Hà Nội

97% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện không lấy tiền

08-12-2016 13:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đó là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn CHÍNH SÁCH LẦN THỨ 3 CỦA MẠNG LƯỚI CUNG CẤP MÁU APEC với chủ đề “Thúc đẩy triển khai GMP tại các cơ sở cung cấp máu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Diễn đàn sẽ diễn ra trong hai ngày 8,9/12 tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, Hà Nội. Diễn đàn này đã quy tụ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền máu của 21 nền kinh tế APEC

Phát biểu tại diễn đàn, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, việc ban thư ký APEC chọn Việt Nam để tổ chức diễn đàn về Chuỗi cung ứng máu là một cơ hội rất tốt để chuyên ngành Truyền máu Việt Nam cập nhật, bắt kịp và thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập với khu vực và quốc tế về việc nâng cao chất lượng cung cấp máu và chế phẩm máu của Việt Nam. Đây thật sự là một trong những hoạt động có ý nghĩa của y tế Việt Nam tham gia hợp tác và hội nhập trong APEC.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, với xu thế chung về hợp tác trên thế giới, tại diễn đàn quan trọng này,các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền máu, đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các Chính phủ, các nền công nghiệp và các viện nghiên cứu cần tập trung để giải quyết các thách thức liên quan đến dịch vụ truyền máu trong khu vực, đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam sẽ là nước chủ nhà APEC 2017, kết quả của cuộc họp sẽ được tổng hợp và thông qua tại Diễn đàn cấp cao APEC 2017.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Diễn đàn

Đại diện đơn vị đồng chủ trì diễn đàn, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam chia sẻ : “Tôi mong muốn tất cả chúng ta cùng góp tiếng nói chung, cùng hướng đến mục tiêu chung về một khu vực APEC giải quyết được tất cả các thách thức liên quan đến dịch vụ truyền máu, hướng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ truyền máu ở tất cả các nền kinh tế APEC có chung một chất lượng, duy trì được số lượng cần thiết về nhu cầu máu và chế phẩm máu ở mỗi nước, hướng đến việc thực hiện tiêu chuẩn GMP trong dịch vụ truyền máu ở tất cả các nước thành viên.  Tôi đề nghị các bạn trao đổi thẳng thắn về những ưu điểmvà nhược điểm của mỗi nước trong lĩnh vực truyền máu, tìm ra các kênh hợp tác khác nhau ở mỗi cấp độ khác nhau, hướng đến sự hoàn thiện và thống nhất mục tiêu:“Cung cấp đủ máu và máu an toàn đến tất cả các bệnh nhân cần truyền máu và chế phẩm máu” .

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới WHO máu và chế phẩm máu là một trong 4 yếu tố để xác định trình độ phát triển y học của mỗi vùng hoặc mỗi quốc gia gồm: Xét nghiệm, thuốc,máu và phẫu thuật. Trong nhữn năm gần dây, chuyên ngành truyền máu Việt Nam đã có những tiến bộ đáng ghi nhận. Hiện nay, lượng máu tiếp nhận được trên cả nước là từ 97% người hiến máu tình nguyện không lấy tiền. Số lượng đơn vị máu tiếp nhận của cả nước đạt 1,27% dân số vào năm 2015. Tuy nhiên, so với các nước tiên tiến trong khu vực thì vẫn còn một khoảng cách cả về chất lượng và số lượng.

Toàn cảnh diễn đàn

Năm 2017, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (tiếng Anh: Asia-Pacific Economic Cooperation, viết tắt là APEC). Đây là tổ chức quốc tế của các quốc gia nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị.- Diễn đàn tổ chức các kỳ họp thường niên lần lượt tại mỗi quốc gia thành viên. Năm 2017, Việt Nam vinh dự lần thứ 2 đăng cai tổ chức Hội nghị này tại Đà Nẵng (lần 1 năm 2006 tại Hà Nội).

Diễn đàn APEC đã đánh dấu sự hợp tác thành công của 21 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Không những thế, các lĩnh vực khác liên quan cũng được tiến hành hợp tác với nhiều cung bậc khác nhau mà Hội thảo về chuỗi cung ứng máu trong 21 nền kinh tế APEC là một ví dụ.


N.Hồng
Ý kiến của bạn