Hà Nội

9 món ăn bổ âm thanh nhiệt mùa hè

10-06-2019 06:29 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Thời tiết nóng bức, mạch máu và lỗ chân lông giãn nở, ra nhiều mồ hôi làm âm huyết, tân dịch hư suy, biểu hiện: miệng lưỡi khô, đại tiện táo, tiểu tiện ít và đỏ, hoa mắt chóng mặt, chân tay mất sức, tinh thần uể oải, tức ngực khó thở, hễ cử động là vã mồ hôi, bối rối tâm phiền, ngủ không yên giấc, choáng váng...

Nắng nóng cũng làm chức năng tiêu hóa suy giảm do thử nhiệt kèm theo thấp khí ảnh hưởng đến khí cơ, xuất hiện các chứng tiêu chảy hay táo bón, đầy bụng hoặc nôn… Sau đây là một số món ăn dưỡng âm sinh tân, kiện tỳ thẩm thấp thích hợp trong những ngày hè chói chang.

Cháo sắn dây: bột sắn dây 30g, đậu xanh 50g, gạo tẻ 50 - 80g. Gạo ngâm nước 1 đêm, đem nấu cháo cùng với bột sắn, thêm chút muối hoặc đường để ăn. Dùng giải nhiệt giải khát khi nắng nóng mùa hè, người tăng huyết áp, bệnh mạch vành, người đái tháo đường týp II, tiêu chảy mạn do tỳ hư.

Cháo củ mài tích hợp cho người tỳ vị, khí huyết hư, chán ăn, khô miệng khát nước, rối loạn tiêu hóa.

Cháo củ mài tích hợp cho người tỳ vị, khí huyết hư, chán ăn, khô miệng khát nước, rối loạn tiêu hóa.

Cháo củ mài: củ mài 30g, gạo nếp 50g. Nấu cháo thêm đường trắng hoặc muối ăn tuỳ ý, ăn phụ sáng và tối. Thích hợp cho người tỳ vị hư, khí huyết hư, chán ăn, khô miệng khát nước, rối loạn tiêu hóa.

Cháo kỷ tử: kỷ tử 30g, gạo tẻ 60 - 80g. Nấu cháo, ăn nhiều ngày. Công dụng bổ thận dưỡng huyết, dưỡng âm sáng mắt, kéo dài tuổi thọ.

Cháo lòng: dạ dày lợn nửa cái (hoặc ruột lợn 100 - 150g), gạo tẻ 60 - 80g. Dạ dày lợn rửa sạch, luộc chín, thái lát. Gạo tẻ vo sạch nấu cháo với nước luộc lòng. Cháo chín, cho dạ dày hoặc ruột lợn đã luộc vào, hầm nhỏ lửa cho nhừ, thêm gia vị. Thích hợp cho người mệt mỏi suy nhược do làm việc quá sức, sau ốm dài ngày.

Cháo hà diệp đậu xanh: lá sen (hà diệp) 1- 2 lá, đậu xanh 50g, gạo tẻ 60g. Lá sen sắc kỹ lấy nước; đậu xanh xay vỡ. Gạo và đậu nấu cháo với nước lá sen. Công dụng giải nhiệt, giải khát, phòng chống say nắng, thích hợp với người tăng huyết áp, mỡ máu cao, béo phì.

Canh trứng gà cà chua: Cà chua 250g, trứng gà 2 quả, nấu canh hoặc xào. Dùng tốt cho người suy nhược cơ thể, mất sức dài ngày, ăn uống kém.

Lươn hầm hoàng kỳ: lươn 300 - 500g, đương quy 15g, hoàng kỳ 30g. Lươn làm sạch, khía dọc theo thân; hoàng kỳ và  đương quy cho vào túi vải xô. Tất cả cho trong xoong, thêm gia vị, rượu, gừng, hành, tỏi, muối trộn ướp đều; thêm nước lượng thích hợp. Đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa khoảng 1 giờ, vớt bỏ bã thuốc, thêm chút bột ngọt. Ăn với cơm. Công dụng bổ huyết dưỡng âm. Dùng cho người mệt mỏi suy kiệt do làm việc quá ngày huyết hư, khí hư (thiếu máu, gầy sút).

Chè trứng gà hạt sen: hạt sen 30g, trứng gà 1 - 2 quả, đường 30 - 50g. Hạt sen nấu chín nhừ, khuấy với đường cho tan, đập trứng vào, khuấy vừa chín. Ăn trước khi đi ngủ. Dùng tốt cho người cơ thể và thần kinh suy nhược.

Chè mộc nhĩ vừng đen: mộc nhĩ 60g, vừng đen 50g. Mộc nhĩ một nửa để sống, còn một nửa sao chín; vừng đen sao chín. Tất cả nấu lấy nước uống. Công dụng tăng lực ích thọ.

Ngày hè, nên chú trọng dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt như dưa hấu, dưa chuột, dưa bở, dưa lê, cam, quýt, chuối tiêu, mướp đắng, mướp, bầu, bí đao, củ cải, súp lơ, rau đay, mùng tơi, rau dền, củ đậu, mã thầy, ngó sen, cà chua, đậu xanh, đậu đen, bạch biển đậu, xích tiểu đậu, cháo ý dĩ, cháo đậu xanh, cháo lá sen, trà nhân trần, trà hoa cúc, trà nụ hoặc lá vối, trà actiso, trà khổ qua...; thịt vịt, cua, ốc, hến, trai, sò, ngao, hàu... Tránh hoặc hạn chế dùng các thực phẩm có tính nhiệt như thịt dê, thịt chó, thịt chim sẻ; long nhãn, vải, hẹ, hành tây; hạt tiêu, quế, gừng, hồi, rượu trắng...


Lương y Thảo Nguyên
Ý kiến của bạn