Hà Nội

90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân

08-06-2018 19:05 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. Riêng năm 2018, đã xảy ra 3 sự việc nghiêm trọng bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung...

Chiều 8/6/2018, Hội Thầy thuốc trẻ VN đã tổ chức tọa đàm "Bạo hành trong bệnh viện – Vấn nạn và Giải pháp" nhằm đưa ra những ý kiến xoay quanh nguyên nhân của sự gia tăng bạo lực đối với nhân viên y tế thời gian gần đây, từ đó, đưa ra ý kiến về giải pháp trong thời gian tới để gửi cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa vào thực hiện.

Các khách mời tham gia tọa đàm.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ VN, Giám đốc BV K Trung ương, trong thời gian qua, dư luận cả nước nhất là các cán bộ nhân viên ngành Y tế rất bức xúc trước vấn đề tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là ở một số bệnh viện lớn xuất hiện tình trạng bất ổn về an ninh, trật tự mà cụ thể là các vụ việc người nhà bệnh nhân hủy hoại tài sản công và hành hung y, bác sĩ.

Trước sự gia tăng vấn nạn bạo hành y tế như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là “người chữa bệnh cho mình”, sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an, đề nghị lực lượng công an phối hợp, tăng cường kiểm soát trật tự trong các bệnh viện và bảo đảm an ninh trật tự khu vực xung quanh…

"Dưới góc độ chuyên môn nghề nghiệp, chúng tôi nhận thấy vấn đề không chỉ dừng lại ở lối hành xử không chuẩn mực và những nguyên nhân do rượu bia, ảnh hưởng của chất kích thích ở một số người bệnh, người nhà người bệnh mà ngay chính trong phương pháp làm việc và giao tiếp với bệnh nhân của một số y bác sĩ còn chưa hợp lý. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân mà việc tăng cường các biện pháp pháp lý không thể giải quyết triệt để vấn đề"- GS. Thuấn nói.

GS. Thuấn cũng chia sẻ thêm, tại BV K Trung ương, nơi tập trung rất nhiều bệnh nhân ung thư, mà trong quan niệm của người dân khi đã mắc căn bệnh này là mang "án tử". Rất nhiều người bệnh khi nghe bác sĩ thông báo tình trạng bệnh thì hoang mang, suy sụp, chính lúc này người bác sĩ cần phải làm biện pháp tâm lý trấn an cho người bệnh, an ủi động viên họ điều trị.

"Chúng tôi luôn lấy người bệnh làm trung tâm, việc nâng cao chất lượng điều trị, chấn chỉnh thái độ phục vụ luôn được quan tâm để đem lại sự hài lòng cho người bệnh"- GS. Thuấn cho hay.

GS.TS Trần Văn Thuấn.

Cũng chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, thực trạng và nguyên nhân của bạo hành y tế đã đề cập đến nhiều lần, nhưng quan trọng là tìm ra giải pháp giải quyết thế nào. Theo PGS. Bình, ở góc độc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ y tế thì cần bổ sung vào luật xem như đây là một rủi ro nghề nghiệp và cán bộ y tế cần phải được bảo vệ như là người thi hành công vụ giống với các lực lượng công an, bộ đội....

Thêm vào đó, cần có hướng dẫn các tổ chức công đoàn về quy trình giải quyết khi xảy ra bạo hành y tế một cách nhanh chóng. Đồng thời, các hội nghề nghiệp cũng cần lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này để bảo vệ thầy thuốc. Trong thời gian qua, Hội Thầy thuốc trẻ VN, Tổng hội Y học VN đã phát huy tốt vai trò của mình, phát huy tiếng nói chung trong việc chống bạo hành y tế.

Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần phải cam kết tạo điều kiện thuận lợi và và môi trường làm việc an toàn cho nhân viên y tế yên tâm làm việc....

BS. Trần Văn Phúc - BVĐK Xanh Pôn cho rằng, bệnh nhân và người nhà mang nhiều nỗi bức xúc đến bệnh viện nhưng không vì thế mà được phép hành hung bác sĩ. "Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng, ngày nào bước chân ra khỏi bệnh viện mà bác sĩ chưa bị đánh thì ngày đó mới được coi là an toàn"- BS. Phúc tâm sự.

Công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu - nơi đầu sóng ngọn gió, thường xuyên xảy ra các vụ xô xát, bạo hành y tế, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ, bản thân anh cũng từng là nạn nhân của bạo hành y tế. PGS. Hải cho rằng, tạo môi trường bệnh viện tốt cũng góp phần giảm nạn bạo hành. "Chẳng hạn trong ngày hè nóng nực thế này, các BV cần bố trí phòng bệnh thông thoáng, sạch sẽ, quạt mát... thì sẽ phần nào đó giảm áp lực, tạo tâm lý thoải mái hơn. Bên cạnh đó, theo tôi, tại khoa cấp cứu cần thiết phải có lực lượng công an đứng gác, túc trực cùng các y bác sĩ để các đối tượng dù muốn hành hung cũng phải dè chừng và khi xảy ra các vụ xô xát thì sẽ có lực lượng công an trấn áp ngay..."- PGS. Hải nói.

Vấn nạn bạo hành nhân viên y tế diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới từ các nước phát triển đến những nước đang phát triển. Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới, có 8% - 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc. Tuy nhiên, chưa thể thống kê đầy đủ về bạo hành tinh thần như nhục mạ, chửi bới…

Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2018 bởi Medscape công bố số liệu cho thấy 59% số bác sĩ tham gia nghiên cứu bị bệnh nhân nhục mạ, một nghiên cứu khác tại Ấn Độ cho biết 75% y bác sĩ tuyến công lập bị nhục mạ, 57% bị đe dọa và 12% bị hành hung.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2010 đến hết 2017, cả nước ghi nhận có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung. Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%).

Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. Riêng năm 2018, đã xảy ra 3 sự việc nghiêm trọng bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung, mới nhất là sự kiện bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở Bệnh viện Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhi đánh vào mặt khi đang hướng dẫn, giải thích quy trình...

Dương Hải
Ý kiến của bạn