Ca ghép tim thứ 9 - cũng là ca ghép tim gần đây nhất mà Bệnh viện (BV) Việt Đức đã thực hiện được, quả là một kỳ tích trong lịch sử ghép tạng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. 9 tiếng đồng hồ “cân não” căng thẳng của các phẫu thuật viên, 12 tuần ròng rã sau mổ có bác sĩ, điều dưỡng túc trực riêng bên người bệnh, tổng lực 90 con người dồn sức trong 3 tháng cho ca ghép tim đặc biệt có một không hai này.
Người được chỉ định ghép có quả tim lạc chỗ nằm bên phải, lại còn “hội tụ” tất cả dị tật nặng nhất: “Thất phải” hai đường ra thể đảo gốc động mạch, thông sàn nhĩ thất toàn bộ, tĩnh mạch phổi lạc chỗ hoàn toàn, hẹp rất khít động mạch phổi. Thêm vào đó, cơ thể chờ ghép tim với hy vọng sống mong manh chỉ có thể tính bằng phần trăm nhỏ nhất còn bị biến chứng nhồi máu não, nằm bất động một chỗ, teo cơ và suy kiệt nặng... Vậy mà chỉ sau 3 tháng được ghép, với những nỗ lực không mệt mỏi của các y bác sĩ, của gia đình và của chính người bệnh, quả tim mới đã thực sự hồi sinh, mang lại cuộc sống mới trong cơ thể 26 năm cầm cự chiến đấu với trái tim bệnh tật.
Tiến hành ca ghép tim đặc biệt có một không hai cho bệnh nhân Tuyến (ảnh do BV cung cấp).
Một “Nick Vujicic” Việt Nam
Hành trình sống của cô gái Phan Thị Tuyến 27 tuổi (Yên Bái) - người bị quả tim khuyết tật “chi phối” suốt 26 năm, thực là một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên và tình yêu cuộc sống không bao giờ tắt. Mắc bệnh tim ngay từ lúc mới sinh, bố mẹ Tuyến đã đưa em đi hết trong Nam ngoài Bắc mong tìm cơ hội điều trị cho con. Tên của các chuyên gia đầu ngành tim mạch đều đã ghi trên bệnh án của em, nhưng gia đình cũng đành chấp nhận sự thật cay đắng là không giống các trường hợp tim bẩm sinh khác, dị tật tim của Tuyến không thể phẫu thuật sửa chữa được, chỉ còn cách sống chung với bệnh được ngày nào hay ngày đó. Ý thức về bệnh tật của mình, từ nhỏ, Tuyến luôn tuân thủ chặt chẽ việc điều trị, dùng thuốc, thậm chí tự nhớ cả lịch hẹn bác sĩ dặn tái khám và chủ động liên hệ khi thấy bất thường trong cơ thể. Cô ruột em kể lại, Tuyến luôn vượt qua nhiều đứa trẻ khác từ khi còn rất bé. Cách em nhường nhịn, giải quyết xung đột với các anh chị em họ trong gia đình khiến người lớn cũng phải “nể”. Học lại rất giỏi, Tuyến luôn có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi toán của trường. Tốt nghiệp xuất sắc THPT, Tuyến thi đỗ Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân Hà Nội với số điểm cao. Nhớ lại thời điểm ấy, mẹ Tuyến tâm sự: Tuy tự hào nhưng ông bà vô cùng lo lắng vì con gái sẽ sống một mình ở Hà Nội ra sao khi ngày thường có bố mẹ yêu thương chăm sóc mà còn sống lay lắt khó khăn?! Trước khát vọng cháy bỏng được tiếp tục học của Tuyến, không thể giữ con lại bên mình nhưng bà cảm giác đứt từng khúc ruột. Rồi một ngày trên giảng đường, quả tim không đập nổi..., Tuyến được đưa đi cấp cứu. Sau đó, em bắt buộc phải nghỉ học. Không lùi bước, Tuyến xin bảo lưu kết quả. Một năm sau, khi em gái Tuyến cũng thi đỗ vào trường ĐH của chị, Tuyến lại khăn gói cùng em về Hà Nội học tiếp. Lại đến một ngày quả tim “dở chứng” không chịu đập nữa! Lần này Tuyến mới chịu khuất phục nghỉ học về nhà.
