90% muối ăn trên thế giới nhiễm hạt vi nhựa, nguy hại gì cho sức khỏe?

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế

01-11-2018 07:26 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Theo kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học ở Hàn Quốc và tổ chức Greenpeace khu vực Đông Á thực hiện, có đến 90% sản phẩm muối ăn được lấy mẫu từ nhiều nơi trên thế giới bị nhiễm hạt vi nhựa. Có một thực tế nữa mà không phải ai cũng biết rằng: Khi mua dầu gội, kem đánh răng... chứa các hạt vi nhựa, chúng ta chỉ nghĩ đơn giản là chúng có tác dụng làm sạch mà không ngờ rằng chúng lại là một tác nhân nguy hại tới môi trường và sức khỏe.

Các nhà khoa học ước tính trung bình một người trưởng thành đưa vào cơ thể xấp xỉ 2 ngàn hạt vi nhựa mỗi năm thông qua muối. Có thể tạm hiểu rằng, những rác thải từ nhựa mà con người đã ném xuống đại dương và sau đó chúng quay lại bằng cách xuất hiện trong bữa ăn thông qua thực phẩm là muối. Khi con người sử dụng muối biển nhiễm hạt vi nhựa đồng nghĩa sẽ mang theo hóa chất độc hại vào cơ thể.

Vậy, hạt vi nhựa là gì? xâm nhập vào cơ thể con người như thế nào? Có hại cho sức khỏe ra sao? phóng viên Suckhoedoisong.vn đã có cuộc trao đổi với TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế xung quanh câu chuyện này.

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Huy Nga thời gian gần đây nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những cảnh báo về các thực phẩm nhiễm hạt vi nhựa, khiến nhiều người quan tâm, lo lắng. Vậy hạt vi nhưa có từ đâu thưa  PGS?

TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm. Nguồn gốc của vi nhựa có thể từ các vật phẩm nhựa lớn hơn bị vỡ nhỏ ra nhưng chủ yếu từ các mặt hàng tiêu dùng chứa hạt microbead như kem đánh răng, xà phòng, sữa rửa mặt tẩy tế bào chết. Các hạt này theo đường thoát nước đổ ra suối, sông và cuối cùng trôi ra biển.

Với số lượng thải ra môi trường ngày càng tăng một cách đáng kể, các hạt nhựa gây nên hậu quả nghiêm trọng: hiện tượng ô nhiễm rác thải vi nhựa.

Theo nghiên cứu, sự hiện diện của vi nhựa trong đại dương đã được phát hiện vào đầu những năm 1970, nhưng mãi đến năm 2004, các nhà khoa học mới tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về sự phân bố và tác động của hạt vi nhựa.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế.

Nhằm mô tả các hạt nhựa nhỏ và phân biệt chúng với các mảnh vụn nhựa lớn như lưới đánh cá, chai nhựa và bao nilon, các nhà nghiên cứu đã gọi các hạt nhựa này là “vi nhựa”. Những tác hại đến môi trường và phạm vi phân bố rộng rãi của hạt vi nhựa đã thôi thúc các nhà khoa học mở rộng nghiên cứu về tính chất, mức độ ô nhiễm và tác động của vi nhựa vào  môi trường.

PV: Vậy nếu hạt vi nhựa tồn tại trong môi trường sẽ có hại như thế nào với con người, thưa PGS ?

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có hơn 5 nghìn tỉ những mảnh nhựa nhỏ trên khắp các đại dương, và 90% trong số đó có chiều dài nhỏ hơn ¼ inch (= 6.35 mm) được gọi là những hạt vi nhựa, thậm chí có cả nano nhựa những hạt nhỏ li ti này được cho là một sự đe dọa ghê gớm nhất, vì chúng thường bị những loài phiêu sinh vật và những sinh vật nhỏ tưởng nhầm là “đồ ăn” và từ đó theo chuỗi thức ăn vào những con cá, con chim lớn hơn hoặc vào cơ thể những sinh vật khác (con người chẳng hạn). Các mẫu nước lấy ở Pháp và Đức cho thấy cứ một cốc nước 500 ml chứa tới 1, 9 sợi nhựa. Ở Mỹ có tới 95% mẫu nước uống nhiễm vi nhựa.

