Hà Nội

9 sự thật về ác mộng

01-08-2015 10:13 | Y học 360
google news

Ăn vặt buổi đêm có thể dẫn đến ác mộng và dù phiền phức, những giấc mơ xấu cũng có thể đem lại lợi ích cho cả thể chất lẫn tinh thần.

lully-gadget-saves-nightmares-1113-3232-

Ảnh: raqwe.com.

Ác mộng khá phổ biến

Trẻ em hay gặp ác mộng nhất. Ở người lớn, khoảng 50-70% đôi lúc gặp ác mộng, chủ yếu là phụ nữ; và 2-8% thường xuyên mơ thấy ác mộng.

Sợ hãi không phải nguyên nhân duy nhất gây ra ác mộng

Nỗi băn khoăn, cảm giác tội lỗi, sự buồn bã… là lý do phổ biến dẫn đến ác mộng và giấc mơ có nguồn gốc từ những cảm xúc tiêu cực này thường kéo dài.

Ăn vặt buổi đêm có thể gây ra ác mộng

Ăn trước khi ngủ sẽ thúc đẩy trao đổi chất và khiến não hoạt động nhiều hơn, làm tăng sự xuất hiện của ác mộng. Truyện và phim kinh dị cũng có khả năng gây ra ác mộng.

Ác mộng cũng có thể do hóa chất

Thuốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến ác mộng xảy ra thường xuyên, từ thuốc chống trầm cảm đến thuốc hạ đường huyết. Đột ngột dừng uống thuốc cũng không giúp gì nhiều vì hội chứng cai cũng sẽ dẫn đến ác mộng.

Não thực ra vẫn đang thức

Thông thường khi mơ thấy ác mộng, bạn đang ở cuối chu kỳ ngủ. Đây là thời điểm não hoạt động mạnh, đặc biệt là vùng amygdala xử lý các yếu tố cảm xúc. Ngoài ra, mắt cử động nhanh và hoạt động vận động bị ức chế. Điều này lý giải tại sao trong mơ, dù sự sợ hãi và cảm nhận của các giác quan là rất thật nhưng bạn lại không thể hét được.

Ác mộng có lợi về mặt thể chất

Ở cuối chu kỳ ngủ, máu ít lên não hơn mà đổ về cơ và các bộ phận khác, giúp chúng phục hồi. Các hormone tăng trưởng và stress, hệ miễn dịch, tim và huyết áp đều được hưởng lợi. Bởi vậy, dù nghe như một điều không hay nhưng tiếp tục ngủ trong khi mơ ác mộng sẽ giúp cơ thể bạn khỏe hơn.

Ác mộng cũng có thể có lợi về mặt tinh thần

Ác mộng thường phản chiếu stress và những cảm xúc tiêu cực bạn cảm thấy khi còn thức. Nếu tỉnh dậy và nhớ được mình đã mơ thấy gì, bạn sẽ cụ thể hóa được các bức xúc đang gặp và giúp não đẩy chúng lùi về quá khứ. Bạn sẽ cảm thấy ác mộng chỉ như một kỷ niệm đã xa, không còn ảnh hưởng đến thực tại. Điều này sẽ giúp giải phóng tinh thần của bạn.

Có thể chấm dứt ác mộng

Bên cạnh việc hạn chế những thói quen có thể dẫn đến ác mộng như ăn vặt buổi đêm, bạn cũng có thể dừng cơn mơ xấu khi chúng vừa bắt đầu. Nhiều nhà khoa học tin vào khái niệm “giấc mơ sáng suốt”, nghĩa là giấc mơ mà người mơ biết mình đang mơ. Khi đó, bạn sẽ nhận thức được mọi chuyện đang xảy ra không có thật, và bạn sẽ chủ động tạo ra cái kết tốt đẹp khiến ác mộng không còn đáng sợ nữa.

Ghi lại ác mộng để không bị ám ảnh

Đây gọi là phương pháp tưởng tượng diễn tập. Trong trường hợp không nhớ rõ nội dung ác mộng, stress từ giấc mơ có thể kéo dài. Bởi vậy, trước tiên, hãy viết lại những gì bạn nhớ về cơn ác mộng. Sau đó, tưởng tượng ra cách giải quyết. Viết lại kịch bản của giấc mơ theo hướng bạn muốn sẽ khiến bạn thoải mái hơn.

 

 


Ý kiến của bạn