Quả tim bên phải sau khi mở ngực.
Không được đi học thì Tuyến lại nghĩ cách... dạy học. Lớp ôn luyện thi ĐH của “cô giáo” Tuyến có đến 80% trò đỗ ĐH. Nhưng... trái tim bệnh nặng không cho cơ thể gầy gò mỏng manh như chiếc lá ấy tiếp tục làm việc nữa, Tuyến bị biến chứng nhồi máu não, bất động tại giường. Các bác sĩ tiên lượng sự sống của Tuyến đang đếm từng ngày nếu không được ghép tim.
Ca ghép tim thách thức trái tim và khối óc của phẫu thuật viên
Là một nhà ngoại khoa kỳ cựu trong lĩnh vực tim mạch, một phẫu thuật viên tài ba luôn đương đầu với những ca mổ khó nhưng chưa bao giờ PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực, Trưởng các kíp ghép tim của BV Việt Đức lại gặp một ca bệnh nặng và phức tạp như vậy. Quả tim bên phải kết hợp đảo ngược phủ tạng đi kèm những dị tật nặng nhất không thể sửa chữa: “Thất phải” hai đường ra thể đảo gốc động mạch, hẹp nặng đường ra động mạch phổi; thông sàn nhĩ thất toàn bộ; tĩnh mạch phổi lạc chỗ hoàn toàn thể trên tim.
Ông tâm sự: Y văn thế giới có nêu một số trường hợp ghép tim hiếm gặp cho người có tim bên phải do đảo ngược phủ tạng, song chưa tìm thấy bài viết nào về loại bệnh tim bẩm sinh phức tạp như trường hợp này. Do vậy, không có tài liệu tham khảo kỹ thuật trước khi ghép. Bỏ qua yếu tố nguy cơ khi tiến hành ca đại phẫu trên một cơ thể đeo đẳng bệnh 26 năm, nhiều lần chết hụt, sức lực chỉ còn lay lắt như ngọn đèn trước gió, PGS. Ước tiên lượng rõ những thách thức phải đối đầu.
Thứ nhất, trong số các thương tổn rất phức tạp của tim thì những thương tổn bên trong tim không quá quan trọng đối với ghép tim (vì sẽ bỏ quả tim bệnh đi). Nhưng thương tổn “Tĩnh mạch phổi lạc chỗ hoàn toàn” là vô cùng quan trọng. Với ghép tim thông thường, phần nhĩ trái còn lại của quả tim người nhận sau khi cắt bỏ là một mốc rất quan trọng để thực hiện các kỹ thuật ghép tim. Do tĩnh mạch phổi lạc chỗ, mà bệnh nhân (BN) này không có nhĩ trái, các tĩnh mạch phổi dẫn máu về tim qua một con đường khác rất phức tạp. Trong khi quả tim cho là quả tim bình thường ở bên trái. Như vậy có thể thấy là BN không có “chân đế” quan trọng nhất của phẫu thuật ghép tim. Bài toán đặt ra là phải tính toán làm sao để tạo ra một “chân đế nhân tạo” hay tạo ra một nhĩ trái gần giống bình thường, vừa dẫn được máu từ tĩnh mạch phổi về tim, vừa tạo chỗ nối vào nhĩ trái của quả tim cho.
Bệnh nhân Tuyến chụp ảnh cùng PGS.TS. Ước (người áo trắng đứng giữa) cùng các y, bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực trước khi ra viện.
