1. Cơ chế chung làm hạ đường huyết của các vị thuốc từ thực vật
Bệnh đái tháo đường có 2 type, trong đó type 2 hay đái tháo đường không phụ thuộc insulin là dạng bệnh phổ biến nhất, chiếm 90% - 95%. Các thuốc điều trị bệnh gồm có: Insulin và các thuốc đường uống khác nhau như nhóm sulfonylurea, biguanid...
Gần đây, một số cây thuốc đã được chứng minh mang lại lợi ích và an toàn trong điều trị đái tháo đường trên toàn thế giới. Hơn 400 loài thực vật có tác dụng hạ đường huyết đã được ghi nhận có chứa các thành phần dược lý như: Glycoside, alkaloid, terpenoid, flavonoid, carotenoids...
Các thuốc có nguồn gốc từ thực vật có khả năng điều trị đái tháo đường nhờ vào các đặc tính kích thích sản xuất, tăng bài tiết, giảm sự đề kháng insulin và ức chế sự hấp thu glucose ở ruột, từ đó làm giảm lượng đường trong máu.
2. Vị thuốc hỗ trợ kiểm soát đường huyết
2.1. Tỏi (Allium sativum)
Tỏi là một loại cây rất thân thuộc với người Việt Nam được sử dụng làm thuốc và gia vị trong đời sống hàng ngày. Chiết xuất ethyl ether với liều 0,25 mg/kg được báo cáo có tác dụng hạ đường máu mạnh do tăng hoạt động sử dụng đường trong máu giống như hoạt tính của insulin.
Dùng đường uống chiết xuất ethanol, nước ép và dầu của tỏi có tác dụng hạ đường huyết đáng kể ở chuột mắc bệnh đái tháo đường bình thường thông qua alloxan hoặc kích thích bài tiết insulin từ tế bào beta của tuyến tụy.
Ngoài ra, allicin, S-allyl cystein sulfoxide (SACS), tiền chất của allicin và dầu tỏi cũng được chứng minh có tác dụng hạ đường huyết đáng kể do tăng chuyển hóa ở gan, tăng giải phóng insulin từ tế bào beta tuyến tụy.
Uống chiết xuất tỏi hàng ngày với liều 100mg/kg làm tăng nồng độ insulin, đồng thời làm giảm nồng độ glucose trong máu. Tác dụng của tỏi đối với chuột ăn chế độ ăn nhiều chất béo trong 2 tuần cho thấy tỏi có vai trò điều hòa insulin hơn là hạ đường huyết.
2.2. Nha đam (Liliaceae)
Nha đam hay còn gọi là lô hội thuộc họ cây mọng nước, tính mát có tác dụng giảm sưng đau, tiêu viêm, tả hỏa, sát trùng, giải độc; chủ trị mụn nhọt, bỏng lửa, bỏng nước, ghẻ lở.
Ngoài ra, nha đam còn có tác dụng hạ đường huyết thông qua việc kích thích tổng hợp hoặc giải phóng insulin từ tế bào beta của tiểu đảo Langerhans.
2.3. Mãng cầu xiêm (Annona muricata)
Mãng cầu xiêm là một loại cây ăn trái có nhiều ở Đông Nam Á và miền nam Việt Nam và là một nguồn cung cấp chất xơ, vitamin C, B1, B2 và khoáng chất lành mạnh đáng kể. Ngoài ra, mãng cầu xiêm cũng chứa một lượng nhỏ niacin, riboflavin, folate và sắt rất cần thiết cho cơ thể.
Mãng cầu xiêm có tác dụng chống oxy hóa, phòng chống ung thư, cải thiện tiêu hóa, tăng cường miễn dịch... Gần đây người ta chỉ ra rằng, mãng cầu xiêm đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm quá trình oxy hóa của tế bào β tuyến tụy của chuột bị đái tháo đường do streptozotocin gây ra, thông qua sự gia tăng diện tích tế bào β và chống lại sự thoái hóa của tế bào β.
Hợp chất annonacin chứa trong hạt của mãng cầu xiêm là một chất độc thần kinh, vì vậy khi sử dụng phải loại bỏ hoàn toàn hạt, tránh các bệnh lý thoái hóa thần kinh và nhiễm độc thần kinh cấp tính.
2.4. Cây chua me (Biophytum Sensivum)
Chua me có vị chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm, cầm máu. Người ta thường lấy cành lá luộc với rau muống cho có vị chua mát hoặc nấu canh chua với cá. Ngoài ra, chua me hay được làm thuốc chữa các bệnh về tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, sỏi thận, mụn nhọt...
Chiết xuất lá của cây chua me có tác dụng kích thích các tế bào beta tuyến tụy giải phóng insulin ở thỏ đực mắc bệnh đái tháo đường và làm hạ đường huyết. Việc sử dụng chiết xuất chua me ở thỏ không mắc bệnh đái tháo đường được nhịn ăn trong 16 giờ cũng cho kết quả nồng độ insulin trong huyết thanh tăng đáng kể.
2.5. Chè xanh (Camellia sinensis)
Chè là một loại cây trồng phổ biến ở các tỉnh phía bắc Việt Nam, được ứng dụng làm trà và thực phẩm hàng ngày. Bộ phận dùng chủ yếu của chè là lá, chế biến thành nhiều loại khác nhau như trà trắng, trà xanh, trà olong và trà đen. Có thể dùng cành lá tươi nấu nước uống (chè tươi) hoặc hái búp và lá non đem sao (chè khô), khi dùng hãm với nước sôi uống.