Ước tính mỗi năm có hàng trăm nghìn tỷ tấn hạt nhỏ này được đổ ra môi trường.  Theo Tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), năm 2012, các nước thuộc Liên minh châu Âu EU đã sử dụng hơn 4.300 tấn hạt vi nhựa. 1 năm sau đó, con số đã lên hơn 299 triệu tấn.

Khi hạt vi nhựa hòa vào nguồn nước, chúng sẽ hấp thụ chất độc trong nước và trở nên cực kỳ độc. Cá, chim, hàu  và nhiều loài thủy sinh khác nhầm lẫn là thực phẩm và ăn vào. Vì đặc tính không tan và khó phân hủy nên có hàng nghìn phân tử hạt vi nhựa bị tích lại trong cơ thể thực vật, động vật.  Sau đó đến lượt chúng bị ăn theo chuỗi thức ăn, và con người sẽ ăn  các hạt vi nhựa.

Phòng thí nghiệm Môi trường của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tiến hành thí nghiệm để xác định các nguy cơ về sức khỏe liên quan đến quá trình tích lỹ sinh học này. Trong nước, các chất ô nhiễm có khuynh hướng bị hút hoặc gắn vào bề mặt của các hạt nhựa trong môi trường biển. Theo cơ chế này, các mảnh nhựa trôi nổi trong đại dương có chứa các chất ô nhiễm thâm nhập vào chuỗi cung ứng thức ăn.

Mới đây nhất, các nhà khoa học phát hiện nhựa đi vào cơ thể người. Kết luận được đưa ra sau khi tất cả mẫu xét nghiệm chất thải của người tình nguyện đều chứa các hạt nhựa siêu nhỏ có kích thước bé hơn 5mm.  Các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập vào mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí tới gan. Tổng cộng, có 9 loại hạt nhựa có trong cơ thể người, phổ biến nhất là nhựa PP và nhựa PET thường thấy trong bao bì đồ ăn, thức uống. Theo Cục Quản lý thực phẩm châu Âu (EFSA) thì trung bình một công dân châu Âu mỗi năm đưa vào cơ thể theo thực phẩm 11 000 mảnh vi nhựa.

Rác thải nhựa trên biển ngày càng gia tăng, gây hại cho môi trường biển. Ảnh: MH

Theo các nhà khoa học, cứ mỗi khi một hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.  Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hoóc-môn, mắc các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác. Để cho nhựa được đàn hồi và bền hơn người ta thường cho vào nhựa chất Phthalates, một hóa chất gây ung thư vú. Chất Bisphenol A (BPA) là hóa chất được tìm thấy trong các hôp nhựa đựng thực phẩm. Khi xâm nhập vào cơ thể nó có thể can thiệp vào các hóc môn sinh sản, đặc biệt là ở phụ nữ, gây ảnh hưởng đến khả năng thai nghén. Tuy nhiên hiện nay các bằng chứng khoa học vẫn chưa đủ thuyết phục để đề xuất các quy định về giới hạn cho phép hàm lượng các vi nhựa trong nước và thực phẩm. Việc này đòi hỏi cần có sự đầu tư cho các nghiên cứu tiếp theo về ảnh hưởng của vi nhựa và nano nhựa lên sức khỏe con người.

Chính  vì vậy, việc sử dụng đồ nhựa, quản lý rác thải trong đời sống sinh hoạt là vô cùng quan trọng.

Xin chân thành cảm ơn PGS.TS!





Qua kiểm tra 39 mẫu sản phẩm muối ăn được thu thập từ 21 quốc gia thuộc châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi, và châu Á, thì có 36 mẫu chứa hạt vi nhựa. Ba mẫu duy nhất không chứa hạt vi nhựa đến từ Đài Loan (muối biển tinh luyện), Trung Quốc (muối đá tinh luyện), và Pháp (muối biển chưa tinh chế, sản xuất bằng cách cho bay hơi).

Mật độ vi nhựa trong muối ở mỗi nhãn hiệu khác nhau, nhưng với sản phẩm muối từ châu Á thì mật độ này đặc biệt cao. Mật độ vi nhựa cao nhất là trong sản phẩm muối bán tại Indonesia – từng bị xếp thứ hai trong danh sách các quốc gia ô nhiễm nhựa nhiều nhất thế giới. Cũng theo nghiên cứu này, muối biển chứa nhiều hạt vi nhựa nhất, xếp sau là muối hột và muối đá.

 


Khánh Mai
Ý kiến của bạn