Dưới đây là một số sai lầm cần tránh:
- 1. Viêm phế quản là phải dùng kháng sinh
- 2. Tự ý dùng thuốc giảm ho
- 3. Không chịu uống thuốc
- 4. Dùng đơn thuốc của người khác
- 5. Tăng liều thuốc khi thấy không hết bệnh
- 6. Ngừng dùng thuốc khi thấy giảm triệu chứng
- 7. Thay đổi đột ngột môi trường
- 8. Ở trong môi trường bị ô nhiễm
- 9. Ăn uống kiêng khem quá mức
1. Viêm phế quản là phải dùng kháng sinh
Nhiều người cho rằng, viêm phế quản thì phải dùng kháng sinh mới khỏi bệnh, nên khi thấy người nhà, hoặc bản thân mình có triệu chứng ho, sốt, đau mỏi người, đau họng, khò khè, sổ mũi… đã tự ý mua kháng sinh về uống.
Tuy nhiên, đây là một sai lầm. Trên thực tế, viêm phế quản phần lớn là do virus. Kháng sinh không có tác dụng trong điều trị các bệnh do virus. Vì thế, việc dùng kháng sinh trị viêm phế quản hầu như không có tác dụng. Với trường hợp viêm phế quản do vi khuẩn, dùng kháng sinh điều trị cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Khi lạm dụng kháng sinh, bên cạnh việc có thể gặp các tác dụng phụ của thuốc, còn làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Một tình trạng nguy hiểm khiến cho thuốc kháng sinh không còn tác dụng với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
Nên: Không tự ý dùng kháng sinh khi có các triệu chứng viêm phế quản. Tốt nhất người bệnh đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
2. Tự ý dùng thuốc giảm ho
Nhiều người khi mắc viêm phế quản bị ho nhiều, gây phiền toái đến sinh hoạt… đã dùng thuốc giảm ho với mong muốn nhanh khỏi. Tuy nhiên, đây là một trong những sai lầm nhiều người mắc phải. Sự thật thì, ho là một phản ứng tự nhiên của cơ thể. Ho giúp tống xuất đờm ra khỏi đường hô hấp, giúp cho người bệnh dễ thở hơn, giảm các triệu chứng khò khè.
Việc dùng thuốc giảm ho, làm đờm không được tống ra ngoài, bị giữ lại đường hô hấp và làm cho tình trạng khó thở, khò khè càng tăng lên.
Nên: Chỉ nên dùng các thuốc giảm ho khi tình trạng ho quá nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc ho, đặc biệt là với trẻ dưới 4 tuổi. Có thể ưu tiên các cách tự nhiên như mật ong, chanh, đường phèn... để giảm ho.
Lưu ý, không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
3. Không chịu uống thuốc
Ngược lại với tình trạng lạm dụng thuốc, thì một số người lại không chịu uống thuốc với suy nghĩ để bệnh tự khỏi.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu không uống thuốc, viêm phế quản có thể trở nên nặng hơn, bệnh kéo dài, thậm chí có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Nên: Uống thuốc điều trị bệnh nếu được bác sĩ kê đơn.
4. Dùng đơn thuốc của người khác
Do tâm lý ngại đi khám, nên khi thấy mình có triệu chứng bệnh giống người này, người kia đã xin đơn thuốc của họ để mua. Đây là điều tối kỵ, bởi có nhiều triệu chứng bệnh giống nhau nhưng không phải cùng một bệnh, ngoài ra, mỗi người có một thể trạng, tình trạng bệnh khác nhau… nên việc dùng thuốc cũng khác nhau.
Sai lầm này khiến bệnh không những không khỏi mà có thể làm bệnh trầm trọng hơn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm do điều trị sai thuốc.
Nên: Khi có các triệu chứng ho, sốt, thở khò khè… người bệnh nên đi khám tại cơ sở y tế để được bác sĩ khám, tư vấn và điều trị kịp thời, chính xác.
5. Tăng liều thuốc khi thấy không hết bệnh
Do tâm lý muốn nhanh khỏi bệnh, nên nhiều người đã tự ý tăng liều các thuốc trị viêm phế quản. Việc làm này không giúp bệnh nhanh khỏi mà còn có thể gây các tác dụng phụ, gia tăng tình trạng "nhờn" thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Nên: Tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
6. Ngừng dùng thuốc khi thấy giảm triệu chứng
Đây là một sai lầm rất phổ biến hiện nay. Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo về việc tự ý ngừng dùng thuốc, nhưng vẫn còn nhiều người đã bỏ thuốc khi mới chỉ uống được vài ngày sau khi thấy các triệu chứng viêm phế quản thuyên giảm.
Thông thường, các thuốc trị viêm phế quản được dùng khoảng 7 ngày hoặc có thể lâu hơn, tùy tình trạng bệnh. Nếu dùng thuốc không hết đơn thuốc, các triệu chứng viêm phế quản không thể hết được mà khiến bệnh quay trở lại ngay lập tức, nặng hơn, điều trị khó khăn hơn, thậm chí lâu hơn có thể làm tăng khả năng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc.
Nên: Dùng thuốc hết đơn theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ và tái khám theo yêu cầu của bác sĩ.
7. Thay đổi đột ngột môi trường
Việc bật điều hòa ở nhiệt độ thấp, ra vào phòng điều hòa liên tục trong những ngày nóng nực có thể làm cho quá trình điều trị viêm phế quản kéo dài, thậm chí, bệnh có thể nghiêm trọng hơn.
Nên: Bật điều hòa ở nhiệt độ vừa phải, khoảng 26-28 độ C.
8. Ở trong môi trường bị ô nhiễm
Môi trường ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc, nơi đông người… có thể khiến bệnh viêm phế quản lâu khỏi hơn.
Nên: Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi.
9. Ăn uống kiêng khem quá mức
Nhiều người khi bị viêm phế quản kiêng hoàn toàn thịt gà, tôm, cua… do sợ ăn vào càng thêm ho. Tuy nhiên, chế độ ăn kiêng có thể khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng và có thể làm bệnh nặng hơn, lâu khỏi hơn.
Nên: Ăn uống bình thường, tăng cường chất đạm (thịt, cá, trứng…), tăng hoa quả, rau xanh, có thể ăn đồ mềm để dễ tiêu và tránh ảnh hưởng đường hô hấp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 loại thực phẩm không tốt cho người viêm khớp