Từ xa xưa, gừng đã được sử dụng như một phương thuốc chữa cảm lạnh, đau họng, đau nhức cơ bắp và nhiều bệnh khác. Nó cũng thường được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để điều trị buồn nôn và đau dạ dày…
Một số tình trạng sức khỏe có thể sử dụng gừng
1. Cholesterol cao
Gừng có thể giúp duy trì mức cholesterol lành mạnh. Một nghiên cứu tổng quan cho thấy tiêu thụ 2g gừng hoặc ít hơn mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể tổng lượng cholesterol và một số lipid (chất béo lưu thông trong máu), chẳng hạn như triacylglycerol (TAG), còn được gọi là triglyceride.
Mặc dù một số nghiên cứu trên người cho thấy, gừng có thể giúp giảm cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL hay "xấu"), tổng lượng cholesterol và mức lipid, nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa trước khi có thể khuyến nghị gừng là phương pháp điều trị tiêu chuẩn.
Gừng được coi là an toàn và hầu như không có tác dụng phụ khi dùng với liều lượng nhỏ, khoảng 2 gam hoặc ít hơn. Đây cũng là một lựa chọn dễ kiếm và không tốn kém để kiểm soát mức cholesterol.

Gừng có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
2. Một số tình trạng tiêu hóa
Gừng được biết đến rộng rãi với tác dụng làm dịu dạ dày. Uống 1,5 gam gừng có thể làm dịu cơn đau dạ dày. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ cần 1 gam gừng mỗi ngày có thể làm giảm hiệu quả tình trạng buồn nôn và nôn liên quan đến thai kỳ.
Gừng cũng có thể giúp kiểm soát bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), cụ thể làm giảm đầy hơi và chướng bụng (liên quan đến giãn cơ thắt thực quản dưới - LES). Khi LES giãn hoặc mở ra, axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản.
3. Viêm xương khớp
Thoái hóa khớp (viêm xương khớp) là tình trạng viêm đau thường liên quan đến tuổi tác. Mặc dù NSAID có thể giúp kiểm soát bệnh thoái hóa khớp, nhưng việc sử dụng lâu dài có thể gây ra các tác dụng phụ tiềm ẩn.
Nghiên cứu cho thấy đặc tính kháng viêm của gừng hữu ích như một liệu pháp phối hợp để giảm viêm tại chỗ ở bệnh thoái hóa khớp (OA). Các tổ chức chuyên môn cũng công nhận tiềm năng của gừng trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh này.
4. Đau bụng kinh
Gừng chứa các hợp chất hỗ trợ chống oxy hóa, bao gồm gingerol, shogaol và zingerone. Đặc tính bảo vệ sức khỏe của chúng mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm đau bụng kinh.
Các hợp chất này giúp thư giãn các cơn co thắt cơ thường xảy ra trước và trong kỳ kinh nguyệt. Hợp chất shogaol cũng có thể giảm đau khi sử dụng lâu dài. Thêm vào đó, gừng có đặc tính giảm đầy hơi, giảm buồn nôn và khó tiêu thường đi kèm với sự thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt.
5. Huyết áp cao
Gừng có thể giúp giảm huyết áp bằng cách ức chế enzyme chuyển đổi angiotensin (ACE) của cơ thể, một yếu tố đóng vai trò trong việc phát triển chứng tăng huyết áp (huyết áp cao). Gừng cũng có thể hỗ trợ lưu lượng máu khỏe mạnh bằng cách giảm kết tập tiểu cầu (sự kết tụ của các tế bào máu có thể làm tắc nghẽn lưu lượng máu, dẫn đến hình thành cục máu đông). Tuy nhiên, nghiên cứu về vấn đề này vẫn chưa có kết luận chắc chắn.
Một số nghiên cứu cho thấy, liều lượng 3 gam gừng trở lên mỗi ngày có thể làm giảm hiệu quả cả huyết áp tâm thu (giá trị cao nhất trong chỉ số huyết áp) và huyết áp tâm trương (giá trị thấp hơn), ở người lớn từ 50 tuổi trở xuống mắc bệnh tiểu đường.

Gừng có thể dùng dưới dạng trà gừng.
6. Đường huyết cao
Các thành phần thơm và cay của gừng - như gingerol, shogaol và zingerone - có đặc tính hạ đường huyết.
Một nghiên cứu trên nhóm người trưởng thành từ 30-60 tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2 đã xem xét tác dụng của việc bổ sung 2.000 mg gừng mỗi ngày, trong 10 tuần kết hợp với liệu trình điều trị y tế thông thường. Kết quả cho thấy những người bổ sung gừng đã giảm đáng kể cả lượng đường huyết lúc đói và HbA1C, một chỉ số quan trọng của việc kiểm soát đường huyết lâu dài.
