Hà Nội

9 thực phẩm hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp hậu COVID-19

29-03-2022 06:44 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Hậu COVID-19, nhiều người vẫn có những di chứng kéo dài như khó thở, hụt hơi, đau đầu, mất ngủ và đau thắt lưng, đau nhức xương khớp… Để khắc phục tình trạng đau nhức xương khớp, việc bổ sung một số thực phẩm mang lại hiệu quả đáng kể.

Tùy thể trạng mỗi người mà di chứng đau nhức xương khớp hậu COVID-19 kéo dài từ 12 tuần đến 6 tháng với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Để tăng cường sức đề kháng mỗi người nên có một chế độ dinh dưỡng đủ chất và hợp lý.

1. Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp hậu COVID-19 là do viêm nhiễm

Đau cơ, xương khớp là một trong những tình trạng phổ biến của người mắc COVID-19 và cả người đã khỏi COVID-19. Ở giai đoạn hậu COVID-19, người bệnh phải chịu những cơn đau dai dẳng. Theo các báo cáo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y khoa Nature Medicine, có khoảng 27% số người bệnh gặp triệu chứng đau cơ, xương khớp sau khi khỏi COVID-19.

Theo đó, COVID-19 kích thích giải phóng cytokine, một loại hormone gây viêm nhiễm. Cytokine dẫn đến sự hình thành của một loại axit béo không bão hòa ở các mô, có vai trò như một chất trung gian hóa học của quá trình viêm, gọi là E2, kích hoạt tất cả các thụ thể đau trong cơ thể. Khi viêm diễn ra ở cơ và khớp lưng sẽ dẫn tới đau lưng.

Đau lưng có thể là một triệu chứng nhỏ, nhưng đây cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo về vấn đề sức khỏe  lớn hơn nếu cơn đau kéo dài hơn vài ngày, dù có liên quan đến COVID-19 hay không. Nếu có bất kỳ triệu chứng khác như suy giảm chức năng bàng quang hoặc ruột, tê chân…, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt.

Thực phẩm hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Nếu có triệu chứng đau nhức xương khớp kéo dài hậu COVID-19 cần đi khám tại cơ sở y tế. Ảnh minh họa

2. Những thực phẩm tốt cho xương khớp hậu COVID-19

2.1 Dầu ô liu nguyên chất

Dầu ô liu nguyên chất có đặc tính có thể làm giảm viêm, giảm đau khớp và lưng. Oleocanthal, được tìm thấy trong dầu ô liu, có thể có tác dụng tương tự như thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc aspirin.

Khi sử dụng dầu ôliu nguyên chất, lưu ý không đun dầu ô liu đến nhiệt độ cao (khoảng 410 độ), vì điều này làm mất một số đặc tính có lợi. Ở nhiệt độ thấp hơn, có thể xào rau hoặc cũng có thể sử dụng dầu ôliu làm nước xốt salad, dùng để nhúng bánh mì, hoặc để trộn mì ống hoặc rau.

2.2 Cá béo giúp giảm đau nhức xương khớp

Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá mòi là những nguồn giàu axit béo omega-3. Trong khi các đặc tính chống viêm của chúng giúp kiểm soát các chỉ số cơ thể, chất béo không bão hòa cũng làm giảm đau khớp và cứng cơ trong cơ thể. Cá cũng là một nguồn tuyệt vời của vitamin D, một chất dinh dưỡng thiết yếu mà sự thiếu hụt có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau đầu gối và đau lưng, thậm chí gây viêm khớp.

Đối với những người không thích ăn cá thường xuyên, vẫn có thể hưởng lợi từ chất dinh dưỡng omega-3 bằng cách tiêu thụ các chất bổ sung làm từ dầu cá.

Thực phẩm hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp hậu COVID-19 - Ảnh 3.

Cá hồi là thực phẩm giúp cho xương chắc khỏe.

2.3 Cá mòi đóng hộp

Cá mòi đóng hộp có chứa xương nhỏ, có thể ăn được giúp tăng cường canxi, cùng với vitamin D để tăng cường hấp thu. Một khẩu phần cá mòi 57g có khoảng 20% giá trị canxi hàng ngày và 26% giá trị vitamin D hàng ngày cần cung cấp cho cơ thể.

Ngoài tác dụng hiệp đồng của canxi và vitamin D cho sức khỏe xương tối ưu, chất béo lành mạnh trong cá mòi cũng có lợi cho xương. Một nghiên cứu về phụ nữ trẻ Nhật Bản (từ 19-25 tuổi) được công bố trên tạp chí Osteosystem Internationnal cho thấy rằng lượng axit béo omega-3 (được tìm thấy trong các loại cá béo như cá mòi) có liên quan tích cực đến mật độ khối lượng xương cao nhất.

