Hà Nội

9 loại thuốc phổ biến là thủ phạm gây sâu răng

04-12-2022 07:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Sâu răng rất phổ biến. Trong khi vệ sinh răng miệng kém và chế độ ăn nhiều đường là hai nguyên nhân hàng đầu thì một số loại thuốc cũng là thủ phạm.

1. Vì sao thuốc có thể gây sâu răng?

Thuốc có thể gây sâu răng theo nhiều cơ chế khác nhau. Lớp ngoài cùng của răng (men răng) có các khoáng chất giúp bảo vệ và giữ cho răng chắc khỏe. Men răng có thể bị mất chất khoáng và bị hỏng khi tiếp xúc với acid. 

Acid được tạo ra khi vi khuẩn trong miệng tiếp xúc với đường và tinh bột (từ thực phẩm và đồ uống tiêu thụ hằng ngày). Nếu răng thường xuyên tiếp xúc với acid, men răng sẽ tiếp tục mất khoáng chất. Theo thời gian, răng ngày càng yếu đi và bị tổn thương đủ để hình thành sâu răng.

9 loại thuốc phổ biến là thủ phạm gây sâu răng - Ảnh 1.

Có nhiều nguyên nhân gây râu răng, trong đó có việc sử dụng thuốc.

Một số loại thuốc tạo ra môi trường làm cho miệng có nhiều acid hơn và gây khô miệng. Khi miệng bị khô, sẽ tiết ít nước bọt hơn. Nước bọt rất cần thiết để rửa sạch vi khuẩn khỏi răng và trung hòa acid trong thực phẩm. Nếu không có đủ lượng nước bọt sâu răng có thể xảy ra. 

Các loại thuốc khác, đặc biệt là dạng lỏng, có thành phần là đường. Lượng đường dư thừa trong miệng cũng được biết là nguyên nhân gây sâu răng. 

2. Danh sách các loại thuốc có nguy cơ gây sâu răng

Dưới đây là 9 loại thuốc phổ biến gây sâu răng:

2.1 Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin được dùng để ngăn chặn sự giải phóng histamin trong cơ thể có liên quan đến các phản ứng dị ứng. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách làm khô các mô. Tuy nhiên, chính hiệu ứng làm khô này sẽ ức chế tiết nước bọt. Vì vậy, uống thuốc kháng histamin thường xuyên có thể gây khô miệng. Khô miệng có liên quan đến tăng nguy cơ sâu răng.

2.2 Thuốc thông mũi

Các loại thuốc dùng để điều trị cảm lạnh thông thường thường chứa chất thông mũi làm khô các mô ở  miệng và có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về răng miệng. 

2.3 Thuốc kháng acid

Thuốc kháng acid để giảm chứng ợ chua và đau dạ dày. Những loại thuốc này có thể ức chế sản xuất nước bọt trong miệng. Chỉ nên dùng thuốc kháng acid khi cần thiết và tránh những loại có chứa đường, có thể góp phần gây sâu răng.

2.4 Thuốc kháng sinh

Tetracycline và các loại kháng sinh liên quan được biết là gây ra sự đổi màu ở răng sữa của trẻ em. Thuốc không gây tác dụng này đối với răng đã được hình thành. Phụ nữ đang mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi nên được kê đơn các loại kháng sinh khác để tránh làm đổi màu răng đang phát triển.

2.5 Thuốc điều trị cao huyết áp

Có nhiều loại thuốc dùng để kiểm soát huyết áp cao, một bệnh lý có liên quan đến vấn đề tim mạch và đột quỵ. Những loại thuốc này có thể gây sưng mô nướu và tăng sự phát triển của mảng bám dưới nướu, điều này có thể làm gia tăng các bệnh về nướu và mất răng.

9 loại thuốc phổ biến là thủ phạm gây sâu răng - Ảnh 2.

Vệ sinh răng miệng thường xuyên giúp ngăn ngừa sâu răng.

2.6 Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể gây khô miệng và tăng nguy cơ sâu răng. Một số bệnh nhân cũng bị nhiễm nấm miệng, có thể cần điều trị. Đôi khi, đổi sang một loại thuốc khác có thể giúp giảm bớt những vấn đề này.

2.7 Thuốc giảm đau

Nếu dùng NSAID hoặc thuốc opioid cho các tình trạng đau mãn tính, có thể bị khô miệng và các vấn đề về răng. Uống nhiều nước để giữ ẩm cho các mô trong miệng và khám nha sĩ thường xuyên để duy trì sức khỏe răng miệng tốt.

2.8 Thuốc chống động kinh

Thuốc điều trị động kinh hiện có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa động kinh, nhưng có thể gây khô miệng, sưng nướu hoặc các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến răng. Nếu đang dùng những loại thuốc này, hãy đến gặp nha sĩ thường xuyên để kiểm soát những vấn đề có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

2.9 Thuốc hóa trị

Thuốc hóa trị được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng chúng cũng có thể gây hại cho các tế bào bình thường trong miệng. Bệnh nhân thường cảm thấy nóng rát, lở loét miệng gây đau đớn khiến việc ăn uống trở nên khó khăn. Những loại thuốc này cũng có thể làm tăng nguy cơ sâu răng. 

Trẻ em đang điều trị hóa trị có thể bị dị tật răng hoặc răng bị rụng. Nếu đang điều trị ung thư và gặp các vấn đề về miệng hoặc răng, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm cách giúp giảm bớt những vấn đề này.

3. Làm gì để hạn chế nguy cơ sâu răng?

Những lợi ích của thuốc thường vượt xa tác dụng phụ có thể xảy ra. Nếu cảm thấy những thay đổi về màu sắc hoặc tình trạng răng, nhạy cảm ở miệng hoặc phát triển loét miệng, cần thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng. Thông thường, việc thay đổi thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng này. Tuy nhiên việc thay đổi thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Không nên tự ý bỏ, ngừng hoặc thay đổi thuốc.

Hãy thực hiện các bước sau để tăng cường sức khỏe răng miệng tối ưu:

  • Đánh răng thường xuyên: Nếu đang dùng thuốc có thể dẫn đến sâu răng, hãy đánh răng ít nhất hai lần và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày. 
  • Uống thuốc trong bữa ăn: Khi dùng cùng với thức ăn, thuốc được hấp thụ tối ưu và sẽ không ảnh hưởng đến răng và nướu. 
  •  Lên lịch thăm khám nha khoa định kỳ: Kiểm tra sức khoẻ răng miệng định kỳ giúp đảm bảo răng và nướu luôn khỏe mạnh.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Trào ngược dạ dày - thực quản: Có nên kiêng đồ ăn nhiều chất béo?

Ds. Đoàn Phương Thảo
Ý kiến của bạn