- 1. 3 tháng đầu thai kỳ, phụ nữ mang thai nên kiêng gì?
- 1.1 Hải sản chứa thủy ngân
- 1.2 Thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín
- 1.3 Trứng sống hoặc chưa nấu chín
- 1.4 Sữa chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa
- 1.5 Rau mầm sống
- 1.6 Rau hoặc trái cây chưa rửa kỹ
- 1.7 Uống quá nhiều cà phê
- 1.8 Kiêng uống rượu
- 1.9 Không uống vitamin A
- 2. Thực phẩm nên ăn trong 3 tháng đầu của thai kỳ
Tam cá nguyệt đầu tiên là 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, cơ thể của bạn sẽ trải qua rất nhiều thay đổi khi em bé đang dần bắt đầu phát triển trong bụng mẹ. Thời gian này của thai kỳ có thể khó khăn đối với các bà mẹ do ốm nghén. Bạn cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh và sinh con đủ cân. Điều này rất quan trọng đối với sức khỏe của bà mẹ và cả thai nhi.
1. 3 tháng đầu thai kỳ, phụ nữ mang thai nên kiêng gì?
Tam cá nguyệt đầu tiên là thời điểm quan trọng đối với sự phát triển của bé. Một số loại thực phẩm có thể gây hại cho bạn và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Bạn nên tránh những thực phẩm sau trong tam cá nguyệt đầu tiên của mình:
1.1 Hải sản chứa thủy ngân
Ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao có thể gây ngộ độc thủy ngân. Nếu bạn ăn cá có chứa thủy ngân trong khi mang thai, nó có thể ảnh hưởng tới con bạn. Thủy ngân là một kim loại có thể làm chậm sự phát triển của trẻ, gây tổn thương não và ảnh hưởng đến thính giác và thị giác của trẻ.
Nên tránh ăn các loại cá như: cá kiếm, cá ngừ mắt to, cá thu vua,…
Mẹ bầu 3 tháng đầu nên kiêng các loại cá biển chứa nhiều thủy ngân.
1.2 Thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín
Thực phẩm tươi sống có thể chứa vi khuẩn có hại gây nhiễm trùng và ngộ độc thực phẩm. Trong 3 tháng đầu, bà mẹ ăn hải sản và thịt chưa nấu chín có thể làm tăng nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn gây ngộ độc như toxoplasmosis, Salmonella hoặc listeria,… ảnh hưởng tới cả em bé mới hình thành. Hãy chắc rằng bạn nấu tất cả các món ăn chín hẳn. Điều này sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ngộ độc.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, bạn cần hạn chế ăn những loại thực phẩm chế biến không dùng nhiệt như lên men chua, hun khói vì chúng có thể chứa những độc tố tiềm ẩn. Tránh ăn những thực phẩm này:
- Hải sản hun khói
- Hải sản đông lạnh
- Thịt nguội tươi
- Nem chua, thịt ủ chua
- Động vật có vỏ chưa nấu chín
- Sushi
Bà bầu không nên ăn thực phẩm sống như sushi.
1.3 Trứng sống hoặc chưa nấu chín
Trứng sống hoặc lòng đào có thể chứa vi khuẩn Salmonella nên bà mẹ mang thai cần tránh ăn thực phẩm có chứa trứng sống hoặc chưa nấu chín. Do trong quá trình mang thai hệ miễn dịch của phụ nữ thường bị suy giảm, nên nếu ăn trứng sống dễ bị nhiễm khuẩn hơn so với các nhóm đối tượng khác. Loại vi khuẩn phổ biến là Salmonella có thể ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi gây sinh non, khiến mẹ bầu mất nước do tiêu chảy hoặc ói mửa.
1.4 Sữa chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa
Trước khi sử dụng, sữa thường được tiệt trùng để diệt vi trùng và cải thiện thời hạn sử dụng. Sữa chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa như phô mai có thể chứa vi khuẩn như listeria gây ngộ độc thực phẩm. Điều này có thể ảnh hưởng đến bạn và thai nhi, thậm chí có thể dẫn đến sẩy thai hoặc thai chết lưu.
Kiểm tra nhãn để đảm bảo rằng sản phẩm bạn mua đã được thanh trùng. Bạn nên tránh ăn các loại phô mai mềm chưa được khử trùng.
