Hà Nội

9 chỉ tiêu của chương trình sữa học đường

27-09-2018 15:53 | Thời sự
google news

SKĐS - Một chỉ tiêu của chương trình sữa học đường là đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi tăng 1,5-2 cm so với năm 2010.

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin về việc thành phố dự kiến chi hơn 1.200 tỷ đồng cho chương trình sữa học đường, nhiều độc giả thắc mắc tại sao chỉ có Hà Nội, tại sao không dùng khoản tiền đó đi xây trường...

Thực tế từ ngày 8/7/2016, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành quyết định số 1340 phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Mục tiêu của chương trình là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ bằng việc cho trẻ uống sữa hàng ngày, nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ.

Quyết định đưa ra 9 chỉ tiêu áp dụng cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học với thời gian thực hiện đến năm 2020, gồm:

- Đến năm 2020, 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.

- Đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

- Đến năm 2020, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

- Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 90% - 95% vào năm 2020.

- Tăng tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40% vào năm 2020.

- Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020.

- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm.

- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm.

- Đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ nhập học (6 tuổi) tăng 1,5-2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.

PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết sữa là một trong tám nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.

Theo bà Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị trẻ mầm non nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6-7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9-11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày.

Bà Nhung khẳng định việc dậy thì sớm của trẻ liên quan hormone tồn dư trong rau, thịt gà, thịt lợn của bữa ăn hàng ngày. Hiện chưa có bài báo quốc tế nào đăng thông tin về mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm.

Trẻ mầm non tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Trẻ mầm non tại TP HCM.

Đẩy mạnh xã hội hóa chương trình sữa học đường

Theo quyết định 1340, giải pháp được đưa ra là ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường đến năm 2020. Nội dung gồm nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng quy định về định mức sữa phù hợp với lứa tuổi.

Nhà nước sẽ có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình để đảm bảo nguồn lực, sự bền vững chương trình, đặc biệt tại các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia và xã hội hóa chương trình.

Công tác tuyên truyền cũng được nhấn mạnh nhằm tạo sự chuyển biến cho chính quyền về vai trò của chương trình và thay đổi nhận thức của cha mẹ, cộng đồng về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em.

Đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia chương trình cũng được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ. Trong quá trình cho trẻ uống sữa, họ có nhiệm vụ kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan, chính quyền các tỉnh thànhvà các tổ chức khác triển khai chương trình này.

Ngoài ra, Bộ Y tế chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia chương trình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho chương trình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chỉ đạo các Sở Giáo dục các phối hợp với Sở Y tế tỉnh thành tổ chức triển khai các hoạt động của chương trình.

UBND các tỉnh thành căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương, bố trí kinh phí để thực hiện chương trình sữa học đường. Địa phương cũng có thể huy động các nguồn lực khác như doanh nghiệp, gia đình, quỹ từ thiện...


Mạnh Tùng
Ý kiến của bạn
Tags: