Hà Nội

9 món ăn bài thuốc tăng cường sức khỏe khi tiết trời nồm ẩm

SKĐS - Theo y học cổ truyền, nồm ẩm là yếu tố ngoại thấp xâm nhập vào cơ thể, có thể gây cản trở vận hành khí huyết, tắc trở ở cân cơ, xương cốt… Việc sử dụng những món ăn bài thuốc ấm nóng, dễ tiêu, thanh lợi sẽ giúp phòng ngừa các bệnh do nồm ẩm gây ra.

1. Nồm ẩm ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao?

Theo lý luận y học cổ truyền, mùa đông miền Bắc nước ta là sự lưu chuyển của phong, hàn, thấp (chiếm ưu thế hơn cả trong lục khí: Phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa). Trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, ngoại tà rất dễ xâm nhập vào cơ thể, gây ra các chứng bệnh. Cụ thể:

- Về cơ xương khớp: Thấp tà gây ra chứng nặng nề ở cơ xương khớp, chân tay, mình mẩy nặng nề, cảm mạo kèm thêm cảm giác mỏi nhừ toàn thân. Thấp tà là âm tà gây tổn thương dương khí, gây trở ngại cho khí huyết vận hành.

- Về tiêu hóa: Thấp tà ảnh hưởng tỳ vị, ảnh hưởng chức năng vận hóa đồ ăn thức uống (thủy thấp), gây ra các chứng bệnh về tiêu hóa như nhạt miệng, ăn kém, đầy bụng, tiêu chảy, mót rặn… Miệng dính nhớt, tiểu tiện khó.

- Về hô hấp: Hàn thấp gây nê trệ, dễ cảm mạo, chảy nước mũi dính, đục màu, kèm ho, hắt hơi, sổ mũi.

- Về mạch máu thần kinh: Hay gặp chứng đau đầu, mệt mỏi, uể oải... Bệnh kéo dài khó chữa, hay tái phát trong thời tiết nồm ẩm.

9 món ăn bài thuốc tăng cường sức khỏe khi tiết trời nồm ẩm- Ảnh 1.

Cháo hành giải cảm hiệu quả.

2. Món ăn bài thuốc tăng cường sức khỏe khi tiết trời nồm ẩm

Để phòng ngừa các bệnh do phong hàn thấp trong thời tiết nồm ẩm gây ra, bạn cần ăn uống các món ăn dễ tiêu, ấm nóng như các món cháo, súp, các món ăn hấp, luộc…

- Cháo hành: Hành hay còn có tên gọi khác là thông bạch, hành hoa. Hành có vị cay, tính bình, mùi thơm đặc trưng, quy kinh phế, vị. Hành có tác dụng giải biểu, khu phong tán hàn.

Cách làm: Nấu cháo loãng, hạt gạo nở đều, sau đó múc ra bát vừa ăn. Cho thêm hành đã thái nhỏ khoảng 5g rồi ăn ngay khi còn nóng ấm.

Cháo hành giải cảm hiệu quả, dùng trong trường hợp cảm mạo có đau đầu, người gai rét, sổ mũi có nước mũi trong loãng… Ngoài ra, có thể thêm hành vào các món ăn như xào, nấu canh nóng… giúp trừ lạnh hiệu quả.

- Nước gừng: Gừng (hay còn gọi là sinh khương), thuộc nhóm tân ôn giải biểu, khu phong trừ hàn. Gừng vị cay, tính ấm, mùi thơm đặc trưng, quy kinh phế, vị, tỳ. Có thể pha nước gừng để uống khi cảm mạo phong hàn, sốt nhẹ, sợ gió, buồn nôn, chán ăn, đau mỏi thân mình.

Cách làm: Cho khoảng 15g gừng cắt lát, đun với nước đường (hoặc 3 quả táo đỏ cắt lát). Đun với lửa to, đun sôi khoảng 2 - 3 phút thì tắt bếp, đổ ra cốc và dùng ngay khi ấm nóng.

9 món ăn bài thuốc tăng cường sức khỏe khi tiết trời nồm ẩm- Ảnh 2.

Nước gừng được dùng khi bị cảm mạo.

- Đại táo hãm nước gừng hồ tiêu: Bột tiêu 5g, gừng tươi 30g, đại táo 20g. Sắc hãm thành nước uống hoặc dạng chè táo để ăn. Sử dụng đại táo hãm nước gừng hồ tiêu thích hợp cho người loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng do tỳ vị hư hàn.

- Gừng xào thịt bò: Thái lát thịt bò, xào chín. Sau đó băm nhỏ gừng cho vào xào cùng. Nên để gừng cả vỏ, đảo đều rồi tắt bếp.

Thịt bò có tác dụng dưỡng âm, bổ huyết. Gừng có tác dụng khu phong tán hàn, tân ôn giải biểu. Do đó, món ăn thịt bò xào gừng vừa có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng, vừa có tác dụng đuổi phong hàn tà, điều trị bệnh cảm mạo, phong hàn thấp do nồm ẩm.

9 món ăn bài thuốc tăng cường sức khỏe khi tiết trời nồm ẩm- Ảnh 3.

