9 món ăn, bài thuốc cải thiện sức khỏe cho người bị hội chứng mệt mỏi mạn tính

SKĐS - Theo quan niệm của Đông y, trạng thái mệt mỏi mạn tính chủ yếu do khí huyết suy yếu, âm dương mất cân bằng, hoặc can uất khí trệ gây nên.

1. Hội chứng mệt mỏi mạn tính là gì?

Hội chứng mệt mỏi mạn tính khởi phát đột ngột ở những người trước đây vốn nhiều năng động. Một số trường hợp, người bệnh có một vài sự căng thẳng cấp tính. Mệt mỏi dai dẳng hoặc tái phát hoặc dễ bị mệt mỏi không thể chịu đựng được, không đỡ sau khi nghỉ ngơi.

Những triệu chứng khác như đau đầu, đau họng, sưng hạch, đau cơ và đau khớp; có thể sốt nhẹ. Sau vài tuần, những dấu hiệu này giảm dần đi thì những triệu chứng khác đặc trưng của hội chứng mệt mỏi mạn tính trở nên rõ rệt hơn như rối loạn giấc ngủ, giảm sự tập trung, căng thẳng, không đủ khả năng thực hiện công việc trước đây, thậm chí yêu cầu được giúp đỡ trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Mệt mỏi mạn tính tác động đến hệ thần kinh và nội tiết của cơ thể làm ảnh hưởng đến sinh lực và khí sắc của người bệnh. Cảm giác bị kiệt sức tăng lên nếu quá cố gắng hoạt động, căng thẳng...

2. Một số món ăn- bài thuốc hỗ trợ trị mệt mỏi mạn tính

Đông y chia hội chứng mệt mỏi mạn tính thành 3 thể:

2.1 Thể khí huyết hư suy trong hội chứng mệt mỏi mạn tính:

- Biểu hiện: Người mệt mỏi, đuối sức, hơi thở yếu, ngại nói, vận động một chút là vã mồ hôi, tim đập hồi hộp, loạn nhịp từng cơn, có thể sốt nhẹ, nặng đầu, choáng váng, trí nhớ giảm, hay quên, khó tập trung, mất ngủ, ngủ hay mê, kém ăn, bụng trướng, đại tiện lỏng, sắc da nhợt nhạt hoặc xuất huyết dưới da. Phụ nữ kinh nguyệt ít hoặc bế kinh, hoặc lượng kinh huyết nhiều nhưng sắc nhợt

- Phép chữa: Ích khí dưỡng huyết.

Dùng 1 trong số món ăn bài thuốc sau:

Bài 1: Đảng sâm 30g, hoàng kỳ 50g, nước luộc gà 1000ml; nước luộc gà vớt bỏ váng, cho đảng sâm, hoàng kỳ vào nấu 15-20 phút, chắt lấy nước, chia ra uống nhiều lần trong ngày; mỗi lần khoảng 100ml.

photo-1644755394907

Vị thuốc đẳng sâm

Bài 2: Nhân sâm 10g, đương quy 15g, hoàng kỳ 15g, bạch truật 15g; gà mái 1 con, gia vị vừa đủ; gà làm thịt, bỏ lông và tạp chất, rửa sạch; các vị thuốc sau khi rửa sạch bọc vào túi vải, nhét vào bụng gà, cho vào nồi, đổ ngập nước, hầm nhỏ lửa cho đến khi thịt gà chín mềm; bỏ bọc thuốc, thêm gia vị, chia ăn trong ngày; Tuần ăn 2 lần.

Bài 3: Nhân sâm 10g, linh chi 10g, đương quy 15g, bạch truật 15g, cam thảo 5g, gà mái 1 con, gia vị vừa đủ. Các vị thuốc đem bọc vào túi vải; gà làm thịt, rửa sạch cho thuốc vào bụng gà, cho vào nồi, đổ ngập nước, hầm nhỏ lửa cho đến khi thịt gà chín mềm; bỏ bọc thuốc, thêm gia vị ăn nóng; mỗi tuần ăn 2 lần.

