9 điều tệ hại của sếp khiến nhân viên “dứt áo ra đi”

15-03-2016 10:00 | Thời sự
google news

Nếu bạn muốn những người giỏi gắn bó, hãy nghĩ cẩn thận về cách bạn sẽ đối xử với họ. Hãy khiến họ luôn muốn làm việc với bạn.

Hẳn bạn thường nghe các nhà quản lý than phiền về việc nhân viên giỏi của họ nghỉ việc. Các nhà quản lý có xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh mà quên mất một điều quan trọng:
Nhân viên không rời bỏ công ty, họ rời bỏ sếp của mình.

Dưới đây 9 điều tồi tệ nhất mà lãnh đạo thường mắc phải khiến người giỏi “dứt áo ra đi”:

1. Bắt nhân viên làm việc quá sức

Không có gì đẩy nhân viên đi nhanh nhất bằng việc bắt họ làm việc quá độ. Tiếc rằng các nhà quản lý lại thường xuyên rơi vào bẫy này khi bắt nhân viên giỏi làm quá nhiều việc. Nhân viên sẽ cảm thấy như bị trừng phạt vì hiệu suất làm việc tuyệt vời của mình. Phải làm việc quá nhiều cũng gây phản tác dụng.

Nghiên cứu mới từ Stanford chỉ ra rằng năng suất mỗi giờ làm việc giảm rõ rệt nếu lao động làm quá 50h/tuần. Nếu vượt quá 55h/tuần, năng suất lao động giảm mạnh mẽ. Với tình trạng này, nhân viên phải làm việc nhiều mà không hề đạt được kết quả như mong muốn.

Nếu bắt buộc phải tăng khối lượng công việc của nhân viên tài năng, thì bạn cũng nên tăng chế độ đãi ngộ dành cho họ. Họ có thể đảm đương khối lượng công việc lớn hơn, nhưng sẽ không ở lại nếu công việc khiến họ ngạt thở.

Tăng lương hay thăng chức,… là cách khiến nhân viên chấp nhận khi phải làm nhiều việc hơn. Nếu bạn tăng khối lượng công việc chỉ đơn giản vì họ tài năng hơn mà không thay đổi gì cả, nhân viên sẽ nhanh chóng tìm kiếm công việc khác mang đến thứ xứng đáng hơn.

2. Không ghi nhận đóng góp hay khen thưởng những việc làm tốt

Người ta dễ dàng coi thường sức mạnh của sự động viên, đặc biệt là với những nhân viên giỏi. Ai ai cũng đều thích danh vọng, ngoại trừ một số người coi làm việc là cống hiến. Quản lý cần trao đổi với nhân viên của mình để biết được rằng làm sao để khiến họ cảm thấy hài lòng.

Với một số người, đó là sự thăng chức, tăng lương. Với nhiều người khác, đó là sự công nhận trước tập thể. Việc khen thưởng cho những thành tích tốt cũng cần được làm thường xuyên.

3. Không quan tâm đến nhân viên

Hơn một nửa nhân viên nghỉ việc vì mối quan hệ của họ với sếp. Nhiều công ty luôn đảm bảo quản lý của mình biết cách cân bằng giữa công việc và mối quan hệ người với người. Đó là những vị sếp biết cách chúc mừng thành công của nhân viên, đồng cảm với người đang trải qua giai đoạn khó khăn,….

Nếu sếp không thực sự quan tâm đến nhân viên, có thể họ sẽ luôn đảm bảo tỷ lệ doanh thu cao. Nhưng ít ai có thể làm việc mãi với mấy ông sếp không quan tâm đến điều gì khác ngoài kết quả công việc nhân viên mang lại.

4. Không coi trọng cam kết của mình

Lời hứa sẽ đặt bạn giữa ranh giới giữa việc khiến ai đó vui vẻ hoặc nhìn họ “dứt áo ra đi”. Khi bạn duy trì cam kết với nhân viên, trong mắt mọi người, bạn sẽ chứng minh được mình là đáng tin cậy và đáng kính trọng. Ngược lại, bạn sẽ trở thành người gian xảo và thiếu tôn trọng.

Thêm nữa, nếu sếp không tôn trọng lời hứa của mình thì sao nhân viên phải làm vậy?

5. Tuyển dụng và ủng hộ sai người

Nhân viên chăm chỉ và siêng năng muốn làm việc với những chuyên gia cùng chí hướng. Khi người quản lý hời hợt trong vấn đề tuyển dụng thì đó là điều khiến nhân viên giỏi cảm thấy không thoải mái. Ủng hộ sai người còn tồi tệ hơn thế nữa.

Việc trao cơ hội thăng tiến cho một người chưa đủ năng lực là một sai lầm lớn. Dù điều đó có thể giúp bạn giảm tải khối lượng công việc nhưng đồng thời lại khiến nhân viên giỏi ra đi.

6. Không cho phép nhân viên theo đuổi niềm đam mê

Những người giỏi luôn có niềm đam mê. Mang đến cơ hội để họ theo đuổi niềm đam mê cũng góp phần tăng năng suất và sự hài lòng trong công việc.

Tuy vậy, nhiều quản lý chỉ muốn nhân viên làm việc trong khuôn khổ. Họ lo sợ năng suốt công việc sẽ giảm khi nhân viên tập trung vào nhiều thứ hơn để theo đuổi niềm đam mê. Nỗi lo này hoàn toàn vô căn cứ.

Nghiên cứu cho thấy rằng những người có thể theo đuổi niềm đam mê sẽ đạt trạng thái hưng phấn và năng suất làm việc cao gấp 5 lần bình thường.

7. Không giúp nhân viên phát triển kỹ năng

Khi được hỏi về sự quan tâm của mình với nhân viên, các quản lý thường tự bào chữa cho bản thân, sử dụng các từ như “tin tưởng,” “tự trị,” và “trao quyền.” Đây hoàn toàn là điều vô nghĩa. Sếp tốt cần quản lý tốt mọi việc, dù cho nhân viên có giỏi đến đâu. Họ cần chú ý, liên tục lắng nghe và đưa lại phản hồi cho nhân viên.

Khi bạn có nhân viên tài năng, việc bạn cần làm là tìm kiếm lĩnh vực để họ có thể cải thiện kỹ năng. Nhân viên cầu tiến thích được nghe phản hồi hơn người khác, đó cũng là việc sếp cần làm. Nếu không làm tốt, những nhân viên tốt nhất sẽ buồn chán, thậm chí là tự mãn.

8. Hạn chế sức sáng tạo

Nhân viên tài năng luôn tìm cách cải thiện mọi thứ họ chạm đến. Đừng hạn chế nhân viên thay đổi và cải thiện chỉ vì bạn thấy thỏa mãn với tình trạng hiện tại. Điều đó chỉ khiến họ thêm ghét công việc hơn. Tạo lên một cái lồng để nhốt nhân viên không chỉ gây hạn chế cho nhân viên, nó còn tác động đến bạn nữa.

9. Không tạo ra những mục tiêu mang tính thách thức

Người sếp tuyệt vời luôn biết cách thách thức nhân viên đạt được nhiều thứ họ chưa từng tưởng tưởng được. Thay vì đặt những mục tiêu tăng trưởng tầm thường, hãy giúp nhân viên thoát khỏi vùng an toàn và đạt được lý tưởng.

Lúc này, sếp giỏi là người sẽ làm mọi thứ trong thẩm quyền để giúp nhân viên thành công. Nếu phải làm những việc quá dễ dàng hay nhàm chán, người giỏi sẽ nhanh chóng tìm kiếm công việc khác thách thức hơn.


Ý kiến của bạn