Năm 2014, Việt Nam đã đạt tỷ lệ hiến máu tình nguyện là 96%, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại đạt khoảng 45%, tỷ lệ dân số hiến máu đạt 1,17%... Tới nay, Việt Nam đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ, tổng lượng máu tiếp nhận được ước tính hơn 9 triệu đơn vị máu.
Thông tin này được GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo về xây dựng và duy trì nguồn người hiến máu tình nguyện an toàn khu vực châu Á lần thứ II, diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 9-10/11/2015.
Hội thảo về xây dựng và duy trì nguồn người hiến máu tình nguyện an toàn khu vực Châu Á lần II, thu hút 8 quốc gia tham dự như: Nhật Bản, Đức, Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào, Philippines và Việt Nam. Hội thảo tập trung vào các vấn đề chính: những nỗ lực và biện pháp để tăng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại, các chiến lược marketing, truyền thông nhằm tăng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại, chăm sóc người hiến máu, xây dựng lực lượng hiến máu dự bị... đồng thời, hội thảo cũng thảo luận các phương hướng hợp tác trong tương lai giữa các quốc gia trong khu vực nhằm đảm bảo nguồn máu và các chế phẩm máu an toàn cho ngành Truyền máu. Đặc biệt, Nhật Bản, quốc gia đã đạt 100% hiến máu tình nguyện từ năm 1973 đã có 2 báo cáo chia sẻ về các biện pháp để tăng tỷ lệ hiến máu nhắc lại.
Thông tin tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Anh Trí,Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Uỷ viên Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện nhận định: “Hội thảo sẽ mở ra cho Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực hướng đi đúng đắn trong công tác vận động hiến máu tình nguyện. Tôi tin hướng đi này sẽ thành công bởi nó được xây dựng dựa trên kinh nghiệm quý báu của các quốc gia khác trong lĩnh vực này, đặc biệt là kinh nghiệm của Nhật Bản. Hội thảo sẽ là bước đệm quan trọng để Việt Nam tiến tới đạt được mục tiêu 100% hiến máu tình nguyện vào năm 2020”.
Đảm bảo nguồn máu và các chế phẩm máu an toàn, bền vững là khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với tất cả các quốc gia để có dịch vụ truyền máu đạt hiệu quả tối ưu. WHO cũng khuyến cáo mỗi quốc gia cần có các biện pháp để tự đảm bảo nguồn máu và an toàn truyền máu, trong đó, đẩy mạnh vận động người hiến máu tình nguyện, vận động hiến máu nhắc lại là các biện pháp được ưu tiên, chú trọng. WHO đặt mục tiêu đến năm 2020, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đạt tỷ lệ 100% lượng máu tiếp nhận được là từ người hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, vấn đề này gặp phải nhiều thách thức ở tất cả các quốc gia trên toàn cầu. Hiện tại mới có khoảng 60 nước đạt được tỷ lệ này. Năm 2014, một số nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã đạt tỷ lệ 100% hiến máu tình nguyện (Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zeland, Malaysia, Australia, Brunei). Tại Việt Nam, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đã đạt 96% tổng số máu thu được, cao hơn một số nước trong khu vực như: Philippines (84%), Nauru (80%), Campuchia (35%)...
Chia sẻ tại hội thảo,GS. Yasushi Miyazaki, Đại học Nagasaki cho hay, Việt Nam được các nước đánh giá là một trong những nước đạt hiệu quả cao trong công tác huyết học - truyền máu, vì vậy hội thảo là cơ hội tốt để các nước có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần đưa công tác hiến máu tình nguyện đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, GS.TS. Lê Quang Cường khẳng định, công tác xây dựng và duy trì nguồn người hiến máu tình nguyện ở Việt Nam đang được Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm đẩy mạnh, thể hiện ở một số điểm cơ bản như: Việt Nam đã xây dựng và quy hoạch hệ thống truyền máu của cả nước, xây dựng và đi vào hoạt động một cách hiệu quả 5 trung tâm truyền máu lớn tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ; đồng thời tổ chức các trung tâm truyền máu vùng và các khoa huyết học - truyền máu của các tỉnh/thành phố. Việt Nam đã xây dựng được hệ thống Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện theo 4 cấp: trung ương, tỉnh/thành phố, quận/huyện, xã/phường. Đây là một chủ trương lớn nhằm huy động sự vào cuộc của các cơ quan chính quyền và nhiều cơ quan, ban, ngành đối với công tác vận động hiến máu tình nguyện.
Ngoài ra, Việt Nam đã tổ chức tiếp nhận máu theo nhiều hình thức như: tiếp nhận máu tập trung theo quận/huyện, xã/phường, xe chuyên dụng, điểm hiến máu cố định; đồng thời tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông lớn về hiến máu tình nguyện quy mô toàn quốc và tại các tỉnh/thành phố như: Lễ hội Xuân hồng, chương trình Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ… Hoạt động tôn vinh người hiến máu được quan tâm và tổ chức một cách rộng rãi trong cả nước, từ cấp xã/phường đến quốc gia. Từ năm 2007 đến nay, Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đều tổ chức chương trình tôn vinh người hiến máu cấp quốc gia, mỗi năm lựa chọn 100 người hiến máu tiêu biểu tham gia.
Thái Bình