90% trường hợp đột quỵ liên quan đến các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được

26-04-2025 14:44 | Sức khỏe TV
google news

SKĐS - Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, lười vận động… là những yếu tố nguy cơ liên quan đến 90% các ca đột quỵ. Nếu chủ động phòng ngừa, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ đột quỵ và các biến chứng nguy hiểm.

Phát biểu tại chương trình “Nhận diện và xử trí bệnh nhân đột quỵ tại cộng đồng dành cho đối tượng học sinh – sinh viên trên toàn quốc”, TS. BS Phan Thảo Nguyên - PGĐ Bệnh viện E nhấn mạnh, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa và để lại hậu quả nặng nề nếu không được xử trí kịp thời.

"Chúng ta đang sống trong một thời đại mà các bệnh lí không lây nhiễm, đặc biệt là đột qụy ngày càng gia tăng và trở thành một thách thức lớn đối với cả nền y tế công cộng. Việt Nam mỗi năm có khoảng hơn 200.000 ca đột qụy mới.

Và điều đáng tiếc là phần lớn các bệnh nhân đến với bệnh viện, đến với chúng tôi, hoặc đến với tất cả các trung tâm đột qụy, đều đã qua thời gian vàng. Đó là một thách thức. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là ở thế hệ trẻ, là nhiệm vụ vô cùng quan trọng".

Việc trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cứu cho sinh viên – lực lượng có mặt tại nhiều không gian công cộng – là một bước đi chiến lược trong giảm thiểu tử vong và tàn tật do đột quỵ.

“Nếu chúng ta phát hiện sớm một ca đột quỵ và đưa được người bệnh đến điều trị kịp thời, thì không chỉ cứu sống một mạng người, mà còn giảm đi rất nhiều gánh nặng cho gia đình, giảm đi nỗi đau tinh thần, và quan trọng nhất là giúp người bệnh có cơ hội sống tiếp một cuộc đời có ý nghĩa”, TS Nguyên chia sẻ.

Đồng quan điểm, GS. TS Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng cũng chia sẻ mong muốn mỗi sinh viên sau chương trình sẽ trở thành “người sơ cứu đầu tiên” khi sự cố xảy ra trong cộng đồng.

“90% trường hợp đột quỵ liên quan đến các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được, như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, lười vận động… Điều này có nghĩa là nếu chúng ta chủ động trong phòng ngừa, thì hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Vì vậy, việc truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng – đặc biệt là lực lượng sinh viên – là vô cùng quan trọng. Các bạn chính là những người có thể trở thành cầu nối kiến thức đến với người dân, và nhiều bạn trong số đó đang theo học chuyên ngành sức khỏe, sẽ là những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân trong tương lai”, GS. TS Hoàng Văn Minh nhấn mạnh.

Điểm nổi bật của chương trình là phần mô phỏng tình huống cấp cứu đột quỵ, sinh viên được hướng dẫn trực tiếp cách nhận diện, gọi cấp cứu đúng cách, đặt người bệnh tư thế an toàn và trấn an tâm lý người thân.

Phương pháp đào tạo tương tác giúp kiến thức không còn “nằm trên giấy”, mà được chuyển hóa thành hành động thực tế – sẵn sàng cứu người trong tình huống khẩn cấp.

Chia sẻ về vai trò của sinh viên trong xử trí đột quỵ tại cộng đồng, TS. BS Phan Thảo Nguyên cho biết, Khi gặp một người có dấu hiệu nghi ngờ bị đột quỵ, sinh viên – dù không phải là nhân viên y tế – vẫn có thể đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân bằng những hành động đúng và kịp thời.

Trước hết, điều quan trọng nhất là phải nhận diện nhanh các dấu hiệu điển hình của đột quỵ thông qua nguyên tắc FAST: F (Face) – méo miệng, A (Arm) – yếu hoặc liệt tay chân một bên, S (Speech) – nói khó, nói ngọng, T (Time) – thời gian là vàng, cần gọi cấp cứu ngay.

