9 xét nghiệm máu quan trọng người trên 40 tuổi nên thực hiện hằng năm

09-10-2022 13:22 | Thông tin dược học

SKĐS - Xét nghiệm máu hằng năm là một chiến lược đơn giản nhưng hiệu quả để giúp bạn chủ động kiểm soát sức khỏe hiện tại và tương lai ...

Việc có các xét nghiệm máu thích hợp có thể cho phép bệnh nhân lên kế hoạch cho việc phòng chống bệnh tật dựa trên khoa học. Với bác sĩ có thể nắm bắt được những thay đổi quan trọng trong cơ thể trước khi thành bệnh tim, ung thư, tiểu đường...

Dưới đây là các xét nghiệm máu quan trọng nhất mà những người trên 40 tuổi nên thực hiện mỗi năm:

1. Công thức máu toàn bộ

Công thức máu toàn bộ (CBC) sẽ cung cấp cho bạn và bác sĩ một cái nhìn nhanh về sức khỏe tổng thể. Xét nghiệm này cung cấp nhiều thông tin chẩn đoán để đánh giá tình trạng mạch máu, gan, thận và tế bào máu.

Công thức máu toàn bộ đo số lượng, sự đa dạng, tỷ lệ phần trăm, nồng độ và chất lượng của tiểu cầu, hồng cầu và bạch cầu, do đó rất hữu ích trong việc sàng lọc các bệnh nhiễm trùng, thiếu máu não và các bất thường huyết học khác.

Các xét nghiệm máu quan trọng nhất nên thực hiện hàng năm - Ảnh 1.

Xét nghiệm máu hằng năm là một chiến lược đơn giản để giúp bạn chủ động kiểm soát sức khỏe.

Bảng công thức màu toàn bộ cũng cung cấp thông tin về tình trạng của hệ thống tim mạch của bạn bằng cách kiểm tra tổng lượng cholesterol, HDL (lipoprotein mật độ cao), LDL (lipo-protein mật độ thấp), triglyceride và tổng tỷ lệ cholesterol / HDL; đo lượng đường trong máu... Điều này rất quan trọng để phát hiện hội chứng chuyển hóa giai đoạn đầu, bệnh tiểu đường và bệnh mạch vành. Trong bối cảnh bệnh tiểu đường đang gia tăng nhanh chóng, việc theo dõi mức đường huyết lúc đói cũng quan trọng như biết được lượng cholesterol của bạn.

Cũng bao gồm trong bảng công thức máu toàn bộ là chỉ số về các khoáng chất quan trọng như canxi, kali và sắt.

2. Fibrinogen

Fibrinogen là một yếu tố quan trọng góp phần vào quá trình đông máu. Nồng độ fibrinogen sẽ tăng lên để đáp ứng với tình trạng viêm mô. Vì sự phát triển của xơ vữa động mạch và bệnh tim về cơ bản là các quá trình viêm, mức độ fibrinogen tăng lên có thể giúp dự đoán nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.

Mức fibrinogen cao không chỉ liên quan đến tăng nguy cơ đau tim mà còn được thấy trong các rối loạn viêm khác như viêm khớp dạng thấp và viêm cầu thận.

Trong một nghiên cứu được công bố gần đây từ Trung tâm Y tế Đại học Hồng Kông, các nhà nghiên cứu đã xác định mức độ tăng fibrinogen trong máu là một yếu tố gây tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh động mạch ngoại vi.

Sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và hành vi như bỏ hút thuốc, giảm cân và hoạt động thể chất nhiều hơn - có thể giúp giảm mức fibrinogen xuống mức tối ưu (295-369 mg/dL). Các can thiệp dinh dưỡng cũng có thể giúp tối ưu hóa mức fibrinogen. Bổ sung dầu cá, niacin và axit folic, cùng với vitamin A và C cũng góp phần làm giảm mức fibrinogen.

3. Hemoglobin A1C

Một trong những cách tốt nhất để đánh giá tình trạng glucose của bạn là xét nghiệm hemoglobin A1c (HbA1c).

HbA1c tồn tại trong hồng cầu, có chức năng vận chuyển oxy và glucose đi nuôi cơ thể. HbA1c là một loại hemoglobin đặc biệt kết hợp giữa hemoglobin và đường glucose, nó đại diện cho tình trạng gắn kết của đường trên Hb hồng cầu.

Chỉ số HbA1c giúp hiểu được nồng độ đường trong máu từ hai đến ba tháng gần nhất và là một yếu tố dự báo nguy cơ bệnh tim ở những người có hoặc không mắc bệnh tiểu đường.

