- 1. Người bệnh đái tháo đường không bao giờ nên ăn đường
- 2. Đường là nguyên nhân gây ra đái tháo đường
- 3. Thực phẩm đặc biệt cần thiết để quản lý bệnh đái tháo đường
- 4. Protein không làm tăng lượng đường trong máu
- 5. Cắt bỏ thực phẩm giàu carbohydrate sẽ giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường
- 6. Người bệnh đái tháo đường có thể ăn các loại chất béo
- 7. Lựa chọn chất làm ngọt nhân tạo
- 8. Đang dùng thuốc có thể ăn đồ ngọt
- 9. Trái cây không tốt cho bệnh nhân đái tháo đường
Dưới đây là những lầm tưởng về bệnh đái tháo đường và sự thật sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng bệnh.
1. Người bệnh đái tháo đường không bao giờ nên ăn đường
Việc ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ ngọt sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Nhưng thực phẩm ngọt có thể là một phần của chế độ ăn uống cân bằng cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Điều quan trọng là tìm khẩu phần phù hợp với mỗi người. Theo đó, mỗi người sẽ có một lượng carbohydrate khác nhau cung cấp cho cơ thể mỗi ngày. Nếu bạn thích ăn nhiều khẩu phần, việc sử dụng hết carbohydrate để làm đường có thể khiến cơ thể cảm thấy nhanh đói. Thay vào đó, thỉnh thoảng hãy ăn một chút đồ ngọt và tập trung vào việc lựa chọn carbohydrate lành mạnh hơn trong các bữa ăn.
2. Đường là nguyên nhân gây ra đái tháo đường
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, không có một nguyên nhân cụ thể nào gây bệnh đái tháo đường. Cân nặng, lối sống, chế độ ăn uống, tuổi tác và di truyền, mỗi yếu tố đều ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường của mỗi người. Một loại thực phẩm hoặc chất dinh dưỡng riêng lẻ, thậm chí là đường đều không phải là nguyên nhân chính gây bệnh. Tuy nhiên, một chế độ ăn nhiều đường thường có hàm lượng calo cao hơn, có thể dẫn đến tăng cân, làm tăng yếu tố nguy cơ đó.
3. Thực phẩm đặc biệt cần thiết để quản lý bệnh đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường nên cố gắng duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, nhưng không cần chuẩn bị các bữa ăn riêng biệt cho các thành viên khác nhau trong gia đình. Các bữa ăn cân bằng, bao gồm protein nạc, rau, chất béo lành mạnh và ngũ cốc nguyên hạt, rất tốt cho mọi người và có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
4. Protein không làm tăng lượng đường trong máu
Mặc dù protein không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nhiều như carbohydrate, nhưng mỗi loại có một lượng khác nhau mà người bệnh đái tháo đường nên ăn trong một ngày.
Protein là một chất dinh dưỡng đa lượng giúp cơ thể cảm thấy no sau bữa ăn. Một chế độ ăn giàu protein có thể giúp giảm cân hiệu quả hơn so với chế độ ăn kiêng tiêu chuẩn protein. Nhưng protein, nếu không được sử dụng để xây dựng cơ bắp, hoặc các phân tử cần thiết khác, sẽ được chuyển hóa thành calo, và quá nhiều calo có thể dẫn đến tăng cân.
Vì vậy, thay vì tập trung vào việc ăn nhiều protein, hãy tập trung vào việc ăn một chế độ ăn uống cân bằng.
5. Cắt bỏ thực phẩm giàu carbohydrate sẽ giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường
Nhu cầu carbohydrate của cơ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng và mức độ hoạt động thể chất. Bởi vì carbohydrate có tác động lớn nhất đến lượng đường trong máu nên việc tìm ra lượng carbs phù hợp mà cơ thể cần sẽ mất một khoảng thời gian.
Tốt nhất người bệnh đái tháo đường hãy đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn, khắc phục "sự cố" dinh dưỡng và xây dựng một chế độ ăn uống cá nhân phù hợp với lối sống. Bắt đầu bằng cách tập trung vào chất lượng carbohydrate tốt hơn, và chọn các tùy chọn chỉ số đường huyết thấp, cũng như thực phẩm có nhiều chất xơ hơn.
6. Người bệnh đái tháo đường có thể ăn các loại chất béo
Chất béo nên là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống nhưng nên chọn những thực phẩm có chứa chất béo lành mạnh. Theo chuyên gia dinh dưỡng, ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng lượng cholesterol không tốt cho sức khỏe và làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.
7. Lựa chọn chất làm ngọt nhân tạo
Trên thị trường có nhiều sản phẩm chứa chất làm ngọt nhân tạo đặc biệt dành cho bệnh nhân đái tháo đường. Nhưng chính chất làm ngọt nhân tạo có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin ở người bệnh đái tháo đường. Khi mua thực phẩm, nên chọn những sản phẩm có nhãn không đường.
8. Đang dùng thuốc có thể ăn đồ ngọt
Uống thuốc điều trị đái tháo đường không giúp cho việc có thể ăn thoải mái các loại đường mà bạn muốn. Điều quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường là ăn một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng cùng với thuốc. Điều này sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu cũng như có thể giúp kiểm soát nguy cơ biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
9. Trái cây không tốt cho bệnh nhân đái tháo đường
Vì trái cây chứa nhiều đường tự nhiên nên những người mắc bệnh đái tháo đường tin rằng họ không thể ăn trái cây. Trong khi đó, trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và có thể được tiêu thụ một cách an toàn với lượng vừa phải. Cũng nên ăn cả trái cây thay vì nước trái cây.
Nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể thay đổi theo từng giai đoạn và cũng phụ thuộc vào sự tiến triển của tình trạng bệnh. Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về chế độ dinh dưỡng của bệnh đái tháo đường là cách tốt nhất để quản lý lượng đường trong máu và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xem thêm video đang được quan tâm:
7 lợi ích của vitamin C