Ngay khi xác định người có biểu hiện đột quỵ, sinh viên cần giữ bình tĩnh, gọi cấp cứu 115 càng sớm càng tốt, đồng thời giữ bệnh nhân nằm ở tư thế an toàn, nghiêng nhẹ về một bên nếu người bệnh có dấu hiệu nôn ói, để tránh sặc. Tuyệt đối không tự ý cho bệnh nhân ăn uống, dùng thuốc hay di chuyển nếu không cần thiết.

Theo TS. BS Phan Thảo Nguyên, trong những năm gần đây, đột quỵ không còn là “căn bệnh của người già” mà đang ngày càng trẻ hóa, đặc biệt ở độ tuổi dưới 40. Thực tế này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải nâng cao nhận thức cho giới trẻ, nhất là nhóm sinh viên – lực lượng đông đảo, năng động và dễ tiếp cận tri thức.

Dù công nghệ thông tin phát triển mạnh, nhưng không ít sinh viên vẫn mơ hồ về các dấu hiệu sớm của đột quỵ cũng như cách xử trí ban đầu. Nhiều người chỉ thực sự quan tâm khi chính mình hoặc người thân gặp nguy cơ. Điều này cho thấy công tác truyền thông sức khỏe còn thiếu tính gần gũi và chủ động với nhóm đối tượng trẻ.

Cũng theo TS Nguyên, hội thảo sức khỏe là một trong những mô hình giáo dục ngoài lớp học đang được triển khai rộng rãi tại các trường đại học. Với hình thức kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và thực hành mô phỏng, các chương trình này tạo ra trải nghiệm học tập thực tiễn và sinh động cho người tham gia.

TS Đỗ Thị Hạnh Trang - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Y tế công cộng khẳng định, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức chuyên ngành, giáo dục đại học hiện đại còn hướng tới phát triển toàn diện kỹ năng sống và nhận thức xã hội cho sinh viên. Trong bối cảnh nhiều căn bệnh nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trang bị kiến thức y tế cơ bản – như nhận diện và xử trí đột quỵ – là điều vô cùng cần thiết.

"Việc trang bị kiến thức về đột quỵ thông qua các buổi hội thảo như hôm nay là vô cùng cần thiết đối với sinh viên đại học nói chung. Những nội dung mà các chuyên gia chia sẻ bao gồm cả kiến thức phổ thông dễ tiếp cận lẫn những kiến thức chuyên sâu hơn – phù hợp với cả đối tượng sinh viên không chuyên ngành và sinh viên khối ngành sức khỏe.

Đối với sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng, việc được tiếp cận những kiến thức có tính ứng dụng cao trong phòng ngừa và hỗ trợ sau điều trị như thế này là hết sức thiết thực", TS Trang nói.

Cũng theo TS Trang, sau mỗi chương trình ngoại khóa, thầy cô không chỉ mong sinh viên nhớ được kiến thức đã học, mà còn kỳ vọng các bạn biết ứng dụng vào thực tế, đồng thời trở thành những người truyền cảm hứng cho cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe.

Là một trong những người trực tiếp tham gia hội thảo, em Lê Hoàng Việt - Sinh viên năm nhất khoa Phục hồi chức năng, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết: “Trước hội thảo, khái niệm “đột quỵ” đối với em chỉ đơn giản là một bệnh nguy hiểm ở người già. Nhưng sau khi tham gia, em nhận ra bản thân cũng có nguy cơ và cần chủ động phòng ngừa”.

Ngoài kiến thức y tế, hội thảo còn gửi gắm một thông điệp sâu sắc: chăm sóc sức khỏe cá nhân không phải là điều xa xỉ hay dành riêng cho người lớn tuổi. Đó là hành trình cần bắt đầu càng sớm càng tốt.

Thực hành xử trí bệnh nhân đột quỵ tại cộng đồng trong giờ vàng cấp cứu 


Mộc Miên - Quốc Đạt
Ý kiến của bạn