Rõ ràng, những động thái từ Triều Tiên cho thấy mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn quốc gia này sở hữu vũ khí hạt nhân đều không hiệu quả.
Quả tên lửa đạn đạo tầm trung vừa được Triều Tiên phóng đi hôm 15/9 đã bay được 3.700km, vượt qua lãnh thổ Nhật Bản với độ cao tối đa đạt 770km, trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Vụ thử tên lửa mới này tiếp tục tạo thêm áp lực cho cộng đồng quốc tế, khi chỉ trong 9 tháng qua, Triều Tiên đã 15 lần thử tên lửa đạn đạo và thử bom nhiệt hạch; đẩy tình hình khu vực lên một nấc thang căng thẳng mới.
Cho đến thời điểm này, HĐBA LHQ đã ban hành 9 bản nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, với rất nhiều lần lên án và áp đặt các lệnh cấm vận khắt khe đối với Bình Nhưỡng. Nhưng kết quả là mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Triều Tiên vẫn phớt lờ mọi nỗ lực của cộng đồng tế và vẫn cứ tiếp tục phóng thử tên lửa và bom nhiệt hạch. Các dự báo cho thấy Triều Tiên còn có thể đạt tới trình độ gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo liên lục địa sớm hơn dự kiến, có thể là vào năm sau. Triều Tiên còn tự tin tuyên bố nước này đặt mục tiêu “đạt được sự cân bằng” về sức mạnh quân sự đối với Mỹ. Ngày 16/9, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết hoàn thành chương trình hạt nhân của nước này, nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên là thiết lập một trạng thái cân bằng về lực lượng quân sự với Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un thị sát địa điểm phóng thử tên lửa hôm 15/9.
Những gì đang diễn ra không chỉ đẩy bán đảo Triều Tiên vào tình thế hết sức nguy hiểm, mà tình trạng “người làm cứ làm, còn người cản thì cứ cản” hiện nay chỉ ra một thực tế rằng: cách tiếp cận trong vấn đề Triều Tiên như trước đây (răn đe và cấm vận) đã lỗi thời. Cụm từ “Triều Tiên phóng tên lửa hạt nhân” đã trở nên quen thuộc và cái vòng luẩn quẩn, bế tắc trong vấn đề Triều Tiên cũng là một thực tế mà tất cả các quốc gia buộc phải thừa nhận.
Vậy thì, đâu là cách tiếp cận mới có thể phá vỡ thế bế tắc trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên?
Thực tế đã chứng minh rằng, dù vòng quay “họp khẩn - phản đối - trừng phạt - tập trận trả đũa” có lặp lại bao nhiêu lần đi nữa, Triều Tiên sẽ không dừng lại các vụ thử tên lửa và hạt nhân của mình. Chiến lược dài hạn của Triều Tiên là phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân, coi đây là “lá bài” quan trọng để bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ cũng như để giành ưu thế trong đàm phán và mặc cả với các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc hay các nước đối trọng trong khu vực. Bởi vậy, Triều Tiên sẽ chỉ dừng lại khi đã cảm thấy họ “an toàn” với kho vũ khí của mình, với việc xác lập “sự đã rồi” buộc thế giới phải thừa nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, bất kể cộng đồng quốc tế có muốn chấp nhận điều đó hay không.
Tất nhiên, Mỹ, Nga và Trung Quốc hiểu rất rõ điều ấy và đều thừa nhận rằng cần có một cách tiếp cận mới trong vấn đề Triều Tiên. Thế nhưng, đâu là cách tiếp cận mới, giải pháp mới cho vấn đề Triều Tiên? thì không một quốc gia nào có thể thống nhất được. Nga và Trung Quốc mới đây đã đưa ra sáng kiến “hai bên cùng tiến”. Đó là Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân - tên lửa, còn Mỹ - Hàn dừng, không tiến hành các cuộc tập trận thường niên. Tuy nhiên, đề xuất này rốt cuộc đã bị Mỹ - Hàn bác bỏ.
Có thể nói, lợi ích cá nhân lại tiếp tục trở thành rào cản khiến các bên không thể có được tiếng nói chung trong vấn đề Triều Tiên. Khi Bình Nhưỡng ngày càng tiến gần tới khả năng sở hữu tên lửa hạt nhân, các lệnh trừng phạt mới hay tình trạng “mạnh ai người nấy làm” như hiện nay chỉ càng khiến cho tình hình thêm rối ren và phức tạp.
Thời điểm này, có quan điểm cho rằng đã đến lúc nên thừa nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và chấp nhận họ quay trở lại bàn đàm phán với tư thế là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Tất nhiên, điều này là đi ngược lại những nỗ lực bấy lâu nay của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế. Song, nếu không bên nào nhượng bộ, thế giới sẽ phải tiếp tục chứng kiến các vụ thử tên lửa và hạt nhân mới. Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, việc xóa bỏ những toan tính riêng phải được coi là ưu tiên tiên quyết mới có thể khiến các bên tìm ra một giải pháp mới cho vấn đề Triều Tiên.