9.000 sinh mạng được cứu sống mỗi năm nhờ tăng thuế thuốc lá

30-05-2014 16:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Đó là những thông tin được đưa ra tại lễ míttinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) với chủ đề “Tăng thuế thuốc lá” nhằm kêu gọi thực hiện chính sách thuế để giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong do sử dụng thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức ngày 30/5

 

* Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới​

* Chi phí tối thiểu cho điều trị 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá là 23.000 tỷ đồng/năm

* Hơn 90% các mắc ung thư phổi ở nam giới nước ta có liên quan đến sử dụng thuốc lá

Đó là những thông tin được đưa ra tại lễ míttinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) với chủ đề “Tăng thuế thuốc lá” nhằm kêu gọi thực hiện chính sách thuế để giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong do sử dụng thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức ngày 30/5

40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến khói thuốc lá

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên- thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến khói thuốc lá.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ. Có tới 21,6% nam thanh niên từ 16-24 tuổi là người hút thuốc. Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá năm 2010 cho thấy, tại Việt Nam, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh, trong đó có các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới Việt Nam... Hơn 90% các mắc ung thư phổi ở nam giới nước ta có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Bên cạnh đó, thuốc lá còn gây ra bệnh hoại tử ngón chân, ngón tay. PGS-TS Cao Văn Thịnh, Trưởng Khoa Lồng ngực - Mạch máu BV Nhân dân 115, cho biết các bệnh nhân bị hoại tử ngón chân hay tứ chi là vì căn bệnh Buerger. Đây là căn bệnh thường xảy ra ở người nghiện thuốc lá. Đáng báo động là hiện nay, số người trong độ tuổi 20-40 mắc bệnh Buerger ngày càng gia tăng.

 

Bệnh nhân bị tổnị thương chi vì thuốc lá đang điều trị tại BV Nhân dân 115.     Ảnh: NLĐ

Bệnh nhân bị tổnị thương chi vì thuốc lá đang điều trị tại BV Nhân dân 115. Ảnh: NLĐ

 

Theo nghiên cứu của Viện chiến lược và Chính sách Y tế, chi phí điều trị và tổn thất do mát khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh gồm ung thư phổi, ung thư đường hô hấp và tiêu hoá trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ ở Việt Nam là trên 23 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,91% tổng GDP của cả nước).

Theo WHO, sử dụng thuốc lá gây tử vong cho gần 6 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, trong đó hơn 600.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động. Nếu không có các hành động kịp thời, con số tử vong do nạn dịch thuốc lá sẽ tăng lên hơn 8 triệu ca mỗi năm vào năm 2030. Hơn 80% các trường hợp tử vong do thuốc lá xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Người Việt “đốt” 22.000 tỷ đồng/năm theo khói thuốc lá

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên khẳng định tại lễ mít tinh, Việt Nam tham gia Công ước khung và ban hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã thể hiện rõ cam kết và quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam. Để giảm tiêu dùng, cần tăng thuế thuốc lá đủ mạnh để giảm sức mua thuốc lá. Bài học kinh nghiệm năm 2007-2008 cho thấy, việc tăng nhẹ thuế thêm 10% chỉ có tác dụng giảm nhẹ tiêu dùng thuốc lá trong hai năm này, nhưng số lượng thuốc lá sử dụng đã tăng trở lại trong các năm tiếp sau. Ví dụ, năm 2009 đạt 3.934 triệu bao, gần bằng số thuốc lá sử dụng năm 2005 trước khi tăng thuế thuốc lá.

Chiến lược quốc gia về phòng chống thuốc lá của Việt Nam đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới từ 47,4% xuống 39% vào năm 2020 (tương đương 1% mỗi năm từ năm 2012 đến năm 2020). Do đó, nhân ngày thế giới Không thuốc lá 31/5/2014, Bộ Y tế đã đề xuất lộ trình tăng thuế thuốc lá. Cụ thể, năm 2015, Việt Nam sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá từ 65% lên 105%, áp dụng cho giai đoạn 2015-2017, sau đó sẽ tăng từ 105% lên 145% vào giai đoạn 2018-2019 và tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế vào năm 2020.

Hiện nay người Việt Nam đã bỏ ra khoảng 22.000 tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Do đó, với lộ trình này, giá bán lẻ thực tế có thể tăng khoảng 21% giai đoạn 2015-2017 và 17% cho giai đoạn 2018-2019, cao hơn mức thu nhập đầu người cho các giai đoạn này, sẽ góp phần hạn chế sức tiêu thụ thuốc lá trong xã hội... Quan trọng hơn, số người hút thuốc sẽ giảm từ hơn 15 triệu xuống còn khoảng 13 triệu người theo khẳng định của Bộ Y tế.

Phát biểu tại lễ mít tinh của Bộ Y tế, TS Gabit lsmailov, Phó trưởng đại điện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh trong Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, WHO và các đối tác kêu gọi các quốc gia tăng thuế thuốc lá nhằm thực thi điều 6 của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. TS Gabit lsmailov cho rằng, việc áp dụng mức thuế tối ưu như trên sẽ giúp Việt Nam tránh được khoảng từ 5.000-9.000 sinh mạng mỗi năm.

 

Đại diện Bộ Y tế và các bộ ngành ký cam kết phối hợp thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá.

Đại diện Bộ Y tế và các bộ ngành ký cam kết phối hợp thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá.

 

Tại lễ míttinh, đại điện Bộ Y tế và một số cơ quan, bộ ngành liên quan đã ký cam kết phối hợp thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc và Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá.

 

Thuốc lá: Sản phẩm tiêu dùng hợp pháp nhưng giết người nhiều nhất

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống bên lề lễ mít tinh, bà Phạm Thị Hoàng Anh- Giám đốc tổ chức Heath Bridge Canada cho biết, một nghiên cứu về tác hại của thuốc lá đối với bệnh ung thư cho thấy, trong 1.000 trường hợp sử dụng thuốc lá sẽ tăng khả năng mắc ung thư nhiều hơn từ 10-20 lần so với 1.000 người không hút thuốc lá. Vì thế “thuốc lá chính là một sản phẩm tiêu dùng hợp pháp, nhưng lại độc hại nhất và giết người thầm lặng nhiều nhất”. “Giá thuốc lá tại Việt Nam hiện rất rẻ, thanh thiếu niên nhanh chóng trở thành người hút thuốc và chịu những hậu quả tàn phá về sức khỏe do sử dụng thuốc lá. Chính vì vậy, tăng thuế chính là biện pháp để hạn chế sử dụng thuốc lá, đặc biệt là hạn chế được tình trạng thanh thiếu niên hút thuốc vì hiện nay thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 65% gía xuất xưởng (tương đương41,6% giá bán lẻ)”- bà Hoàng Anh nhấn mạnh.

 

Thái Bình

 

 

 


Ý kiến của bạn