90% vụ hành hung cán bộ y tế xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh

07-04-2017 15:25 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian qua, tại các bệnh viện đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng như người nhà bệnh nhân đánh điều dưỡng đang mang thai tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai; côn đồ hành hung người đang cấp cứu ở Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn và đỉnh điểm là vụ người nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ tại Bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình

Tại Hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện bảo vệ nhân viên y tế” do Bộ Y tế tổ chức sáng 7/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, thời gian qua, tại các bệnh viện đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng như người nhà bệnh nhân đánh điều dưỡng đang mang thai tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai; côn đồ hành hung người đang cấp cứu ở Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn và đỉnh điểm là vụ người nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ tại Bệnh viện huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình)… Do đó, việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh bệnh viện rất cần được các lãnh đạo bệnh viện quan tâm, phối hợp với cơ quan công an để thực hiện hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viêt Tiến chủ trì hội nghị "Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện bảo vệ nhân viên y tế"           Ảnh: Trần Minh

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương,(chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%), điều dưỡng (15%). Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh, 60% còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh…

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này từ cả 2 phía bệnh nhân, người nhà và cơ sở y tế. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng khẳng định, một trong những nguyên nhân cơ bản của vấn đề mất an ninh trật tự bệnh viện chính là thiếu sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo bệnh viện. Các biện pháp bảo đảm an ninh nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Thiếu tập huấn nâng cao kinh nghiệm cho cán bộ y tế nói chung và nhân viên bảo vệ về các tình huống dễ dẫn tới xung đột. Chưa đề cao công tác tuyển dụng, huấn luyện và kiểm tra thường xuyên đối với nhân viên bảo vệ.

Tham luận tại hội thảo, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cũng cho rằng hiện tình hình an ninh trật tự bệnh viện “nóng”, khiến dư luận xã hội lo ngại. Cụ thể như tình trạng trộm cắp, móc túi thường xảy ra ở bệnh viện, trong khi việc giám sát rất khó khăn. Đối tượng thường là trộm cắp chuyên nghiệp, nghiện hút, thậm chí cả người nhà bệnh nhân. Tình trạng cò mồi, bảo kê, tranh giành tại các khu dịch vụ ăn uống, trông xe, khu tang lễ…. gây tình trạng phức tạp ở bệnh viện. Việc hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, do ảnh hưởng tâm lý xã hội cũng như bắt nguồn từ thái độ của y bác sĩ… gây nhiều bức xúc trong xã hội. Nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân kích động, biểu tình tại bệnh viện khi người nhà tử vong trong quá trình điều trị bệnh. Thậm chí, có nhiều đối tượng côn đồ truy sát  nhau vào tận bệnh viện. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo, cho vay nặng lãi, cò mồi... cũng hoành hành tại cổng các bệnh viện.

Để giải quyết vấn đề này theo Đại tá Tám, trước hết cần khẳng định công tác đảm bảo an ninh phải thuộc trách nhiệm ban giám đốc bệnh viện, sau đó mới đến lực lượng công an và chính quyền cơ sở. Do vậy, cần hoàn thiện cơ sở vật chất đảm bảo an ninh bệnh viện, như lắp đặt camera an ninh tại nhều điểm tại viện từ khoa phòng, đường đi lối lại… giúp xử lý nhanh các hành vi  gây rối, mất an ninh, trật tự; công khai quy trình khám chữa bệnh điều trị, dán thông tin cảnh báo cho bệnh nhân, người nhà, dán ảnh cò mồi tại các cổng bệnh viện. Lựa chọn đội ngũ bảo vệ có tính chuyên nghiệp, cần tập huấn việc xử lý các tình huống, bởi đây là lực lượng xử trí đầu tiên trước khi có sự góp mặt của lực lượng công an, 113; lực lượng công an cơ sở cập nhật thông tin an ninh, đối tượng cò mồi, thủ đoạn phạm tội cho bệnh viện…

Người đàn ông đội mũ lưỡi trai màu đen chỉ tay, đe dọa và đánh nhân viên y tế tại BVĐK TW Thái Nguyên (Ảnh chụp từ video)

Về phía ngành Y tế, đại diện Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị về việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và công an, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh. Xây dựng tiêu chuẩn về bảo đảm cơ sở hạ tầng bệnh viện để phòng ngừa mất an toàn trật tự bệnh viện. Đặc biệt, sẽ bổ sung Luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ…

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền- Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm 2016 đến nay, Bệnh viện đã phát hiện 23 vụ phạm pháp hình sự, chuyển 23 đối tượng cho công an giải quyết. Ngoài ra còn “mời ra ngoài” nhiều đối tượng lang thang, cò mồi, bán thuốc rong, nhặt rác thải y tế… “Vấn đề nổi cộm nữa là phòng cháy chữa cháy cho bệnh viện. Bệnh nhân và người nhà rất thích đốt vía, giải đen nên bệnh viện đã nhiều phen điêu đứng vì báo cháy từ các vụ đốt vía này” – ông Hiền cho biết.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đã xảy ra vụ bệnh nhân HIV cầm dao đe dọa tấn công nhân viên y tế. Bệnh nhân dùng dao đe dọa, khóa trái cửa phòng, lột bỏ quần áo và không cho ai vào. Bệnh viện đã phải phối hợp với công án đóng giả bác sĩ thuyết phục bệnh nhân. Phía cửa khác, công an đã phá cửa ập vào, khống chế đối tượng.

Các bác sĩ bệnh viện đa khoa Tiên Lãng (Hải Phòng) đã từng chết lặng khi bệnh nhân đang nằm cấp cứu trên giường bệnh thì bị 4 đối tượng xông vào đâm chết tại chỗ…

Sự việc đau lòng khác phải kể đến là tháng 8/2011, tại Bệnh viện huyện Vũ Thư (Thái Bình), người nhà bệnh nhân đã lao vào đâm chết 1 bác sĩ và làm bị thương nặng một bác sĩ khác chỉ vì cho rằng các bác sĩ chậm chễ cấp cứu người nhà họ…


Thái Bình
Ý kiến của bạn