Trứng rán ngải cứu bồi bổ cơ thể khi tiết trời nồm ẩm.

- Trứng rán ngải cứu: Ngải cứu cũng là vị thuốc quý trong y học cổ truyền, thuộc nhóm trừ hàn, vị đắng, hơi cay. Ngải cứu có tác dụng ôn kinh tán hàn, chỉ thống chỉ huyết, an thai. Ngải cứu có thể chế biến cùng trứng để bồi bổ cơ thể, điều trị bệnh.

Cách làm: Dùng 3 quả trứng, 50g lá ngải cứu băm nhỏ, trộn đều. Thêm gia vị cho vừa miệng rồi rán trên chảo nóng. Đến khi trứng chín vàng đều thì có thể sử dụng. Có thể ăn trứng rán ngải cứu 3 lần/tuần.

- Gà hầm lá ngải cứu: Gà ác đen hầm cùng thuốc bắc, thêm 50g lá ngải cứu vào. Hầm lửa nhỏ trong 30 phút cho chín mềm rồi sử dụng.

Món ăn gà hầm lá ngải giúp nâng cao sức khỏe, chuyên dùng cho người cảm mạo, chân tay lạnh, đau bụng, đại tiện lỏng nát… Ngoài ra, ngải cứu là một trong số ít các vị thuốc có tính ấm có thể an thai, dưỡng thai. Vì vậy, trong thời tiết nồm ẩm, các bà bầu có thể sử dụng ngải cứu để giữ ấm cơ thể.

- Cháo gạo lứt ý dĩ nhân: Gạo lứt 100g, ý dĩ nhân 100g. Vo sạch gạo, ngâm với nước 2 giờ. Ý dĩ rửa sạch, để ráo. Hai thứ cho vào nồi cùng một lượng nước vừa đủ, đun sôi, hạ lửa nhỏ cho đến khi gạo và ý dĩ nở chín nhừ là được.

Cháo gạo lứt ý dĩ giúp khu phong, tán hàn, trừ thấp, kiện tỳ và thông kinh lạc. Món ăn bài thuốc tốt cho người đau nhức xương khớp khi trời lạnh ẩm, viêm đa khớp dạng thấp.

9 món ăn bài thuốc tăng cường sức khỏe khi tiết trời nồm ẩm- Ảnh 4.

Canh xương lợn khoai sọ khu phong, trừ thấp, giảm đau.

- Cháo đậu đỏ gạo lứt: Đậu đỏ 50g, gạo lứt 100g, tỏi sống 20g. Gạo lứt, đậu đỏ vo sạch, ngâm nước cho mềm rồi đem nấu thành cháo. Khi cháo chín nhừ thì thêm tỏi đã đập giập vào, nấu sôi là được. Dùng khi còn ấm nóng.

Món ăn có tác dụng tốt cho người đau xương khớp vì giúp khu phong, tán hàn, trừ thấp, giảm đau.

- Canh xương lợn khoai sọ: Theo y học cổ truyền, khoai sọ có vị ngọt hơi cay, tính bình, có tác dụng ích khí bổ thận, điều hòa nội tạng, bổ hư tổn, trừ đàm tiêu thũng. Củ khoai sọ thường được sử dụng để chữa suy nhược cơ thể, hư lao yếu sức, kém ăn, mất ngủ…

Cách làm: Khoai sọ 60g, chân giò hoặc xương sống lợn 100g, gia vị vừa đủ. Khoai sọ gọt vỏ rửa sạch, xương lợn chặt thành đoạn ngắn, thêm muối, nước, gia vị. Đun nhỏ lửa trong 2 giờ để ninh nhừ cho đến khi chín mềm. Ăn canh ngày 2 lần giúp khu phong, trừ thấp, giảm đau. Món ăn phù hợp cho các trường hợp nổi ban dị ứng, đau nhức tay chân.

3. Những lưu ý chăm sóc sức khỏe mùa nồm ẩm

- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống, đảm bảo khô ráo, tránh độ ẩm cao. Tăng cường giữ ấm cho cơ thể, tránh tiếp xúc nền nhà ẩm ướt, lạnh.

- Sử dụng máy hút ẩm kết hợp máy lọc không khí để đảm bảo không khí trong lành, độ ẩm phù hợp. Hạn chế đi đến nơi đông người, đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên, giữ ấm mũi họng - cổ để tránh cảm cúm, cảm lạnh, ho, sổ mũi…

- Ăn uống đầy đủ chất: Bổ sung vitamin C, đồ ăn nấu chín, tránh thực phẩm gỏi, tái sống, thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay. Không uống rượu bia, thuốc lá. Hạn chế ăn mặn, ăn nhiều đường. Uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tinh thần thoải mái và thư giãn. Thường xuyên tập thể dục, thể thao nâng cao sức đề kháng.

- Khi cơ xương khớp đau nhức có thể chườm ấm, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, massage và vận động nhẹ nhàng. Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc giảm đau, nên đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát các vấn đề sức khỏe.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Khi nồm ẩm dễ mắc những bệnh nào về da? Cách phòng ngừa | SKĐS

BSNT Hương Trà
Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn