9 sự kiện nổi cộm làng văn hóa Việt Nam 2013

31-12-2013 09:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đàm Vĩnh Hưng “nói sốc” NS Nguyễn Ánh 9 - là một trong 9 sự kiện - theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, nổi cộm nhất lĩnh vực văn hóa - giải trí được báo chí cũng như dư luận xã hội quan tâm trong năm 2013.

Sau đây là 9 sự kiện nổi cộm làng văn hóa Việt Nam năm 2013.

9 sự kiện nổi cộm làng văn hóa Việt Nam 2013

1. Cuộc tái xác nhận giá trị của dòng nhạc bolero trong xã hội Việt Nam, thông qua một số ý kiến cho rằng bolero không còn hợp thời, thậm chí bị coi là không có giá trị thẩm mỹ âm nhạc. Tuy nhiên, sau đó dư luận lên tiếng và bolero được tái khẳng định rằng đó là một trong những dòng nhạc không thể thay thế trong đời sống âm nhạc của người Việt, đặc biệt là của người Nam bộ.

2. Việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sử dụng ngôn ngữ thái quá với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã bị dư luận chỉ trích, đồng thời cho thấy sự bất cập trong tư duy của một xã hội văn nghệ bị thiếu tính kế thừa cũng như giá trị tôn ti. Tuy nhiên, điều đáng mừng là cuối cùng cái đúng vẫn được số đông ủng hộ, bất chấp các giá trị trên sàn diễn thương mại.

 Sự việc Đàm Vĩnh Hưng nói những lời nặng nề với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ.

3. Siu Black và sự kiện vỡ nợ, mở ra bức “màn nhung” của hậu trường sân khấu. Lần đầu tiên, khán giả được biết thêm về đời sống thật của giới showbiz không hoàn toàn xa hoa và lộng lẫy như đã thấy trên báo đài.

4. Diện mạo của người Việt bị biến dạng và trở nên “xuống cấp” với hình ảnh tranh giành cái ăn, hôi của… Một dân tộc lâu đời vẫn luôn được ca ngợi bởi đức tính hiếu hòa và chia sẻ trong sách giáo khoa đột ngột “biến đổi” thành một gương mặt, khác méo mó và xấu xí trong một nền văn hóa phát triển đầy những điều bất cập.

5. Sau scandal sắp xếp giải trong Giọng hát Việt, những chương trình truyền hình thực tế ngày càng lộ ra sự kém cỏi và tệ hại trong việc lừa dối khán giả. Năm nay, điều này càng được khẳng định qua chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly của VTV, gây sững sờ cho khán giả bởi thiếu tính nhân bản, thiếu sự thật. Khán giả lẫn người tham gia chương trình trở thành nạn nhân của Ban tổ chức. Sự kiện này bị phát giác khiến những điều cảm động từ các chương trình truyền hình thực tế trở nên trơ trẽn.

Nhà báo Thu Uyên đã lên tiếng xin lỗi vì sự "lừa dối" trước khán giả chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly.

6. Cũng tương tự, sự kiện nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cũng như nhiều nhà ngoại cảm khác đồng loạt bị giới truyền thông chỉ trích là lừa gạt cũng như không có khả năng thật, một lần nữa khiến niềm tin của khán giả dành cho truyền thông nói chung bị chao đảo, vì chính báo chí và truyền thông đã từng ca ngợi những nhà ngoại cảm này không tiếc lời.

7. Thư kêu cứu của 107 nhà báo và nhân viên của báo Sài Gòn Tiếp Thị, được coi là một hiện tượng “bất thường” của nghề báo chí. Thư kêu cứu này được coi là độc nhất vô nhị từ trước đến nay, với nội dung xin được làm nghề, thậm chí những người cùng ký đơn chấp nhận những giai đoạn làm việc không lương để giữ nghề, giữ tờ báo của mình.

8. Tình trạng bịa đặt thông tin, thậm chí bất chấp các giá trị đạo đức và làm tổn thương tinh thần cộng đồng của giới báo chí, truyền hình ngày càng nhiều. Mục đích của các loạt bịa đặt thông tin này chỉ nhằm cạnh tranh để thu lợi trong thị trường thương mãi. Chẳng hạn các vụ bịa đặt tin tức như hủ tiếu nấu thịt chuột, nữ Việt kiều quan hệ nhiều tài xế taxi, bố chồng quan hệ con dâu… Nhưng rất ít những trường hợp này bị xử nghiêm, dù Việt Nam đã có luật báo chí.

9. Lần đầu tiên sau 38 năm, một tác phẩm điện ảnh thực hiện trong nước bị cấm hoàn toàn việc công chiếu và phát hành đã tạo sự tranh luận lớn. Đó là trường hợp phim Bụi đời Chợ Lớn của đạo diễn Charlie Nguyễn. Sự kiện này không những gây xôn xao với công chúng trong nước cũng như báo chí nước ngoài.

Theo Một Thế giới


Ý kiến của bạn