2.4 Rau lá xanh

Các loại rau xanh như cải ngọt, rau arugula, rau bina, cải thìa, cải xoong đều giàu chất dinh dưỡng và chứa các vitamin và khoáng chất cụ thể quan trọng cho sức khỏe của xương. Vì sự hình thành xương chủ yếu dựa vào sự cân bằng đầy đủ của một số chất dinh dưỡng quan trọng, bao gồm magiê và vitamin K, đều có trong các loại rau lá xanh.

Trên thực tế, một nghiên cứu trên Tạp chí Dịch tễ học châu Âu cho thấy magiê có thể giúp ngăn ngừa gãy xương. Có thể chế biến rau lá xanh làm món salad, món xào hoặc nước ép, sinh tố sẽ góp phần giúp xương chắc khỏe.

2.5 Ngũ cốc nguyên hạt

Thực phẩm hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp hậu COVID-19 - Ảnh 4.

Ngũ cốc nguyên hạt giàu magiê giúp cái thiện mật độ xương.

Ngũ cốc nguyên hạt là một nguồn quan trọng cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe tối ưu như chất xơ, magiê, thiamine, phốt pho, protein, niacin, mangan và selen. Nhưng khi nói đến sức khỏe của xương, một trong những chất dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng là magiê. Và ngũ cốc nguyên hạt là nguồn thực phẩm giàu magiê nhất.

Khoảng 60% magiê trong cơ thể được giữ trong xương và đã được chứng minh rằng lượng magiê tăng lên sẽ cải thiện mật độ xương.

2.6 Hạt bí ngô

Là một nguồn cung cấp chất béo lành mạnh, sắt, magiê và kẽm, hạt bí ngô là thực phẩm cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt. Nhờ hàm lượng kẽm dồi dào, hạt bí ngô là lựa chọn thông minh giúp cho xương của bạn luôn chắc và khỏe.

Kẽm rất cần thiết cho việc chữa lành xương, và mức độ thấp trong cơ thể có liên quan chặt chẽ đến chứng loãng xương. Thưởng thức một ít hạt bí ngô như một bữa ăn nhẹ hoặc thêm chúng vào món salad, súp hoặc thịt hầm để có một số dinh dưỡng tốt cho xương.

2.7 Sữa và chế phẩm từ sữa

Sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua… rất giàu canxi và vitamin D. Đây là một trong các thực phẩm có khả năng phòng ngừa dấu hiệu của lão hóa xương. Sữa chứa hàm lượng canxi cao nên góp phần thúc đẩy quá trình cấu tạo xương, giúp xương trở nên chắc khỏe hơn.

Uống sữa đều đặn giúp sinh ra chất nhờn ở khớp xương, cải thiện những triệu chứng đau do viêm khớp. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng những người đang cần quản lý cân nặng thì hãy chọn sản phẩm sữa ít đường và ít béo.

Thực phẩm hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp hậu COVID-19 - Ảnh 6.

2.8 Trà xanh

Trà xanh hoặc trà thảo mộc thường được khuyên dùng cho những người bị đau lưng hoặc đầu gối mạn tính như một phương pháp điều trị không xâm lấn. Trà xanh rất giàu flavonoid, có tác dụng giảm viêm ở những vùng bị ảnh hưởng.

Trà xanh cũng giúp cải thiện phản ứng miễn dịch của cơ thể, do đó làm giảm nguy cơ vỡ mô hoặc sụn. Trà xanh có đặc tính chống viêm nên có thể uống một hoặc hai tách trà xanh hàng ngày.

2.9 Các loại gia vị

Gừng, tỏi và nghệ là những loại gia vị phổ biến vì các đặc tính chữa bệnh của chúng. Tuy nhiên, rất ít người nhận biết được đặc điểm thực chất của chúng là chữa đau đầu gối và lưng.

Củ nghệ có chứa hợp chất curcumin, là một thực phẩm hiệu quả cho bất kỳ cơn đau liên quan đến khớp. Gừng và tỏi cũng có đặc tính chống viêm, thậm chí có thể hỗ trợ điều trị khỏi bệnh viêm khớp hoặc đau khớp nghiêm trọng.

Khi bị đau cơ, xương khớp, nên hạn chế các loại thực phẩm giàu đường (bánh ngọt, đồ ngọt...) vì chúng có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng ở các vùng bị tổn thương. Ngoài ra, tránh tiêu thụ đồ uống có chứa caffein và rượu vì chúng làm giảm sự hấp thụ vitamin D, làm trầm trọng thêm cơn đau và cản trở quá trình chữa bệnh.
9 thực phẩm có tác dụng chống viêm như những "kháng sinh tự nhiên"9 thực phẩm có tác dụng chống viêm như những 'kháng sinh tự nhiên'

SKĐS - Nhiều thực phẩm có tác dụng như những thuốc kháng sinh tự nhiên giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, hạn chế viêm nhiễm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hướng dẫn cách tập thở và vận động tại nhà nhằm nâng cao miễn dịch phòng ngừa COVID-19.


Nam Khánh
Ý kiến của bạn