7. Răng và nướu nhạy cảm
Gừng có thể là một phương pháp thay thế hiệu quả cho các loại thuốc không kê đơn để giảm đau và giảm viêm miệng. Trong một nghiên cứu về những người đang hồi phục sau phẫu thuật nướu, liều lượng 400 mg gừng, uống ba lần mỗi ngày, trong ba ngày, được phát hiện có hiệu quả tương đương với ibuprofen (một loại thuốc chống viêm không steroid thông dụng) trong việc giảm sưng và khó chịu.
8. Ho và cảm lạnh
Gừng có thể được sử dụng kết hợp với các loại thảo mộc hoặc chiết xuất thực vật khác để điều trị ho. Gừng chứa các hợp chất gọi là polysaccharides có đặc tính chống ho tự nhiên (ức chế ho). Ví dụ, sự kết hợp giữa chiết xuất gừng và vỏ quýt (cũng chứa polysaccharides) có thể là một bài thuốc trị ho hiệu quả tại nhà.
Các thành phần có lợi của gừng (bao gồm gingerol, shogaol, zingerone và paradol) hỗ trợ chống viêm, kháng khuẩn và kháng virus. Vi rus có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch của một người và góp phần gây ra cảm lạnh. Ngứa họng, đau họng có thể đi kèm với ho và cảm lạnh. Ngậm kẹo gừng cứng có thể giúp giảm đau.
9. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là phản ứng của cơ thể với các chất gây dị ứng như phấn hoa. Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng bao gồm nghẹt mũi (viêm), ngứa họng và chảy nước mắt. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung gừng có thể là một lựa chọn thay thế tiềm năng cho các loại thuốc như loratadine, một loại thuốc kháng histamine.
Một nghiên cứu nhỏ đã điều trị cho một nhóm người bị dị ứng bằng 500 mg chiết xuất gừng trong ba đến sáu tuần và một nhóm khác dùng 10 mg loratadine. Cả hai nhóm đều thấy sự cải thiện tương tự về các triệu chứng ở mũi, bao gồm giảm áp lực và nhóm dùng gừng ít gặp tác dụng phụ hơn.
Cách sử dụng gừng
Củ gừng có thể được dùng nguyên củ, băm nhỏ hoặc nghiền nát; sử dụng như một loại gia vị mạnh trong nấu ăn hay một bài thuốc thảo dược trị cảm lạnh. Nó có thể được sử dụng trong trà thảo mộc, dạng bột, hoặc ép lấy nước để tạo hương vị cho đồ uống hoặc sinh tố. Bạn có thể sử dụng một thìa canh gừng xay hoặc tối đa hai phần ba cốc gừng tươi xay nhuyễn trong các công thức chế biến.
Kẹo gừng kết tinh thường được dùng để làm giảm đau họng, tuy nhiên lượng gừng trong kẹo gừng và kẹo cứng có thể khác nhau.
Thực phẩm bổ sung gừng có sẵn ở dạng bột, viên nang và các dạng khác. Liều dùng thông thường là 1.000 mg (1 gam) chiết xuất gừng khô mỗi ngày. Tiêu thụ tối đa 4 gam gừng tươi mỗi ngày được coi là an toàn
Lưu ý khi sử dụng gừng
Gừng thường được công nhận là an toàn và không có tác dụng phụ nào được biết đến ở liều lượng vừa phải (tối đa 4g mỗi ngày). Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến các tác dụng phụ như phản ứng dị ứng, khó tiêu và thay đổi tâm trạng.
Liều cao tới 6g mỗi ngày có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và có khả năng góp phần hình thành sỏi mật do tăng sản xuất axit mật. Trong một số ít trường hợp, liều cao gừng cũng có liên quan đến nhịp tim nhanh.
Một số hợp chất trong gừng có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm:
- Warfarin và thuốc chống kết tập tiểu cầu: Thận trọng khi sử dụng gừng hoặc tránh dùng khi đang dùng thuốc chống đông máu như coumadin (warfarin) hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu. Đặc tính của gừng có thể làm tăng tác dụng của các loại thuốc này, làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Thuốc điều trị tiểu đường: Gừng có thể làm giảm lượng đường trong máu, những người đang dùng thuốc điều trị tiểu đường nên thận trọng khi dùng gừng. Sự kết hợp giữa gừng và thuốc hạ đường huyết có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp đến mức nguy hiểm).