Thoái hóa khớp (THK) (còn gọi là hư khớp) là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học gây tổn thương toàn bộ các thành phần của khớp, trong đó chủ yếu là sụn khớp, kèm theo tổn thương xương dưới sụn, dây chằng và cơ quanh khớp, màng hoạt dịch.
Tại sao có người bị THK trong khi người khác thì không hay tại sao trước kia vẫn sinh hoạt, đi lại bình thường hay được coi là khớp bình thường mà nay lại được chẩn đoán bị THK?
Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ THK
Tuổi cao: THK ít thấy ở người trẻ nhưng rất hay gặp ở người cao tuổi, đặc biệt ở lứa tuổi trên 75 thì 90% có tổn thương THK. Do vậy mà trong tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh này, một tiêu chí đưa ra là tuổi trên 40. Điều này được cho là khi tuổi cao, cơ thể giảm khả năng sửa chữa sụn khớp bị hư hỏng sau thời gian dài sử dụng trong cuộc đời.
Ngoài ra, sự thay đổi lối sinh hoạt hay vóc dáng cơ thể không còn cân đối như hồi còn trẻ khiến sức cơ giảm sút, gây giảm khả năng bảo vệ khớp cùng như tăng gánh nặng lên khớp khiến khớp hư hỏng nhanh hơn.
Nữ giới: Trước 55 tuổi, tỷ lệ THK giữa nam và nữ là như nhau, nhưng sau tuổi này, đặc biệt sau tuổi mãn kinh thì nữ có xu hướng bị THK gấp 2 lần nam giới. Do sau tuổi này, nồng độ hormon sinh dục nữ là oestrogen suy giảm gây tăng các triệu chứng của THK.
Béo phì: Các nghiên cứu cho thấy những người thừa cân hoặc béo phì có khả năng bị THK gấp 3 lần người có cân nặng bình thường. Bởi khi cơ thể thừa cân, các khớp phải gánh số cân nặng ấy liên tục, đặc biệt là khớp gối, khớp háng. Nếu nặng thêm 1kg thì khớp gối phải mang chịu sức nặng thêm 3kg. Ngoài ra, các yếu tố rối loạn chuyển hóa liên quan đến thừa cân hay béo phì cũng thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn.
Thoái hóa khớp thường gây đau nhức, đi lại khó khăn...
Yếu tố gene: THK không phải là bệnh di truyền, nhưng nếu gia đình bạn có bố mẹ, anh chị em ruột bị bệnh thì khả năng bạn bị bệnh này sẽ cao hơn người không có tiền sử gia đình mắc bệnh, đặc biệt là THK bàn tay và khớp háng.
Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin C, D, E: Khi sụn khớp bị tổn thương trong THK, cơ thể sẽ sản sinh các gốc tự do. Các vitamin C, D, E được coi là có khả năng trung hòa các gốc tự do này, giúp ngăn ngừa sự tiến triển của THK. Ngoài ra, vitamin D còn có vai trò trong chuyển hóa xương, tăng chuyển hóa vùng đầu xương cạnh khớp giúp hấp thu lực tác động lên khớp. Vitamin D cũng giúp cải tạo sụn khớp và cơ cạnh khớp, từ đó ổn định cấu trúc khớp. Do vậy, người có chế độ dinh dưỡng thiếu các vitamin C, D, E có nguy cơ bị THK cao hơn những người có đủ các vitamin này trong cơ thể.
Chấn thương khớp: Nếu không may bị chấn thương một khớp nào đó, khả năng sẽ bị THK đó nhiều về sau này. Một số nghề nghiệp đặc biệt như cầu thủ đá bóng, cầu thủ bóng bầu dục là những người dễ bị chấn thương khớp thì nguy cơ thoái hóa các khớp chấn thương sẽ cao hơn, cho dù đã được phẫu thuật để sửa chữa tổn thương.
Nghề nghiệp ảnh hưởng đến sự thoái hóa các khớp liên quan: Một số nghề nghiệp, công việc hay thói quen sử dụng liên tục một vài khớp nào đó lâu dài khiến các khớp này bị quá tải hay vi chấn thương dẫn đến nguy cơ thoái hóa cao hơn. Ví dụ, những người thường xuyên ngồi xếp bằng hay quỳ gối để tụng kinh có khả năng cao bị THK gối. Những nghề nghiệp cần đứng lâu như giáo viên hay những người thường xuyên nâng vật nặng có nguy cơ THK háng cao. Hay thói quen dùng đũa ăn cơm của người châu Á cũng khiến các khớp liên quan đến động tác cầm đũa thoái hóa sớm hơn và nặng hơn các khớp khác trên bàn tay.
Yếu cơ và dây chằng cạnh khớp: Cơ và dây chằng quanh khớp khỏe sẽ giúp giảm áp lực tác động lên khớp. Nếu bạn ít luyện tập, vận động hay vì các lý do bệnh lý khiến các cơ, dây chằng quanh khớp yếu đi thì khả năng THK đó cao lên. Do vậy, một trong các biện pháp hỗ trợ điều trị THK là luyện tập nhằm tăng sức bền cho cơ quanh khớp.
Hình dáng bất thường của khớp và xương: Những người có hình dạng khớp hay cấu trúc khớp bất thường có thể tăng nguy cơ THK đó do việc phân bố áp lực lên các phần khác nhau của khớp không được đồng đều. Ví dụ, các trẻ sơ sinh bị loạn sản khớp háng, khiến khớp háng không vững, dễ bị trật nếu không phát hiện và điều trị thì nguy cơ THK háng sau này sẽ cao hơn. Hay những người chân không thẳng (dạng chữ O hay chữ X) có khả năng THK gối cao do áp lực cơ thể phân bổ không đều lên bề mặt khớp khiến phần chịu nhiều áp lực nhanh bị hư hỏng hơn phần khác.
Trên đây là các yếu tố nguy cơ thường gặp khiến bạn có thể bị THK cao hơn những người không có các yếu tố nguy cơ này. Có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như tuổi, giới, gene. Để phòng ngừa THK, trước tiên cần điều chỉnh các yếu tố có thể thay đổi được bằng cách thay đổi lối sống, thói quen, công việc để duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ vitamin, tăng sức bền hệ thống cơ, dây chằng, phòng tránh chấn thương và sửa chữa các bất thường xương khớp nếu có thể.