Có tổng cộng hơn 4000 hợp chất được nghiên cứu từ chè như: Polyphenol, ngoài ra có các alkaloid (caffein, theophyllin và theobromin), vitamin C, amino acid, tinh dầu, khoáng chất…Trong đó, tỷ lệ thành phần của polyphenol là cao nhất.
Lá trà được chứng minh có rất nhiều công dụng như: Chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư, trị tiêu chảy, chữa bỏng, chữa lở loét, chống viêm, kích thích thần kinh (do cafein), lợi tiểu (do theobromin, cafein), cầm tiêu chảy (do tannin) và chữa phù thũng.
Ngoài ra, chất epigallocatechin gallate có trong chè được chứng minh làm tăng hoạt động của insulin và ngăn ngừa quá trình oxy hóa mô ở chuột mắc bệnh đái tháo đường do streptozotocin gây ra.
2.6. Ớt (Capsicum frutescens)
Quả ớt là một loại thực phẩm phổ biến hàng ngày, vị cay, tính nóng; có tác dụng ôn trung, tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực; dùng chữa tiêu chảy ho hàn, tích trệ, sốt rét, thông kinh lạc, giảm đau, sát trùng.
Lá ớt có vị đắng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Rễ ớt có tính vị và công dụng tương tự quả, ngoài ra còn có tác dụng hoạt huyết, tán thũng; thường dùng điều trị tinh hoàn sưng đau, tử cung xuất huyết cơ năng.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, quả ớt giúp tăng nồng độ insulin trong huyết tương ở chuột mắc bệnh đái tháo đường type 2 được cho ăn chế độ nhiều chất béo (HF) trong 4 tuần điều trị. Sử dụng 2% ớt trong khẩu phần ăn có tác dụng hỗ trợ điều trị đái tháo đường thông qua cơ chế tăng insulin hơn là hạ đường huyết.
2.7. Quả sơn thù (Cornus officinalis)
Sơn thù là một vị thuốc y học cổ truyền có vị chua chát, tính ấm quy vào kinh Can và Thận. Công dụng: Bổ can thận, cố tinh, sáp niệu. Chủ trị: Lưng đau gối mỏi, di tinh, chóng mặt, ù tai, hàn nhiệt, kinh nguyệt ra nhiều, đạo hãn (ra mồ hôi trộm).
Sơn thù có tác dụng dược lý:
- Chống đông máu: Dịch chiết từ sơn thù nhục có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu.
- Kháng khuẩn: Nước sắc sơn thù có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ, thương hàn và tụ cầu vàng.
- Trên thực nghiệm trên nhận thấy dược liệu có tác dụng hạ huyết áp và lợi tiểu.
Ngoài ra, chiết xuất cồn của sơn thù có thể làm tăng GLUT4 mRNA và thúc đẩy sự tăng sinh của các tế bào tiểu đảo tụy bằng cách tăng tiết insulin sau bữa ăn, do đó thúc đẩy quá trình vận chuyển glucose vào gan gây giảm đường huyết. Chiết xuất metanol và các phần của nó cũng có hoạt tính giống insulin thông qua phosphoenolpyruvate carboxykinase.
2.8. Dây thìa canh (Gymnema sylvestre)
Chiết xuất cồn của dây thìa canh kích thích tiết insulin từ tiểu đảo Langerhans của chuột có tác dụng gây hạ đường huyết.
Dùng đường uống chiết xuất lá dây thìa canh hòa tan trong nước với liều 400mg/ngày làm giảm lượng đường huyết lúc đói và nhu cầu insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 1; tăng tái tạo hoặc sửa chữa các tế bào beta của tuyến tụy ở bệnh nhân đái đường type 2 nhờ các phân tử axit gymnemia dihydroxy gymnemia triacetate.
Dây thìa canh có tác dụng làm hạ nồng độ LDL-cholesterol, triglicerid trong máu, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu, giảm huyết áp ở bệnh nhân có tăng huyết áp. Lá của dây thìa canh còn được dùng làm thuốc hỗ trợ tiêu hóa, tán thành bột để chống độc, kháng viêm.
2.9. Mướp đắng (Momordica charantia)
Mướp đắng là một loại quả trồng phổ biến ở Việt Nam, được sử dụng làm thuốc, thức ăn và trà uống. Trong mướp đắng có chứa các thành phần như saponin, polysaccharid, protein và peptid, có tác dụng hạ đường huyết, hạ lipid máu, hạ acid uric máu, chống oxy hóa và chống ung thư.
Các chất phytochemical momordicin, charantin, một số hợp chất như lectin liên kết với galactose và protein được phân lập từ các bộ phận khác nhau của loại cây này đã được chứng minh có hoạt tính giống như insulin.
Chiết xuất nước từ trái cây chưa chín của mướp đắng có tác dụng kích thích giải phóng insulin từ tế bào beta tuyến tụy của chuột béo phì bị tăng đường huyết.
Các vị thuốc y học cổ truyền có nguồn gốc từ thực vật chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị đái tháo đường, không thay thế các phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị nếu có nhu cầu sử dụng các thảo dược hỗ trợ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh nhân đái tháo đường có nên kiêng hoa quả ngọt hay không?