9 sự thật thú vị về hắt hơi không phải ai cũng biết
Hắt hơi là một phản ứng cơ thể mà hầu hết mọi người từng trải qua. Cơ chế kích thích hắt hơi xảy ra khi xuất hiện tác nhân gây kích ứng mũi. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy hắt hơi không chỉ đơn thuần loại bỏ các tác nhân gây kích ứng mũi, mà đằng sau còn ẩn chứa nhiều sự thật đáng ngạc nhiên.
Hắt hơi là một hoạt động cơ bắp
Để thực hiện một lần hắt hơi, cơ thể sẽ gửi thông điệp cùng lúc đến nhiều nhóm cơ, bao gồm cơ ngực, cơ của dây thanh âm, cơ ở cổ họng hoặc cơ bụng. Khi các cơ này đồng thời hoạt động, phản ứng hắt hơi xảy ra.
Nhắm mắt khi hắt hơi
Sẽ thật khó để một người vừa hắt hơi lại vừa mở mắt. Khi cơn hắt hơi chuẩn bị tới, não bộ gửi thông điệp đến cơ thể để thực hiện phản ứng nhắm mắt, liền đó tiếng hắt hơi diễn ra. Nếu không muốn điều này, người hắt hơi phải chống lại được phản xạ của cơ thể.
Hắt hơi nhiều lần
Một số người không thể dừng cơn hắt hơi chỉ với một lần. Nghĩa là, họ phải hắt hơi liên tục từ hai lần trở lên. Lý do bởi lần hắt hơi đầu tiên không đủ mạnh để loại bỏ các tác nhân gây ngứa mũi, dẫn tới mũi phải cố gắng loại bỏ tác nhân thông qua việc hắt hơi nhiều lần.
Phổi càng lớn, hắt hơi càng to
Một số người có tiếng hắt hơi lớn hơn so với thông thường. Đó là do phổi của họ có dung tích lớn, hít được nhiều không khí hơn. Khi phổi hít càng nhiều không khí, tiếng hắt hơi sẽ càng to.
Đừng cố kiềm chế cơn hắt hơi
Nhiều người vì xấu hổ trước đám đông mà cố gắng kiềm chế cơn hắt hơi. Điều này thực sự không nên vì có thể rất nguy hiểm. Hắt hơi có xu hướng mạnh. Nếu ngậm hoặc nuốt cơn hắt hơi vào bên trong, áp lực sẽ tích tụ ở đường mũi và có thể làm hỏng các mạch máu tại mắt hoặc mũi.
Biểu hiện bệnh từ cơn hắt hơi
Một nghiên cứu thực hiện trong hơn 2 tuần với sự tham gia của hơn 80 sinh viên y khoa và nhân viên bệnh viện, cho thấy, trung bình một người hắt hơi và xì mũi 4 lần một ngày. Nghiên cứu kết luận rằng hắt hơi nhiều hơn con số trên tiềm ẩn sự hiện diện của viêm mũi hoặc một chứng bệnh viêm nhiễm nào đó.
Hắt hơi với tốc độ 161 km/giờ
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Bristol (Mỹ) chỉ ra rằng hắt hơi hoặc ho có thể đạt tốc độ 161 km/giờ, qua đó phát tán khoảng 100.000 vi trùng vào không khí.
Những vi trùng này bao gồm adenovirus, gây ra cảm lạnh thông thường hoặc bệnh cúm. Đó là lý do vì sao nên hắt hơi hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy rồi vứt đi.
Không hắt hơi khi ngủ
Hắt hơi không bao giờ xảy ra khi ngủ. Đây là thời điểm các dây thần kinh kích thích trung tâm hắt hơi đang nghỉ ngơi. Vì vậy, phản ứng hắt hơi không thể đến, ngay cả khi có vật gì gây kích ứng mũi.
Bán kính hắt hơi rộng 1,5 mét
Các nghiên cứu cho thấy bán kính các giọt bắn trong tiếng hắt hơi tỏa ra rộng tới hơn 1,5 mét. Vì vậy, dù không tiếp xúc trực tiếp, người hắt hơi nếu đang có bệnh truyền nhiễm vẫn có thể lây cho cộng đồng xung quanh. Đây cũng là lý do tại sao các hướng dẫn y tế về phòng tránh Covid-19 khuyến cáo khoảng cách an toàn giữa hai người là 2 mét.