Vì HbA1c không phụ thuộc vào những biến động thường xảy ra với việc theo dõi đường huyết hàng ngày, nên nó thể hiện một bức tranh chính xác hơn về việc kiểm soát lượng đường trong máu. Duy trì nồng độ hemoglobin A1c khỏe mạnh cũng có thể giúp bệnh nhân tiểu đường ngăn ngừa một số biến chứng của bệnh.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị nên kiểm tra nồng độ HbA1c từ ba đến sáu tháng một lần để theo dõi lượng đường trong máu ở những bệnh nhân điều trị bằng insulin và những bệnh nhân có mức đường huyết cao.

4. DHEA

Dehydroepiandrosterone (DHEA), một loại hormone do tuyến thượng thận sản xuất, là tiền thân của hormone sinh dục estrogen và testosterone. Nồng độ DHEA trong máu đạt đỉnh điểm ở độ tuổi 20 và sau đó giảm mạnh theo tuổi tác, giảm xuống còn 20-30% ở độ tuổi 70 đến 80. DHEA thường được gọi là hormone "chống lão hóa".

9 xét nghiệm máu quan trọng người trên 40 tuổi nên thực hiện hàng năm - Ảnh 3.

Nồng độ DHEA tăng cao có thể là dấu hiệu của tăng sản thượng thận.

Mức DHEA thấp hơn đáng kể ở nam giới có các triệu chứng liên quan đến lão hóa, bao gồm cả rối loạn cương dương. Mức độ lành mạnh của DHEA có thể hỗ trợ chức năng miễn dịch, mật độ xương, tâm trạng, ham muốn tình dục và thành phần cơ thể khỏe mạnh. Ngược lại, nồng độ DHEA tăng cao hơn bình thường có thể là dấu hiệu của tăng sản thượng thận bẩm sinh, một nhóm các rối loạn do suy giảm khả năng sản xuất glucocorticoid của tuyến thượng thận.

Bổ sung DHEA giúp làm tăng chức năng miễn dịch, cải thiện mật độ khoáng xương, tăng ham muốn tình dục ở phụ nữ, giảm mỡ bụng, bảo vệ não sau chấn thương thần kinh, và giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường, ung thư và bệnh tim.

Các liệu pháp tự nhiên hoặc bổ sung bằng thuốc có chứa prednenolone hoặc DHEA có thể giúp tối ưu hóa mức DHEA. Những người bị ung thư liên quan đến estrogen như ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt không nên sử dụng DHEA.

5. Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt - PSA (chỉ dành cho nam giới)

Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) là một loại protein được sản xuất bởi tuyến tiền liệt ở nam giới. Mức độ tăng cao có thể gợi ý phì đại tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Mức PSA cũng có thể được sử dụng để theo dõi hiệu quả của các phác đồ điều trị đối với các bệnh liên quan tới tuyến tiền liệt.

Nồng độ PSA tăng cao không nhất thiết là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt và không phải lúc nào ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể đi kèm với biểu hiện của PSA. Mức độ có thể tăng lên khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tuyến tiền liệt bị viêm.

Một chế độ ăn uống lành mạnh kiểu Địa Trung Hải có thể bảo vệ chống lại ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh khác liên quan đến lão hóa.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị xét nghiệm PSA hằng năm cho nam giới bắt đầu từ 50 tuổi. Những người có nguy cơ cao nên bắt đầu xét nghiệm PSA ở độ tuổi 40-45. Mức PSA tăng theo tuổi tác, ngay cả khi không có bất thường ở tuyến tiền liệt.

6. Homocysteine

Axit amin homocysteine được hình thành trong cơ thể trong quá trình chuyển hóa methionine. Mức homocysteine cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim, gãy xương và giảm khả năng nhận thức, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

Homocysteine cũng đã được công nhận là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với gãy xương.

7. Hormone kích thích tuyến giáp (TSH)

Tiết ra bởi tuyến yên, hormone kích thích tuyến giáp (TSH) kiểm soát sự bài tiết hormone tuyến giáp. Khi nồng độ TSH trong máu giảm xuống dưới mức bình thường, điều này cho thấy dấu hiệu của bệnh cường giáp và khi các giá trị trên mức bình thường, điều này cho thấy suy giáp.

Bởi vì các triệu chứng của sự mất cân bằng tuyến giáp có thể không đặc hiệu hoặc không có và có thể tiến triển chậm, nhiều bác sĩ không thường xuyên kiểm tra chức năng tuyến giáp, những người bị cường hoặc suy giáp nhẹ có thể không được chẩn đoán kịp thời trong một thời gian.

Khi tình trạng bệnh nhẹ không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời có thể tiến triển nhanh thành các trạng thái bệnh lâm sàng. Đây là một kịch bản nguy hiểm, vì những người bị suy giáp và tăng cholesterol cũng như LDL trong huyết thanh có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch.

