9 dấu hiệu nghi mắc bệnh tim

06-04-2021 15:53 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các bệnh tim mạch gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu bạn gặp một trong bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, thì cần gặp bác sĩ để được đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đau ngực, khó chịu vùng ngực

Đau ngực là từ mô tả bất kỳ cơn đau, áp lực, đè ép, nghẹt thở, tê hoặc bất kỳ khó chịu nào trong ngực, cổ, hoặc bụng trên, và thường liên quan đến đau ở vùng hàm, đầu, hoặc cánh tay. Tùy vào nguyên nhân, đau ngực có thể kéo dài vài giây đến vài ngày hoặc vài tuần, có thể xảy ra thường xuyên hoặc ít khi xảy ra, đau ngực có thể xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên hoặc trong những trường hợp có thể dự báo trước được. Việc đánh giá nhiều khía cạnh liên quan đau ngực giúp bác sĩ xác định nguyên nhân thực sự, đặc biệt là chứng đau thắt ngực hoặc một số vấn đề nghiêm trọng khác.

Đánh trống ngực

Đánh trống ngực hoặc hồi hộp là triệu chứng liên quan bất thường về nhịp tim, thường gặp rất phổ biến. Hầu hết những người phàn nàn về đánh trống ngực đều mô tả chúng như là “bỏ qua” nhịp tim, hoặc là nhịp tim nhanh và/hoặc nhịp tim bất thường. Hầu hết những người bị đánh trống ngực mắc một số bệnh lý loạn nhịp tim tiềm ẩn. Có rất nhiều loại rối loạn nhịp tim, và hầu như đều có thể gây ra đánh trống ngực. Đôi khi, đánh trống ngực có thể báo hiệu một rối loạn nhịp tim nguy hiểm hơn, như cơn nhịp nhanh thất.

Đau ngực là một trong những dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh tim.

Đau ngực là một trong những dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh tim.

Chóng mặt

Chóng mặt có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm huyết áp thấp và các rối loạn tuần hoàn khác như mất nước, nằm bất động trên giường kéo dài, đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, các cơn bệnh mạch vành, suy tim... Vì có rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên bất kỳ ai trải qua giai đoạn chóng mặt hoặc chóng mặt kéo dài đều phải đi khám một cách kỹ lưỡng và đầy đủ.

Ngất xỉu

Ngất xỉu là một tình trạng mất tạm thời của ý thức. Đôi khi ngất xỉu cho thấy một tình trạng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến mạng sống, do đó khi ngất xảy ra, điều quan trọng là phải tìm cách trợ giúp giúp người ngất tỉnh lại. Sau đó cần tìm ra nguyên nhân gây ngất. Nguyên nhân của ngất có thể được phân thành 4 loại chính: Do thần kinh, chuyển hóa, vận mạch và tim. Trong số này, chỉ có ngất do tim là một mối đe dọa nghiêm trọng có thể gây ra cái chết đột ngột. Triệu chứng ngất do vận mạch là nguyên nhân phổ biến nhất.

Khó thở

Chứng khó thở thường là triệu chứng rối loạn về tim và phổi. Suy tim và bệnh động mạch vành thường gây khó thở và hụt hơi. Bệnh nhân suy tim thường gặp khó thở khi gắng sức, hoặc khó thở khi nằm trên mặt phẳng. Họ cũng có thể đột ngột thức dậy vào ban đêm với thở hổn hển, một tình trạng được gọi là chứng thở khó ban đêm. Các bệnh khác về tim như bệnh van tim hoặc rối loạn nhịp tim có thể gây khó thở.

Đau nhức không giải thích được

Đau xuất hiện ở vùng bụng trên, hàm, vai, cánh tay hoặc lưng xảy ra mà không có lý do cụ thể, có thể là kết quả của bệnh động mạch vành. Nếu cơn đau này xuất hiện trong khi di chuyển, nhưng giảm hoặc mất đi trong khi nghỉ ngơi, cũng có thể báo hiệu bệnh tim.

Phù cơ thể hoặc bàn chân và mắt cá chân

Hiện tượng phù cho thấy cơ thể có dấu hiệu tích nước. Nếu thấy khi ngủ dậy mặt bị căng phù, mí mắt nặng có thể cho thấy bạn đang có những triệu chứng của suy tim. Khi lượng máu ra khỏi tim chậm, máu trở về tim qua tĩnh mạch bị ứ lại, khiến dịch tích tụ tại các mô. Nếu bàn chân hoặc mắt cá chân của bạn bị sưng lên và khi bạn bấm ngón tay vào chỗ sưng phù để lại dấu vết lõm, bạn có thể bị suy tim.

Chán ăn

Một trong những dấu hiệu chính của suy tim sung huyết là người bệnh lúc nào cũng có cảm giác no. Đó là do sự tích tụ của dịch trong gan hoặc hệ thống tiêu hóa của người bệnh. Kết quả là, người bệnh không còn cảm giác muốn ăn và ăn ít hơn.

Tiểu nhiều ban đêm

Đi tiểu thường xuyên vào ban đêm là một dấu hiệu quan trọng của suy tim. Điều này xảy ra do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu. Để tránh hiện tượng này, người bệnh cần kiểm soát lượng nước đưa vào cơ thể vào buổi tối.


BS. Thiện Trí
Ý kiến của bạn