2.3 Thể khí âm lưỡng hư trong hội chứng mệt mỏi mạn tính:

- Biểu hiện: Người mệt mỏi, kiệt sức, đầu choáng, mắt hoa, thở hụt hơi, ngại nói, mồ hôi tự vã ra, khi hoạt động bệnh chứng càng trầm trọng, lòng bàn chân bàn tay hâm hấp nóng, miệng khát, họng khô, môi nứt nẻ, lưỡi khô, ho khan ít đờm, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện bí kết.

- Phép chữa: Ích khí dưỡng âm.

 Dùng 1 trong số món ăn bài thuốc sau:

Bài 1: Dương sâm 15g, đại táo 10g, gạo tẻ 100g, thịt lợn nạc 100g. Thịt lợn rửa sạch, băm nhỏ, gạo vo sạch, đại táo bỏ hạt, dương sâm thái lát. Cho gạo vào nồi, thêm nước đun sôi, sau đó cho sâm, đại táo và thịt băm vào, nấu nhỏ lửa đến khi cháo chín, ăn nóng, ăn hàng ngày vào buổi sáng.

Bài 2: Dương sâm 15g, bồ câu non 2 con, gừng tươi, rượu trắng, gia vị vừa đủ; bồ câu làm thịt sạch, cho vào nồi nấu sôi, vớt bỏ bọt, cho sâm và gia vị vào hầm nhỏ lửa khoảng 40 phút là được, tuần ăn 2 lần.

Bài 3: Ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 25g, thái tử sâm 25g, đường phèn vừa đủ; mộc nhĩ ngâm nước lạnh cho nở ra, rửa sạch; thái tử sâm rửa sạch, thái nhỏ, cùng với mộc nhĩ, đường phèn cho vào nồi, thêm nước, nấu đến khi canh chín, ăn mộc nhĩ và uống nước thuốc.

2.3 Thể can uất khí trệ trong hội chứng mệt mỏi mạn tính:

- Biểu hiện: Người mệt mỏi, kiệt sức. Ngực đầy tức, ngạt hơi, mạng sườn hoặc vú trướng đau, bụng dưới đau tức, dễ cáu giận; phụ nữ kinh nguyệt rối loạn, thống kinh, hoặc thấy như có vật gì như hạt mơ vướng ở cổ họng khạc không ra nuốt không vào

- Phép chữa: Sơ can giải uất, kiện tỳích khí.

 Dùng 1 trong số món ăn bài thuốc sau:

Bài 1: Toan táo nhân 10g, đảng sâm 5g, đương quy 5g, gan lợn 100g, gia vị đủ dùng. Gan lợn rửa sạch, thái lát, trộn với chút gừng, hành, muối, bột mì, rượu; sắc các vị thuốc lấy nước cốt (bỏ bã), sau đó cho gan lợn đã trộn sẵn vào nấu đến khi gan chín; Ăn nóng

Bài 2: Đảng sâm, đại táo, sơn dược, câu kỷ tử, mỗi vị 10g, thịt thỏ 100g, gia vị vừa đủ dùng; thịt thỏ rửa sạch, thái miếng, cùng các vị thuốc nấu canh ăn; mỗi tuần ăn 2 lần.

Bài 3: Đảng sâm 15g, sài hồ 6g, trần bì 6g, thịt lợn nạc 100g, gia vị đủ dùng; thịt lợn nạc rửa sạch, thái chỉ; sắc các vị thuốc lấy nước cốt (bỏ bã), nấu với thịt lợn thành món canh; mỗi tuần ăn 2 lần.

Mời bạn xem thêm video:

121 tuyến buýt trợ giá của Hà Nội hoạt động 100% công suất từ ngày 13/2 

 


Lương y Hoài Vũ
Ý kiến của bạn