98% lô hàng thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế quản lý không phải qua kiểm tra chuyên ngành

02-01-2019 07:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian qua, lĩnh vực an toàn thực phẩm đã tích cực thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, góp phần vào thành công của Bộ Y tế trong việc cải cách hành chính. Hiện chỉ còn 2% lô hàng thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế quản lý cần phải kiểm tra chuyên ngành.

Mới đây, báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại tại buổi làm việc với Bộ Y tế về triển khai các nhiệm vụ sau Hội nghị thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, tháng 11/2018, Bộ Y tế đã chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia với việc kết nối 7/23 thủ tục hành chính (TTHC - 1 ở lĩnh vực thiết bị y tế và 6 thủ tục ở dược). Tiếp đó, tháng 12/2018, Bộ Y tế sẽ hoàn thành kết nối 10 TTHC. 6 TTHC còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 1/2019. Bộ Y tế cũng đã cắt giảm 1.363/1.871 điều kiện đầu tư, kinh doanh (đạt 72,85%) và 169/234 TTHC (đạt 72,22%).

Hiện 98% lô hàng thực phẩm nhập khẩu của Bộ Y tế quản lý không phải qua kiểm tra chuyên ngành.

Hiện 98% lô hàng thực phẩm nhập khẩu của Bộ Y tế quản lý không phải qua kiểm tra chuyên ngành.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, bên cạnh đó, năm 2018, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 4 Thông tư số danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu gắn mã HS ở các lĩnh vực: Thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; Hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn và trang thiết bị y tế. Bộ cũng ban hành danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc dùng cho người và mỹ phẩm xuất khẩu, nhập khẩu đã xác định mã số hàng hóa gồm 10 danh mục với hơn 3.000 ngành hàng, gồm tất cả các loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu.

“Nhiều mặt hàng đã được Bộ Y tế quy định không kiểm tra chuyên ngành khi thông quan tại cửa khẩu: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Mỹ phẩm; trang thiết bị y tế; Chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Phương tiện tránh thai và thiết bị y dược cổ truyền cũng được loại khỏi danh mục phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nêu rõ.

Bộ Y tế cho biết, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Y tế được giao quản lý 5 mặt hàng gồm: phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm. Bộ Y tế đã quy định các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu. Theo đó, 5 dòng hàng được miễn kiểm tra, 810 dòng hàng còn lại (trừ 4 mặt hàng là phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước uống đóng chai; nước khoáng thiên nhiên; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm và thực phẩm bổ sung) là thuộc nhóm sản phẩm tự công bố và kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra giảm.

Như vậy, 95% số lô hàng của 810 dòng hàng này không phải kiểm tra chuyên ngành. Khoảng 98% lô hàng thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế quản lý sẽ không phải qua kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

Hiện lĩnh vực an toàn thực phẩm đang thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN với 2 lĩnh vực: Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường (cấp độ 4); Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt (cấp độ 4). Các lĩnh vực này đang trong quá trình cũng đang triển khai xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, dự tính sẽ hoàn thành kết nối vào tháng 1/2019.

Ngày 12/11/2018, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, trong đó: cắt giảm 1.363/1.871 điều kiện đầu tư kinh doanh (72,85%); cắt giảm 169/234 TTHC (72,22%).

Trước đó, ngày 02/02/2018, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó khoảng 98% các lô hàng thuộc 05 mặt hàng của 815 dòng hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý của Bộ Y tế sẽ không phải qua kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

Tổng ước tính sau khi cắt giảm điều điện kinh doanh, TTHC và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân hơn 8,5 triệu ngày công/năm, khoảng 3.332,5 tỷ đồng/năm (chưa tính các lợi ích khác từ cơ hội kinh doanh).


Bình Hoàng
Ý kiến của bạn