Ða dạng hóa trạm y tế xã, khai thác hết tiềm năng y tế cơ sở

22-03-2018 21:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nếu trạm y tế xã năng động có thể trở thành một bệnh viện đa khoa, nhưng cũng có trạm y tế xã phát huy vai trò y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tập trung dự phòng, sàng lọc, nâng cao sức khỏe.

Trong 2 ngày 19 và 20/3/2018, đoàn khảo sát của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì đã tiến hành khảo sát các mô hình trạm y tế xã/phường thí điểm tại TP.HCM và Long An.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Chúng tôi trực tiếp đi khảo sát 29 trạm y tế xã, phường rải đều ra 10 tỉnh thành và chia làm 3 loại trạm: Một ở vùng sâu, vùng xa; hai là ở đồng bằng và một loại trạm y tế phường ở vùng đô thị. Qua đó, chúng tôi xây dựng một chính sách phát triển y tế cơ sở để làm sao người dân tin tưởng vào y tế cơ sở nơi đó cung cấp các dịch vụ nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, quản lý các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường, béo phì, vấn đề dinh dưỡng, luyện tập sức khỏe cho đến khám chữa bệnh ở những cơ sở y tế gần nhà mình nhất với chất lượng dịch vụ tốt nhất và được bảo hiểm y tế chi trả gần như toàn bộ, để không phải vượt lên tuyến trên, tốn kém thời gian, tiền bạc”.

Ða dạng hóa trạm y tế xã, khai thác hết tiềm năng y tế cơ sởBộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra tại Trạm y tế xã ở Đức Huệ, Long An.

Theo Bộ trưởng, đoàn công tác sẽ khảo sát kỹ lưỡng mọi mặt từ hoạt động, bộ máy nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ chế tài chính.

“Hiện nay, vẫn còn nhiều bất cập trong việc chi cho trạm y tế xã phường còn rất khiêm tốn, cho nên đủ thuốc, không đủ chất lượng dịch vụ. Chúng tôi phải đổi mới toàn diện để thực hiện Nghị quyết 20 của Trung ương về y tế, về sức khỏe. Và chúng tôi hy vọng trong tương lai, trạm y tế xã phường sẽ trở thành mô hình y học gia đình, gần dân nhất và cung cấp những dịch vụ tốt hơn nhiều, để sức khỏe người dân được bảo vệ, vừa được chăm sóc, vừa được dự phòng vừa được điều trị và được kiểm tra trước khi bị bệnh, chứ không nhất thiết phải vào bệnh viện”.

Một bất cập khác là các phòng của trạm y tế phường xã được thiết kế không hợp lý, còn quá hình thức. Trong chuyến khảo sát hai trạm y tế xã thí điểm ở Bình Thành và Đức Huệ (Long An), đoàn khảo sát Bộ Y tế nhận định trạm y tế tại đây không có sản phụ đến sinh đẻ, mỗi năm chỉ thực hiện chưa đến chục ca như đặt vòng tránh thai nên không cần phòng sinh và phòng kế hoạch hóa riêng biệt, hay phòng tư vấn truyền thông chưa phát huy hết chức năng. Trong khi đó, trạm y tế xã cần phải có phòng tư vấn, sàng lọc trước tiêm; phòng tiêm chủng và phòng chờ theo dõi sau tiêm; nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng; bác sĩ hoặc cử nhân y tế công cộng với định hướng y học gia đình cùng với đẩy mạnh y học cổ truyền.

Trạm y tế xã Mỹ Thạnh Đông gần y tế huyện nên đoàn Bộ Y tế đặt vấn đề giả sử có đặt máy siêu âm, ai làm và ai đến khám... Nếu đầu tư một ghế làm nha, nha sĩ có đồng ý về làm không? Bộ Y tế đánh giá cao chính quyền địa phương quan tâm, công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu triển khai tốt như lịch khám thai, cân, biểu đồ tăng trưởng. Tuy nhiên, qua thực tế, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế địa phương cần nghiên cứu nếu đầu tư một trạm mẫu, cần làm gì với nguồn nhân lực sẵn có, tránh đầu tư dàn trải. Các trạm y tế xã tùy vào vị trí, nhân lực sẵn có, mô hình bệnh tật… mà đầu tư, bố trí cho phù hợp.

Vì vậy, trạm y tế vùng 1 như Mỹ Thạnh Đông chủ yếu với nguồn nhân lực, cơ sở sẵn có, trạm y tế sẽ tập trung vào gói dịch vụ dự phòng, quản lý hồ sơ bệnh không lây nhiễm, hay gói sàng lọc ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung; thực hiện các test nhanh phát hiện 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con như HIV, viêm gan B, giang mai; tư vấn dinh dưỡng phòng ngừa ung thư, tim mạch, huyết áp, béo phì từ tuyến trên chuyển về địa phương; quản lý người cao tuổi, sức khỏe học đường; quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; hoạt động truyền thông: giáo dục hành vi, lối sống, câu lạc bộ dưỡng sinh... phát triển y học cổ truyền.

Ða dạng hóa trạm y tế xã, khai thác hết tiềm năng y tế cơ sởCán bộ Trạm Y tế  phường Bình Chiểu (Thủ Đức) tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Điều đó được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rất tâm đắc khi đến khảo sát xã Thạnh An (Cần Giờ). Cách đất liền chừng 45 phút đi tàu, xã Thạnh An với gần 5.000 dân, thu nhập chính chủ yếu từ đánh bắt hải sản. Vì vậy, việc đầu tư các thiết bị máy móc để thực hiện khám bệnh thông thường, tối thiểu và tùy theo năng lực là rất cần thiết. Một trạm y tế xã cần một máy siêu âm, Xquang, một thiết bị xét nghiệm sinh hóa bán tự động và một ghế nha khoa, ngoài ra có thể bổ sung thêm các chuyên khoa như Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng...  Hoặc Trạm y tế phường Bình Chiểu (Thủ Đức) hiện đã trở thành vệ tinh của BV quận Thủ Đức, có một bác sĩ đa khoa và một bác sĩ biệt phái từ bệnh viện quận. Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trạm y tế năng động sẽ có thể thành một “bệnh viện đa khoa”, bên cạnh đó là dự phòng, truyền thông...

Nâng cao, chăm sóc sức khỏe nhân dân không chỉ khám chữa bệnh khi bị bệnh mà còn phải quan tâm sức khỏe người dân khi chưa bị bệnh, phòng bệnh, làm sao sống khỏe, tránh tình trạng béo phì nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, vấn đề thuốc lá hay rượu bia,... tất cả đều gắn liền với y tế cơ sở. Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới tuổi thọ người dân ngày càng nâng cao.


Bài, ảnh: An Quý
Ý kiến của bạn