1. Cà phê giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ
Cà phê là loại đồ uống được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới và ở nước ta. Bên cạnh tác dụng cạnh tranh thụ thể với adenosin trong não làm cho cơ thể tỉnh táo, cà phê còn tăng chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và norepinephrine, làm giảm mệt mỏi. Ngoài ra, cà phê còn chứa các hợp chất chống oxy hóa như axit chlorogenic cũng có thể ảnh hưởng đến não.
Một đánh giá lưu ý rằng, caffeine có thể cải thiện thời gian phản ứng. Trong một nghiên cứu về hiệu suất lái xe, một nhóm người tham gia, trong đó 50% số người cho dùng 200mg caffeine. Sau đó, những người tham gia sử dụng trình mô phỏng lái xe để kiểm tra hiệu suất lái xe của họ. Nhóm dùng caffeine được phát hiện có phản ứng phù hợp hơn, ít mắc lỗi hơn và có thời gian phản ứng phanh nhanh hơn so với nhóm còn lại.
Đánh giá cũng phát hiện ra rằng, uống ít nhất 3 tách cà phê mỗi ngày có liên quan đến việc ngăn ngừa suy giảm trí nhớ (khả năng học và ghi nhớ thông tin bằng lời nói). Một nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng, ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp, uống 0,5 đến 1 tách cà phê mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc chứng mất trí. Nghiên cứu năm vào 2024 mới đây cũng cho thấy, caffeine có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh.
Hãy nhớ rằng caffeine an toàn ở mức lên đến 400mg mỗi ngày, tương đương với khoảng 4 cốc cà phê hoặc 741 ml.

Cà phê giúp giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ.
2. Trà xanh
Hàm lượng caffeine trong trà xanh thấp hơn nhiều so với cà phê, nhưng trà xanh lại giàu hai hợp chất nootropic đầy hứa hẹn là L-theanine và epigallocatechin gallate (EGCG).
Các nghiên cứu cho thấy L-theanine có thể làm tăng sóng alpha trong não liên quan đến sự thư giãn, giảm căng thẳng, lo lắng và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Khi L-theanine được kết hợp với caffeine, có thể cải thiện sự chú ý và hiệu suất nhận thức.
Một nghiên cứu nhỏ năm 2021 phát hiện ra rằng, L-theanine có thể giúp cải thiện sự chú ý, tăng cường trí nhớ làm việc và chức năng điều hành.
Catechin là hợp chất có trong trà xanh. Epigallocatechin gallate (EGCG) là một loại catechin đã được chứng minh là có một số lợi ích cho sức khỏe. Ví dụ, EGCG có thể đi vào não thông qua hàng rào máu não, có thể phát huy tác dụng có lợi cho não hoặc thậm chí chống lại các bệnh thoái hóa thần kinh (mặc dù cần phải nghiên cứu thêm).
3. Kombucha
Kombucha là một loại đồ uống lên men thường được làm từ trà xanh hoặc đen, cùng với trái cây... Lợi ích chính của nó là đưa vi khuẩn có lợi (probiotic) vào ruột.
Về mặt lý thuyết, sức khỏe đường ruột được cải thiện có thể thúc đẩy chức năng não (thông qua trục ruột-não), thậm chí giúp ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh hoặc làm chậm quá trình tiến triển của chúng. Probiotic thường có liên quan đến việc cải thiện sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, ít nghiên cứu ủng hộ việc uống kombucha cụ thể để tăng cường chức năng não.
4. Nước cam
Nước cam rất giàu vitamin C. Nghiên cứu phát hiện ra rằng lượng vitamin C hấp thụ có liên quan đến sự chú ý, tập trung và hiệu suất làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của nước cam có đường có thể lớn hơn lợi ích của nó. Nước cam có lượng calo cao hơn nhiều so với toàn bộ quả và lượng đường bổ sung cao có liên quan đến các tình trạng bệnh lý như béo phì, đái tháo đường type 2 và bệnh tim.
Một cách tốt hơn để có được loại vitamin này là chỉ cần ăn một quả cam. Toàn bộ quả có lượng calo và đường thấp hơn, cũng như nhiều chất xơ hơn so với nước cam, trong khi vẫn cung cấp lượng vitamin C tốt cho cơ thể.

Nước cam giúp tăng cường trí nhớ, liên quan đến sự chú ý, tập trung và hiệu suất làm việc tốt hơn.
5. Nước ép việt quất
Quả việt quất rất giàu hợp chất thực vật polyphenol như anthocyanin (là chất chống oxy hóa tạo nên màu xanh tím của quả mọng này) có thể mang lại lợi ích tăng cường trí nhớ. Ăn việt quất nguyên quả là một lựa chọn lành mạnh hơn, ít đường có thể mang lại những lợi ích tương tự.
6. Nước ép và sinh tố xanh
Nước ép xanh kết hợp trái cây và rau xanh, chẳng hạn như: Rau lá xanh đậm (cải xoăn hoặc rau bina), dưa chuột, táo xanh, thảo mộc tươi (sả)…
Sinh tố xanh cũng có thể chứa các thành phần như bơ, sữa chua, bột protein hoặc chuối để tăng thêm độ béo ngậy và chất dinh dưỡng. Mặc dù khả năng tăng cường trí nhớ của nước ép hoặc sinh tố xanh phụ thuộc rất nhiều vào thành phần, nhưng những thức uống này thường giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa hữu ích khác.
7. Sữa nghệ
Đôi khi được gọi là sữa vàng, sữa nghệ là thức uống ấm, béo, có hương vị nghệ vàng tươi. Nghệ chứa chất chống oxy hóa curcumin, có thể làm tăng sản xuất yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF) của cơ thể. Một nghiên cứu năm 2025 trên chuột phát hiện ra rằng, curcumin làm tăng BDNF, có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức.
Nồng độ BDNF thấp có liên quan đến các khiếm khuyết về tinh thần và rối loạn thần kinh. Do đó, tăng mức BDNF có thể cải thiện chức năng não. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng sữa nghệ cung cấp ít curcumin hơn nhiều so với lượng thường được sử dụng trong các nghiên cứu.
8. Nước ép củ dền đỏ
Củ dền đỏ là một loại rau củ có màu đỏ sẫm, tự nhiên rất giàu nitrat (tiền chất của oxit nitric), mà cơ thể sử dụng để thúc đẩy quá trình oxy hóa tế bào và cải thiện lưu lượng máu.
Nhiều người uống nước ép củ dền đỏ trước khi tập luyện vì đặc tính tăng lưu lượng máu. Điều này có thể giúp ích cho sức khỏe não bộ và ngăn ngừa các bệnh thần kinh, như bệnh Alzheimer (mặc dù vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa).
Tuy nhiên, tín hiệu oxit nitric có thể đóng vai trò trong các vùng não chịu trách nhiệm về ngôn ngữ, học tập và trí nhớ. Nước ép củ dền đỏ có thể thúc đẩy những tác dụng này bằng cách tăng sản xuất oxit nitric.
9. Kefir
Giống như kombucha, kefir là một loại đồ uống lên men chứa nhiều lợi khuẩn. Tuy nhiên, nó được làm từ sữa lên men chứ không phải từ trà. Kefir có thể hỗ trợ chức năng não bằng cách thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột. Bạn có thể tự làm kefir, nhưng có thể dễ dàng hơn khi mua loại đã pha sẵn. Ngoài ra, hãy chọn sữa chua uống, loại này cũng có chứa men vi sinh.
Mời bạn xem thêm video:
Đơn giản mà hiệu quả: Thử ngay bài tập hít thở giúp cải thiện tình trạng bệnh "hay quên" | SKĐS