Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 14 giờ ngày 08/5 đến 14 giờ ngày 09/5), khu vực các tỉnh vùng núi Bắc Bộ đã có mưa, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Nậm Cuổi 2 104,2mm (Lai Châu); Nghĩa Đô 194 mm (Lào Cai); Thịnh Hưng 92,8mm (Yên Bái); Mẫu Sơn 125,8mm (Lạng Sơn); Thái Cường 115,2mm (Cao Bằng);… Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Cảnh báo trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh vùng núi Bắc Bộ tiếp tục có mưa, với lượng mưa phổ biến từ 15-30mm, có nơi trên 50mm. Trong 06 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Lũ quét là một loại hình của lũ đặc biệt lớn, xảy ra bất ngờ trên các sông, suối tại miền núi, trung du và duy trì trong một khoảng thời gian ngắn. Nguyên nhân chính gây ra lũ quét thường là mưa lớn với cường độ cao. Tuy nhiên, lũ quét chỉ thực sự nguy hiểm khi xảy ra ở lưu vực có sườn núi dốc, địa hình bị chia cắt mạnh mẽ tạo thành các hẻm, vực sâu, lớp phủ thực vật thưa bị phá hủy bừa bãi. Ngoài ra, lưu vực các sông suối có mặt lưu vực bị phong hóa mạnh, kết cấu kém cũng dễ xảy ra lũ quét.
Đặc điểm chính của lũ quét là chứa một lượng vật rắn rất lớn, thường là bùn, đá... nên còn được gọi là lũ bùn đá, rất hay xảy ra ở nước ta. Lũ quét thường xảy ra nhất vào ban đêm và sáng sớm, kéo dài từ 3 - 6 tiếng trong các tháng mùa lũ.
Ngoài ra, cũng có thể bắt gặp các loại hình khác của lũ quét, như lũ quét nghẽn dòng, lũ quét do vỡ đập, đê, hồ chứa...
Trượt lở là hiện tượng mất ổn định và dịch chuyển sườn dốc, mái dốc, gây mất ổn định công trình, vùi lấp người và tài sản, phá hoại diện tích canh tác và môi trường sống, có thể dẫn tới những thảm hoạ lớn cho con người và xã hội. Các loại hình trượt lở thường gặp nhất bao gồm: trượt lở, sạt lở, lở đá.
Trượt lở đất xảy ra nhiều ở các sườn đồi núi dốc, đường giao thông, hệ thống đê đập, các bờ mỏ khai thác khoáng sản, các hố đào xây dựng công trình... Đây là loại hình tai biến thường có qui mô từ trung bình tới lớn, phạm vi phát triển rộng, diễn biến từ rất chậm (2- 5cm/năm) gây chủ quan cho con người, tới cực nhanh (lớn hơn 3m/s) làm cho con người không đối phó kịp. Đất đá trượt lở từ vài chục vạn m3 tới 1 - 2 triệu m3, trườn đi xa tới 0,5 - 1 km, đủ lớn để chặn dòng sông suối, dòng nước, tạo nên lũ quét nghẽn dòng, đặc biệt nguy hiểm cho các cụm dân cư ở hạ du.
Sạt lở đất thường xảy ra tại các thung lũng và triền sông, dọc các bờ biển bị xói lở. Trong quá trình sạt lở, có sự đan xen giữa hiện tượng dịch chuyển trượt, hiện tượng sụp đổ. Hiện tượng sạt lở thường được báo trước bằng các vết nứt sụt ăn sâu vào đất liền và kéo dài theo bờ sông, bờ biển. Diễn biến phá hoại của sạt lở nhanh và đột ngột. Sạt lở bờ thường có xu hướng tái diễn nhiều năm, phạm vi ảnh hưởng rộng, đe doạ phá hỏng cả cụm dân cư, đặc biệt là các cụm dân cư kinh tế lâu năm ở các vùng đồng bằng, ven biển.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất ngày 9/5: Nắng nóng ở Nam Bộ có khả năng kéo dài trong những ngày tới.