Năm 1989, tôi về báo Hà Nội mới làm việc, mới hay nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn đã từng là Phó Tổng biên tập ở đây. Nhưng thực ra tôi lại quen biết ông từ trước đó nhiều năm, khi ông làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Hà Nội kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội vào những năm cuối thập niên 70. Lần đầu gặp mặt, tôi rất ngạc nhiên vì thấy ông ăn trầu như những bà già thôn quê. Bã trầu đỏ quạch trong miệng làm đôi môi ông thắm lại.
Sau khi về hưu năm 1984, liên tiếp sách của ông đến tay người đọc “5000 nghìn thành ngữ Hán - Việt”, năm 1993; “Chợ Viềng- Hội phủ” năm 1993; “Từ vựng chữ số và số lượng”, năm 1994; “Nguyễn Bính và tôi”, năm 1996; “Tổng tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du”, năm 1996...
Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn và bức “Hâm”. |
Nhưng nói đến nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, người ta thường nói đến nghệ thuật tranh thư pháp mà ông đã theo đuổi sáng tạo suốt ba mươi năm qua. Nghệ thuật thư pháp đối với ông, ngoài chuyện vẽ, còn là nơi ông gửi gắm nhiều tâm trạng vương vất bụi đời. Phong cách sáng tạo thư pháp của ông cũng khác người. Chữ của ông trước mắt mọi người đã trở thành những bức tranh sinh động có ý tứ lạ nhưng không khó hiểu, vì bao giờ cũng có chữ quốc ngữ giải nghĩa và cũng góp phần tạo hình. Ta có thể quan sát chữ “Tiền” mới thấy rõ ông có cách dựng hình rất độc đáo. Đó là những đồng tiền nhỏ xíu chi chít, ghép thành một đồng tiền hình tròn lớn có mang hình đầu người. Ẩn chứa sau chữ nôm hình tượng ấy toát lên triết lý rằng, thế giới bao la thế nhưng đều bị hút về một chữ tiền. Đôi khi bên cạnh nét tài hoa, tinh tế của con chữ, ông còn thể hiện những nét hóm hỉnh với ý tứ đầy biến hóa. Đặc biệt bức tranh chữ “Ngựa” đã đem lại cảm xúc bất ngờ cho người xem. Đã có nhiều khách hàng đặt ông vẽ hình chữ này để treo chơi ngày tết. Còn khi xem bức tranh chữ “Đạo”, ai cũng phải ngạc nhiên vì chữ này hiện lên trước mắt mọi người lại là một bức tranh “nude” với nét vẽ rất đơn giản nhưng lại vô cùng kỳ thú. Ông lấy chữ “Thủ” ở giữa, cùng nét quai xước hình dải lụa, uốn lượn rất gợi cảm. Đó là hình người múa lụa được cách điệu nhưng vẫn rõ đó là chữ “Đạo”. Cách chuyển ý rất thông minh, từ cái mà người đời coi trọng nhất đó là “Đạo” bất ngờ bị ông đồ Bùi Hạnh Cẩn đưa trở về cái bản ngã “Đời” trong tranh. Tôi nghĩ cách chơi chữ của ông quả là độc đáo.
Ông đã triển lãm tranh thư pháp của mình đến vài lần, từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh và nhiều lần còn ra Văn Miếu viết tặng chữ cho du khách. Nhất là dịp tết Kỷ Sửu, đã bước qua tuổi 90 mà ông vẫn còn giao lưu và viết chữ tặng mọi người. Mới đây, tôi đến thăm ông với những nỗi niềm xao xuyến theo tháng năm. Khi tôi nhắc lại những chuyện ân oán trong đời, ông ngồi lặng đi, đôi mắt lim dim. Sau đó, ông chậm chạp đứng dậy lấy bức tranh chữ “Thời tiết” cho tôi xem, rồi giảng giải về hình chữ được cách điệu thế nào.
“10 năm thời tiết ai lường được
Cả đến ân tình cũng nắng mưa...”.
Đến lúc này tôi mới hiểu thâm ý trách khéo của ông về những sự đời trớ trêu, và nhận biết mọi điều đều có thể xảy ra. Rồi bất ngờ, ông dẫn tôi đến một bức tranh treo ở bên cửa sổ, có dòng chữ : Danh, Lợi, Tình. Bức tranh gồm hai phần chữ để tạo hình. Vòng tròn ngoài là hình nối liên tiếp ba chữ Hán Nôm: Danh, Lợi, Tình. Còn ở giữa là hình tam giác được vẽ cũng chỉ ba chữ Danh, Lợi, Tình bằng chữ quốc ngữ. Ông hỏi tôi có nhận ra hình vẽ nói gì không. Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Hình như con người ta thường khó thoát khỏi cái vòng kim cô danh, lợi, tình ở trên đời này. Đến tuổi 90, liệu ông đã thoát khỏi cái vòng kim cô này?
Ông mỉm cuời và thực lòng trả lời:
- Chưa! Tôi cũng vẫn loay hoay với ba chữ này nên mới viết ra để tự răn mình thôi.
Vậy ra, chữ với ông là lẽ đời đã trải nghiệm, là sự dằn vặt tu thân và cũng còn là nỗi niềm tâm sự, chia sẻ với con người.
Bức tranh chữ Ngựa. |
Tôi chợt nhớ một lý do nữa mà mình định kiểm chứng và nhìn lên đôi môi nhà thơ xem có còn thắm tựa hồi nào, ông bật cười hiểu ý, rồi nói:
- Tôi vẫn ăn trầu mà. Đây này!
Rồi ông nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng vẫn trắng và đều tăm tắp. Ông còn khoe mình vẫn nhai xương gà được. Rõ thật lạ, vẫn giọng nói ấm và vang như ngày nào, nếu không nhìn gương mặt ông, thì khó ai đoán đây là một lão nho hơn 90 tuổi. Lại nữa, nếu nhìn nụ cười và hàm răng của ông cũng chẳng thể có ai nghĩ ra đây là một cụ già ở tuổi thượng thọ.
Đột nhiên, ông kéo tôi vào cửa bếp và bảo tôi chụp ảnh cho ông với bức tranh chữ mới vẽ. Tranh có 3 hình tháp chữ “Kim” ghép thành chữ: “Hâm”. Ông cười, chỉ vào chữ “Hâm”, rồi nói:
- Tôi thế đấy!
Tôi ngờ rằng ông lại có ẩn ý gì chăng khi đòi chụp ảnh với chữ “Hâm”. Thấy tôi ngước nhìn bức tranh chữ với vẻ tò mò, ông giải thích: đây chính là sự biến tấu từ ba chữ “Kim” là vàng. Khi chúng được ghép với nhau tạo thành hình tháp to thì đó chính là chữ “Hâm”, và theo nghĩa của người Hoa, người Nhật là hâm mộ, mến mộ, là tuyệt vời, giầu có, chứ không phải là dở người. Do vậy nhiều người ở Trung Quốc hay đặt tên con là “Hâm” vì lẽ đó. Ông cười một cách hóm hỉnh, có vẻ khoái chí vì cách đố chữ kiểu này.
- Vậy đó! Tôi vẫn là lão già hâm vì đến tuổi này vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn danh, lợi, tình mà.
Rồi ông lại cười khẩy như tự giễu mình. Bất ngờ ông nghiêm sắc mặt khi thấy tôi nâng máy ảnh hướng về phía chữ “Hâm” để chụp hình. Nhưng bỗng nhiên tôi lại nhận ra trong cái nét đanh lại trên gương mặt ấy vẫn toát ra chất hoạt kê và lạc quan trong ánh mắt và nụ cười.
Vương Tâm