Thứ hai, tim của BN nằm bên phải kèm dị tật “thất phải” 2 đường ra, như vậy sẽ có các khó khăn sau: (1) Các cuống mạch sẽ nằm ngược và lệch vị trí so với bình thường (động mạch phổi, động mạch chủ, tĩnh mạch chủ). Khi đưa quả tim bình thường vào ghép, phải chỉnh sửa - tạo hình lại toàn bộ các cuống mạch này cho tương thích với tim cho và không được gây ảnh hưởng tới huyết động. (2) Khoang màng tim của bệnh nhân nằm bên phải, tương ứng với phổi trái lớn hơn phổi phải. Quả tim mới đưa vào sẽ phải nằm bên trái, đòi hỏi phải tạo hình lại khoang màng tim cho sang trái, chấp nhận quả tim mới sẽ ép vào phổi trái sau khi mổ.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước đã đã phác thảo hàng chục bản vẽ để có thể tìm ra một phương án ghép tối ưu nhất. Các thì mổ được ông cụ thể hoá và vẽ hình chi tiết, điều ông chưa bao giờ phải làm với các ca ghép tim trước. Bên cạnh đó, ông cùng các bác sĩ trong khoa cũng tiên tượng: với toàn trạng quá suy kiệt, việc phục hồi chức năng sau mổ sẽ kéo dài và rất nặng nề. Nguy cơ suy đa tạng, nhiễm khuẩn sẽ rất cao. Khi được hỏi điều gì khiến ông quyết tâm trăn trở đến cùng với ca ghép mà tiên lượng sống chỉ được 1/10 như vậy, PGS. Ước trả lời đơn giản mà sâu sắc: “Tôi nhìn thấy đây là một bài toán có thể giải được, phải quyết tâm tìm cách giải được nó dù rất khó. Đó cũng là bài toán chung của tất cả bác sĩ ngoại khoa, chừng nào thấy BN còn hy vọng cứu sống, phải làm hết sức mình mang lại sự sống cho người bệnh dù xác suất đó rất nhỏ đi chăng nữa. Hơn nữa, thái độ không đầu hàng trước bệnh tật của cô gái này đã truyền cảm hứng cho tôi và kíp mổ”.
Bài toán khó đã tìm ra lời giải
Ca mổ ghép tim cho Tuyến kéo dài gần 9 giờ (ghép tim thông thường 4 - 5 giờ). Các thì mổ được viết sẵn từ trước mổ và thực hiện nghiêm túc trong khi mổ, từ hình vẽ đến kỹ thuật cắt, kỹ thuật khâu nối... Tuy đã chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng nhưng PGS. Ước cũng chia sẻ: Ca phẫu thuật chỉ được 95% như trong dự kiến, 5% khó khăn phát sinh như quả tim người cho (của nam) hơi lớn hơn so với lồng ngực người nhận (nữ suy kiệt) đã được ông và kíp mổ sáng tạo giải quyết hợp lý bằng kỹ thuật khâu treo xương ức.
Đánh vật với hồi sức
Ca ghép có thể nói đã bước đầu thành công về mặt kỹ thuật. Nhưng đúng những gì PGS. Nguyễn Hữu Ước cùng kíp mổ, kíp hồi sức lường trước, do bệnh lâu ngày, cơ thể suy kiệt và dùng rất nhiều loại thuốc nên BN rối loạn chức năng các cơ quan, đặc biệt thận, phổi... Quả tim mới sau vài ngày đã đập và bơm được máu trong cơ thể nhưng quả thận, lá phổi vẫn không hoạt động. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh - người luôn sát sao với BN đặc biệt này cho biết: Mọi phương tiện hiện đại nhất trong khoa đã được dùng hỗ trợ cho Tuyến: phải siêu lọc thận trong 5 tuần thì thận mới hoạt động trở lại; chạy bóng đối xung 8 ngày; gần 3 tháng thở máy với rất nhiều lần bỏ rồi lại nối vì cơ hô hấp còn yếu, quả tim mới lại ép vào phổi trái khiến lá phổi yếu đi; 12 tuần ròng rã phải có bác sĩ, điều dưỡng trực riêng.
Một kết cục có hậu
Cuối cùng thì Tuyến cũng cai được máy thở. Chức năng thận tốt. Kết quả Xquang ngực và siêu âm tim kiểm tra tốt như người bình thường. Ngày ra viện, tuy vẫn được bố cõng nhưng Tuyến tươi cười hứa với mọi người lần tới xuống kiểm tra lại, em sẽ tự đi đến từng phòng để cảm ơn các y bác sĩ - những người đã cùng viết tiếp câu chuyện cổ tích của Tuyến để năm thứ 27 trong cuộc đời, khát khao sống của em đã thành hiện thực với điều kỳ diệu mang tên gọi “Trái tim cho em”.
Mai Linh