Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành nhiều năm và là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong trên người cao nhất trong 5 năm qua. Trong những năm gần đây, tình hình bệnh có xu hướng gia tăng và số người tử vong do bệnh dại năm sau cao hơn năm trước. Hơn nữa dịch xuất hiện ở những tỉnh, thành phố trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại.
Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù đã có vaccine nhưng thế giới vẫn ghi nhận gần 60.000 ca tử vong vì bệnh dại mỗi năm. Tại Việt Nam, gần 500.000 người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại tại các cơ sở y tế. Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 64 ca tử vong do bệnh dại, trong đó Gia Lai ghi nhận 11 ca tử vong tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Vài năm trở lại đây, bệnh dại tăng đột biến và là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất. Trung bình 70 người chết mỗi năm vì bệnh dại dù đã có vaccine cho cả người và động vật. Bệnh dại không những gây ảnh hưởng lớn về sức khỏe mà còn để lại gánh nặng về kinh tế, xã hội.
Chia sẻ những khó khăn, thách thức về căn bệnh này, TS Nguyễn Thị Thanh Hương (Trưởng Văn phòng chương trình khống chế và loại trừ bệnh Dại trên người - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) thông tin, cả nước có đến 90% trường hợp tử vong do không đi tiêm phòng dại. Và nguyên nhân chủ yếu là chủ quan vì chó nhà nuôi cắn hoặc tại thời điểm cắn chó bình thường. Bên cạnh đó vẫn rải rác nhiều trường hợp dùng thuốc nam để chữa chó dại cắn. Đáng nói khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tiêm thấp nhất và tỷ lệ tử vong chiếm cao nhất.
Đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) ông Đặng Bá Khanh cho biết: Việc phát hiện dại trên động vật khó hơn so với ở người. Tuy nhiên đến tháng 9/2023 đã xảy ra 274 ca bệnh dại trên động vật tại 30 tỉnh, thành phố. Hiện nay dù tổng đàn chó mèo cao (trên 7,4 triệu con) nhưng tỷ lệ tiêm phòng chó mèo thấp. Chỉ có 12 tỉnh đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn. Chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ và chưa được tiêm phòng vaccine. Bên cạnh đó tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến việc người bị cắn trọng thương, tử vong gây bức xúc trong xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại chưa được thường xuyên. Sự phối hợp ở cấp huyện, xã giữa ngành thú y và ngành y tế còn rất hạn chế.
Trong thời gian tới, các địa phương cần tiêm phòng vaccine dại cho chó mèo định kỳ hàng năm, quản lý đàn chó mèo nuôi. Bên cạnh đó, cần điều trị dự phòng bệnh dại trên người kết hợp thông tin tuyên truyền và xử lý các trường hợp không chấp hành.
Là một trong những nơi có số ca tử vong vì bệnh dại cao nhất cả nước, bà Phạm Lệ Giang (Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên) cho biết, vùng Tây nguyên có tới 36% dân tộc thiểu số và đặc thù nghề nghiệp trồng nương rẫy nên việc nuôi chó rất phổ biến. Tại Tây Nguyên, số lượng đàn chó lớn nhưng tỷ lệ tiêm thấp, chủ yếu là chó thả rông. Do hạn chế về giao thông, kiến thức và kinh tế nên người dân không đăng ký tiêm phòng cho chó, thiếu hiểu biết về bệnh dại. Việc bắt chó gặp khó khăn, còn nhiều hạn chế trong công tác tuyên truyền phòng chống bệnh dại.
Để đối phó với tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng, CDC và Chi cục Thú y tỉnh Gia Lai đã vận động người dân tiêm phòng dại cho chó mèo. Với những nơi có ổ bệnh dại tổ chức tiêm đảm bảo đạt 80% tổng đàn trở lên. Tăng cường phối hợp giữa các ngành các cấp trong công tác xử lý ổ dịch dại trên người và động vật, giám sát các ổ dịch cũ; giám sát chặt chẽ đàn nuôi chó, mèo; xử lý các trường hợp nghi ngờ bệnh dại theo quy định. Thành lập đội bắt chó mèo thả rông và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tại Hội nghị, các tỉnh đạt hiệu quả cao trong việc phòng chống bệnh dại như Bến Tre, Lạng Sơn… đã có những chia sẻ hữu ích, thiết thực đến các địa phương khác.
Sáng ngày 27/9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phối hợp với Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và PTNN) cùng với các đơn vị liên quan và tổ chức quốc tế tổ chức Hội nghị tăng cường vai trò của các bên liên quan trong thực hiện các giải pháp tổng thể phòng chống bệnh dại thuộc chương trình Quốc gia 2022-2030 tại Gia Lai.
Xem thêm video được quan tâm:
Hai bệnh nhi nguy kịch vì mắc bệnh dại, bác sĩ cảnh báo | SKĐS