài chính; y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và y học cổ truyền; chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em; dân số - kế hoạch hóa gia đình; truyền thông - giáo dục sức khỏe. 10 tiêu chí này chia ra 46 chỉ tiêu cụ thể, giảm 4 chỉ tiêu so với Quyết định số 3447.
Theo BS. Hà Anh Thạch - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Bình Định, điểm mới đáng kể nhất của Bộ tiêu chí là phân vùng các xã theo khoảng cách địa lý, địa hình, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Ví dụ, vùng 1 là phường, thị trấn khu vực đô thị; xã đồng bằng, trung du có khoảng cách từ TYT đến bệnh viện, TTYT hoặc phòng khám đa khoa khu vực gần nhất dưới 3km. Nếu khoảng cách này là từ 3 đến dưới 15km thì thuộc vùng 2, từ 15km trở lên thì thuộc vùng 3. Với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có khoảng cách từ TYT đến bệnh viện, TTYT hoặc phòng khám đa khoa khu vực gần nhất dưới 5km thì thuộc vùng 2, nếu từ 5km trở lên thì thuộc vùng 3…
“Chính cách phân vùng hợp lý đó là cơ sở để đưa ra những thay đổi căn bản trong chức năng, nhiệm vụ chính của TYT xã. Cụ thể, các trạm ở vùng 1 và 2 không bắt buộc có điều trị nội trú, đỡ đẻ thường, kỹ thuật phụ sản, kỹ thuật nhi; các trạm ở vùng 1 không bắt buộc có vườn cây thuốc nam, không bắt buộc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình”, BS. Thạch phân tích. Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí mới còn có một số điểm thay đổi khác như đưa ra yêu cầu cao hơn về chỉ tiêu tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Nếu tỉ lệ này đạt dưới 70% thì chỉ được 1 điểm, từ 70% đến dưới 75% mới được 2 điểm; trong khi trước đây chỉ cần từ 60-70% là được 2 điểm, trên 70% là 4 điểm.
Đáng chú ý, điều kiện để xã được công nhận thực hiện đạt Bộ tiêu chí được hạ thấp hơn. Trước đây, yêu cầu đặt ra là mỗi xã phải đạt trên 90 điểm và không bị “điểm liệt”. Nay, số điểm tối thiểu cần thiết được giảm còn 80 điểm. “Với sự thay đổi có phần “thoáng” hơn này, thời gian tới số cơ sở y tế đạt Bộ tiêu chí sẽ được bổ sung đáng kể, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngay tại cơ sở của nhân dân”, BS. Thạch nhận định.
Thu - Phương