94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức

09-09-2023 20:58 | Thời sự
google news

SKĐS - Đó là thông tin được Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thông tin tới báo chí chiều 9/9 và nhấn mạnh, bỏ thi thăng hạng viên chức sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội; có 94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi nâng thăng hạng viên chức.

Ai cũng muốn có cơ hội thăng tiến

Chiều 9/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày. Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi nếu bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên, điều này tạo thuận lợi gì và giúp cải thiện tình trạng giáo viên nghỉ việc như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, bất cứ nghề nghiệp gì, cán bộ công chức, viên chức, người lao động đều mong muốn thăng tiến trong nghề nghiệp. Ai cũng muốn có cơ hội thăng tiến theo năng lực chuyên môn của mình.

Hầu hết bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức - Ảnh 1.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023.

Việc thực hiện chính sách về chức danh nghề nghiệp của giáo viên cũng là một trong những giải pháp để phát triển đội ngũ nhà giáo. Nhà giáo được thăng hạng, không chỉ chứng tỏ năng lực, trình độ chuyên môn của mình, mà kèm theo đó là chế độ, chính sách tiền lương.

Ông Hoàng Minh Sơn thông tin, Bộ Nội vụ đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; trong đó có đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.

Nếu đề xuất này thành hiện thực thì việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp chỉ thông qua hình thức xét, không còn hình thức thi. Điều này sẽ tác động tích cực đến công tác phát triển nghề nghiệp đối với viên chức nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng. Dù thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đều nhằm mục đích đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của nhà giáo. Mà năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cần có quá trình giảng dạy, tự đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện.

Hầu hết bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên có thể đánh giá cả quá trình, bảo đảm tính công bằng, minh bạch cũng như chính xác hơn.

Đối với hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Thứ trưởng Sơn nhìn nhận, đã thi thì giáo viên phải học, ôn và chuẩn bị nội dung kiến thức; trong khi công việc giảng dạy vẫn phải đảm bảo. Điều đó khiến giáo viên mất nhiều thời gian, công sức…

Còn nếu thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì có những mặt tích cực hơn. Thay vì đánh giá qua bài thi, khi xét sẽ có hội đồng đánh giá. Việc đánh giá, nhận xét sẽ dựa trên quá trình công tác của giáo viên. Việc này sẽ đảm bảo tính công bằng, minh bạch và chính xác hơn. Khi đó sẽ tạo động lực để giáo viên cống hiến, gắn bó với nghề và góp phần hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, bỏ việc. Nếu việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chỉ thông qua hình thức xét sẽ giúp tháo gỡ một số băn khoăn của nhà giáo.

Bỏ thi thăng hạng sẽ khắc phục được những vướng mắc bất cập

Cùng trả lời tại họp báo, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, vấn đề bỏ thi thăng hạng viên chức được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua.

Theo ông, quy định thăng hạng với hai hình thức thi hoặc xét đã được quy định rõ trong luật, đã có sự phân cấp cho các bộ, ngành. Tuy nhiên, quá trình thi thấy có nhiều khó khăn, dù đã phân cấp, nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa ban hành thông tư (chỉ một vài bộ ban hành), nên khó tiến hành.

Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng, việc thi còn hình thức, không phản ánh được thực chất. Với số lượng viên chức rất lớn, gần 2 triệu người, nên việc thi gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, người thi phải có chứng chỉ chuyên ngành, đây chính là hạn chế, rào cản.

Hầu hết bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức - Ảnh 3.

Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thông tin tại buổi họp báo.

Ngoài ra, theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, việc tổ chức thi sẽ gây rất nhiều tốn kém về thời gian, công chức, chi phí. "Do vậy, việc bỏ thi sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội", ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông Minh, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về vấn đề này. Kết quả, có 94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi nâng thăng hạng viên chức.

Ông Minh cho biết: "Nếu bỏ thi thăng hạng sẽ khắc phục được những vướng mắc bất cập trên, đồng thời giảm áp lực cho đội ngũ viên chức".

Ông Vũ Đăng Minh cũng cho rằng, hình thức thi sẽ không sát được với thực tiễn, còn xét thăng hạng sẽ đánh giá được "đúng người, đúng việc". Mặt khác, xét thăng hạng sẽ giảm được thủ tục hành chính trong bổ nhiệm viên chức.

Bộ Nội vụ đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chứcBộ Nội vụ đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Bộ Nội vụ đề xuất, viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn liền kề sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà không phải thi thăng hạng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thời tiết Ngày 9/9: Cả Nước Mưa Diện Rộng, Nhiều Nơi Mưa Rất To | SKĐS


Lê Bảo
Ý kiến của bạn