Ổi là một cây nhỡ, cao chừng 3-5m. Lá mọc đối có cuống ngắn, hình bầu dục, nhẵn hoặc hơi có lông ở mặt trên, mặt dưới có lông mịn, phiến nguyên, khi soi lên có thấy túi tinh dầu. Theo Đông y, lá ổi vị đắng sáp, tính ấm, có công dụng tiêu thũng giải độc, thu sáp chỉ huyết.
Uống nước lá ổi thường xuyên mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như cải thiện sức khỏe tim mạch, chất lượng giấc ngủ, giảm cân...
1. Những người nên uống nước lá ổi thường xuyên
1.1 Người hay bị tiêu chảy
Thành phần tanin có trong lá ổi giúp làm se niêm mạc ruột, hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn và virus, từ đó giảm tình trạng viêm nhiễm. Bên cạnh đó, lá ổi còn có khả năng làm giảm tiết dịch ruột, ổn định nhu động ruột và hạn chế tình trạng co thắt, giúp giảm triệu chứng tiêu chảy.
Cách làm: Đun 100g lá ổi tươi với 500ml nước uống, chia 02 lần sáng chiều, trong 3-5 ngày.
![9 trường hợp nên dùng nước lá ổi thường xuyên hơn- Ảnh 1. nước lá ổi](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/2/8/photo-1738987948591-1738987949221937987084.png)
Nước lá ổi tươi có tác dụng giảm triệu chứng tiêu chảy.
1.2 Người tiêu hóa kém, đầy bụng
Thành phần enzyme trong lá ổi hỗ trợ phân giải tinh bột, chất béo và protein, giúp cơ thể hấp thụ dưỡng chất tốt hơn. Đồng thời, lá ổi có khả năng làm dịu niêm mạc dạ dày, cải thiện chức năng tiêu hóa.
Cách làm: Đun 20g lá ổi tươi với 500ml nước uống, chia 02 lần sáng chiều, trong 10-15 ngày.
1.3 Người cần giảm cân
Lá ổi chứa nhiều hợp chất có lợi như polyphenol, flavonoid, carotenoid và tannin, giúp giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Cách làm: Đun khoảng 50g lá ổi tươi với 500-800 ml nước để uống, uống 20 ngày.
1.4 Những người mắc bệnh mỡ máu, tim mạch
Lá ổi là một nguồn giàu chất xơ và chất chống oxy hóa, có tác dụng hỗ trợ giảm cholesterol xấu trong cơ thể bảo vệ hệ tim mạch, giúp ngăn ngừa sự phát triển của các gốc tự do, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như tai biến và đột quỵ.
Cách làm: Dùng khoảng 10-12 lá ổi tươi đun với 500ml nước, chia ra uống trong ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng 10g lá ổi khô pha thành trà để uống mỗi ngày, uống 20-30 ngày.
1.5 Bị dị ứng, nổi mề đay
Lá ổi chứa các hợp chất có khả năng ức chế sự giải phóng histamin, giảm dị ứng, hỗ trợ làm giảm các triệu chứng.
Cách làm: Đun sôi 20-30g lá ổi tươi với 500ml nước, chia uống 2 lần trong ngày.
1.6 Người có hệ miễn dịch suy yếu
Lá ổi giàu vitamin C và chất chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt trong mùa lạnh, nước lá ổi giúp giảm cảm lạnh.
Cách làm: Đun 30-50g lá ổi tươi với 500ml nước uống, chia 02 lần sáng chiều, trong 5-10 ngày.
1.6 Người mắc bệnh đái tháo đường
Uống nước lá ổi giúp giảm hấp thu glucose sau bữa ăn và ổn định đường huyết. Các hợp chất như quercetin và flavonoid trong lá ổi giúp ức chế enzym alpha-glucosidase, làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate, tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Cách làm: Đun 10-15g lá ổi tươi với 500ml nước uống, chia 02 lần sáng chiều, trong 10-20 ngày.
![9 trường hợp nên dùng nước lá ổi thường xuyên hơn- Ảnh 3. tri-tieu-duong-bang-la-oi](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/thumb_w/640/324455921873985536/2025/2/8/base64-17389882347241104618175.png)
Nước lá ổi hỗ trợ trị đái tháo đường.
1.8 Người bị căng thẳng stress, mất ngủ
Trong lá ổi có đặc tính làm dịu hệ thần kinh, làm giảm căng thẳng, từ đó giúp cải thiện, ổn định giấc ngủ.
Cách làm: Đun 10g lá ổi tươi với 500ml nước uống, chia 02 lần sáng chiều, trong 5 -10 ngày.
1.9 Người bị viêm chân răng, viêm nướu
Trong lá ổi chứa hoạt chất astringents với tác dụng làm chặt chân răng, giảm nhẹ các cơn đau tại nướu.
Cách làm: Dùng lá ổi tươi đã rửa sạch và giã nát súc miệng, kết hợp uống nước lá ổi thường xuyên.
2. Lưu ý khi dùng nước lá ổi
- Sử dụng lá ổi trong thời gian điều trị bằng thuốc tây có thể làm giảm hiệu quả của thuốc cần tư vấn bác sĩ chuyên ngành.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng lá ổi.
- Nước lá ổi nấu chỉ nên sử dụng trong ngày, không nên để quá lâu, tránh việc bị ôi thiu.