1.5 Rau mầm sống
Rau mầm có thể chứa vi khuẩn bên trong, rất khó rửa sạch. Bà bầu nên tránh ăn rau mầm sống để tránh nhiễm trùng. Trước khi bạn ăn bánh mì kẹp thịt nguội hoặc thực phẩm chế biến sẵn khác, hãy kiểm tra xem chúng có chứa rau mầm sống hay không. Hãy đảm bảo rằng bạn đã rửa và nấu kỹ rau mầm để tiêu diệt mọi vi trùng gây bệnh.
Không nên ăn rau mầm sống có thể chứa vi khuẩn gây hại.
1.6 Rau hoặc trái cây chưa rửa kỹ
Rau và trái cây là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của bạn. Trước khi ăn, hãy đảm bảo rằng chúng được rửa sạch sẽ. Rau và trái cây chưa rửa sạch có thể chứa bụi bẩn và vi khuẩn gây bệnh như toxoplasma gây hại cho bạn và thai nhi. Tuyệt đối không nên ăn salad đóng gói sẵn, salad tự chọn hoặc ở các quán salad vì chúng có thể bị nhiễm vi khuẩn listeria.
1.7 Uống quá nhiều cà phê
Mặc dù lượng caffeine vừa phải được cho phép trong thời kỳ mang thai, nhưng lượng caffeine cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng caffeine dư thừa có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai trong tam cá nguyệt đầu tiên. Tốt nhất là nên kiêng hẳn cà phê trong thời kỳ đầu mang thai. Nếu không thể kiêng được hoàn toàn, bạn chỉ nên tiêu thụ lượng caffeine ít hơn 200 miligam, tương đương với một tách cà phê mỗi ngày. Đồng thời, nên kiểm tra nhãn của sô-đa, nước tăng lực, thức uống đóng chai vì chúng cũng có thể chứa caffeine để tránh tiêu thụ quá nhiều.
1.8 Kiêng uống rượu
Phụ nữ mang thai và cho con bú nên kiêng uống rượu trong suốt thời gian thai kỳ và cho bé bú. Tiêu thụ cồn có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của em bé và dẫn đến hội chứng nghiện rượu ở thai nhi. Vì vậy mẹ bầu cần kiêng tuyệt đối rượu trong suốt thai kỳ. Khi cho con bú, bà mẹ uống rượu cũng có thể truyền cho con qua sữa và làm ảnh hưởng tới lượng sữa mẹ.
1.9 Không uống vitamin A
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, bà mẹ tuyệt đối không bổ sung vitamin A và tránh tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin A. Hàm lượng vitamin A cao có thể gây độc cho em bé và gây dị tật bẩm sinh do gan của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ và không thể xử lý nhiều vitamin A.
2. Thực phẩm nên ăn trong 3 tháng đầu của thai kỳ
Trong thời gian mang thai, bạn nên ăn các bữa ăn cân bằng, lành mạnh, giàu carbohydrate, protein, vitamin, khoáng chất, chất xơ và uống đủ nước. Thường xuyên ăn những thực phẩm sau để đảm bảo cho bạn và con bạn vẫn khỏe mạnh trong suốt thai kỳ:
- Các loại rau như rau bina và bông cải xanh giàu axit folic và sắt;
- Trái cây nhiều màu sắc như bơ, chuối, táo, lê, anh đào, nho và dưa hấu, và các loại rau như đậu Hà Lan, cà chua, ớt chuông, măng tây và khoai lang;
- Trái cây họ cam quýt như bưởi, cam và chanh ngọt, rất giàu axit folic;
- Thịt nạc nấu chín và trứng chín;
- Thực phẩm có hàm lượng thủy ngân thấp như tôm, tôm hùm, cá hồi, cá da trơn và cá nước ngọt;
- Các sản phẩm sữa đã tiệt trùng như sữa chua và sữa ít béo;
- Các loại ngũ cốc như lúa mì, yến mạch, lúa mạch, ngô, kê và gạo;
- Đậu lăng và các loại hạt, miễn là bạn không bị dị ứng với chúng;
- Nhiều nước và các chất lỏng khác để hydrat hóa;
Nếu bạn muốn sử dụng vitamin và các chất bổ sung, bạn cần được bác sĩ theo dõi thai kỳ khám và kê đơn.
Xem thêm video đang được quan tâm
Lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.