9 xét nghiệm máu quan trọng người trên 40 tuổi nên thực hiện hàng năm - Ảnh 5.

Đo TSH là xét nghiệm tốt nhất để đánh giá chức năng tuyến giáp.

Suy giáp nhẹ có thể liên quan đến tăng cholesterol và rối loạn chức năng nhận thức, cũng như các triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, trầm cảm, không dung nạp lạnh, da khô, táo bón và tăng cân. Cường giáp nhẹ thường liên quan đến rối loạn nhịp tim, giảm mật độ khoáng của xương và các triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, sụt cân, không dung nạp nhiệt, căng thẳng, mất ngủ, yếu cơ, khó thở và tim đập nhanh.

Đo TSH là xét nghiệm tốt nhất để đánh giá chức năng tuyến giáp. Hiện tại, Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ khuyến nghị nên kiểm tra nồng độ TSH bắt đầu từ 35 tuổi, và sau đó 5 năm một lần. Nếu kết quả bất thường, đánh giá TSH kết hợp với nồng độ tri-iodothyronine (T3) và thyroxine (T4) trong máu có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán xác định.

Các liệu pháp tự nhiên bằng dinh dưỡng hay bổ sung thực phẩm có chứa L-tyrosine, iốt và selen sẽ giúp cải thiện nồng độ TSH trong máu.

8. Testosterone tự do

Testosterone được sản xuất trong tinh hoàn ở nam giới, trong buồng trứng ở phụ nữ và trong tuyến thượng thận của cả nam và nữ. Đàn ông và phụ nữ đều có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự suy giảm nồng độ testosterone xảy ra khi lão hóa.

Ở nam giới, nồng độ testosterone thường suy giảm theo tuổi tác, giảm xuống khoảng 65% so với mức thanh niên ở độ tuổi 75. Sự sụt giảm testosterone này là nguyên nhân một phần gây ra những thay đổi sinh lý đáng kể ở nam giới lớn tuổi.

Trên thực tế, mức testosterone thấp có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe bất lợi, bao gồm giảm ham muốn tình dục, hội chứng chuyển hóa, rối loạn cương dương, tăng mỡ bụng, mật độ xương thấp, trầm cảm, bệnh Alzheimer, bệnh tiểu đường loại II, và xơ vữa động mạch.

Ở phụ nữ, sau khi mãn kinh, mức độ testosterone ở phụ nữ giảm, đồng thời với sự suy giảm ham muốn tình dục, tâm trạng và sức khỏe nói chung. Mặc dù phụ nữ chỉ sản xuất một lượng nhỏ testosterone, nhưng bằng chứng chỉ ra rằng hormone quan trọng này giúp phụ nữ duy trì chức năng tình dục, cũng như sức mạnh và khối lượng cơ bắp.

Mức testosterone tối ưu ở đàn ông là 15-26.5 pg/mL và ở phụ nữ là 1.4-2.2 pg/mL.

9. Estradiol

Giống như testosterone, cả nam giới và phụ nữ đều cần estrogen cho nhiều chức năng sinh lý. Estradiol là dạng lưu thông chính của estrogen ở nam giới và phụ nữ. Đàn ông sản xuất estradiol với lượng nhỏ hơn nhiều so với phụ nữ. Hầu hết estradiol được sản xuất từ testosterone và hormone steroid tuyến thượng thận và một phần được sản xuất trực tiếp bởi tinh hoàn. Ở phụ nữ, estradiol được sản xuất trong buồng trứng, tuyến thượng thận và các mô ngoại vi. Mức độ estradiol thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và giảm xuống mức thấp nhưng không đổi sau khi mãn kinh.

Nồng độ estradiol trong máu giúp đánh giá tình trạng mãn kinh và mãn dục. Mức độ gia tăng ở phụ nữ có thể cho thấy nguy cơ ung thư vú hoặc nội mạc tử cung tăng lên. Estradiol đóng một vai trò trong việc hỗ trợ mật độ xương khỏe mạnh ở nam giới và phụ nữ. Mức độ thấp có liên quan đến tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương ở nam giới và phụ nữ. Nồng độ estradiol tăng cao ở nam giới có thể đi kèm với phì đại tuyến vú, giảm ham muốn tình dục và khó đi tiểu.

Có thể cải thiện nồng độ estradiol bằng cách bổ sung các chất như DHEA, pregnenolone, đậu nành và lựu... Một số loại thuốc cần kê đơn như estrogen tổng hợp cũng có thể hữu ích đối với một số bệnh nhân thiếu hụt estrogen.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Phương pháp loại bỏ căng thẳng trước khi ngủ

TS. DS Tạ Thanh Sơn
Ý kiến của bạn