Chấn thương thể thao là thuật ngữ đề cập đến các loại chấn thương thường xảy ra nhất trong khi chơi thể thao hoặc tập luyện. Mặc dù bộ phận nào trên cơ thể cũng có khả năng bị thương trong lúc vận động, nhưng chủ yếu là những chấn thương hệ thống cơ, xương, khớp và các mô liên quan như sụn, dây chằng. Phần thân dưới có nhiều khả năng bị thương nhất. Chấn thương ở các chi trên chiếm 30,3% thương tích, còn lại là chấn thương ở đầu và cổ.
1. Chấn thương cơ bắp
Điển hình là rách cơ hoặc căng cơ, thường xảy ra khi tập luyện quá mức, không đúng cách, khởi động không kỹ làm cơ thể chưa đủ ấm lên trước khi luyện tập và thi đấu.
Tùy vào mức độ tập luyện của mỗi người mà chấn thương nặng hay nhẹ, gồm:
- Rách cơ: Rách cơ là tình trạng cơ bị rách hoặc căng ra do cơ bắp mệt mỏi hoặc chấn thương. Chấn thương này thường thấy ở những người vận động quá nặng hoặc do khởi động chưa kỹ trước khi tập luyện.
Rách cơ có các biểu hiện: Đau khi sử dụng cơ bắp, sưng, có các vết bầm tím, đỏ, đau dữ dội tại chỗ bị chấn thương thương, yếu cơ…
- Căng cơ: Là hiện tượng cơ bị căng ra, nguyên nhân là do cơ thể mệt mỏi, tập luyện quá mức. Các triệu chứng thường thấy: Đột ngột đau, vận động khó khăn, có các vết bầm tím, sưng tấy, cơ bắp co thắt… Các cơ trên cơ thể đều có thể bị căng, nhưng chủ yếu thường gặp ở cổ, cai, đùi sau, lưng dưới…
2. Bong gân mắt cá chân
Đây là hiện tượng các dây chằng hỗ trợ khớp bị giãn quá mức. Bong gân thường xảy ra khi người tập bị ngã và lật bàn chân vào trong.
Các triệu chứng dễ gặp là: Mắt cá chân bầm tím, sưng, cử động khó, khớp lỏng lẻo...
3. Chấn thương khớp
Đây là những chấn thương dễ gặp khi tập luyện thể thao, thường là viêm khớp, trật khớp, vỡ sụn chêm...
- Vỡ sụn chêm: Chấn thương này có thể xảy ra đơn lẻ nhưng thường đi kèm với tổn thương đứt dây chằng chéo hoặc tổn thương dây chằng chéo mà không được điều trị. Biểu hiện: Sưng, đau, hạn chế vận động gối ngay sau chấn thương, mất vững gối về sau, đau đầu gối kéo dài, đau ở vị trí nhất định, tư thế nhất định…
- Trật khớp gối: Đây là một tình trạng nguy hiểm với hậu quả phải cắt cụt chân lên tới 10%. Do đó, cần phát hiện, xử trí kịp thời đúng cách để tránh các biến chứng xấu nhất.
Trật khớp đầu gối thường là trật khớp đùi – chày. Bệnh nhân đau nhiều, không thể tự vận động, buộc phải được trợ giúp để có thể di chuyển.
4. Gãy xương
Gãy xương trong tập luyện là tình trạng chấn thương do lực tác động bên ngoài; thường gặp ở những môn thể thao đối kháng trực tiếp, hoạt động thể lực với cường độ cao hoặc môn thể thao mạo hiểm. Xương có thể gãy theo chiều dọc/ngang, ở nhiều vị trí, gãy thành nhiều mảnh.
Dấu hiệu nhận biết khi bị gãy xương: Âm thanh lạo xạo dưới da khi chấn thương xảy ra, bầm tím, sưng đỏ, biến dạng tại vị trí gãy xương, người bệnh không thể vận động linh hoạt tại nơi bị gãy.
5. Tổn thương đầu
Chấn thương vùng đầu, nhất là chấn thương sọ não là tình trạng người bệnh bị sang chấn ở đầu, tổn thương hộp sọ, những phần bên trong hộp sọ. Thường gặp ở các môn thể thao như bóng đá, quyền Anh, hoặc trượt ván...
6. Chấn thương dây chằng
Chấn thương dây chằng dễ xảy ra ở các khớp như đầu gối hoặc cổ chân, đặc biệt trong các môn như bóng rổ, bóng đá, và tennis.
- Chấn thương đứt dây chằng chéo trước thường xảy ra khi tiếp đất sai kỹ thuật, đổi hướng di chuyển đột ngột, dừng lại quá bất ngờ, bị va chạm trực tiếp vào gối. Biểu hiện thường là đầu gối, đau sưng, không cử động được.
- Chấn thương dây chằng chéo sau: Khi gặp phải lực tác động mạch khiến cơ thể dồn toàn bộ lực vào đầu gối nên dẫn đến chấn thương dây chằng chéo sau. Triệu chứng dễ nhận thấy là đau dữ dội cùng gối, đầu gối sưng, khớp gối lỏng lẻo.
- Chấn thương dây chằng chéo bên trong gối: Dây chằng này nằm chéo bên trong đầu gối, giúp nối xương đùi và xương chày. Khi bị rách đầu gối thường bị sưng, đau, khớp gối lỏng lẻo.
7. Sưng, bầm tím
Nguyên nhân dẫn đến bầm tím, sưng sau tập luyện thể thao thường xuất phát từ va chạm hoặc tự rơi, ngã lúc tập luyện hoặc tập luyện cường độ cao.
Tập luyện với cường độ cao có thể khiến cho cơ bắp bị đau, thậm chí khiến một số mạch máu nhỏ bị căng ra và rách nhẹ. Từ đó dẫn đến tình trạng chảy máu dưới da và hình thành nên các vết bầm tím.
8. Đau tim và vấn đề về tim mạch
Một số người, đặc biệt là người lớn tuổi, có thể gặp rủi ro cao hơn với vấn đề tim mạch khi tập thể dục quá sức.
Các triệu chứng thường thấy: Khó thở, đau ngực, đau hàm, cổ, vai, cánh tay, lưng, choáng váng...
9. Mất nước
Nước giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, bôi trơn các khớp xương, giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng và sức khỏe. Với những người tập luyện thể thao, nếu bị mất nước sẽ bị giảm độ nhanh, giảm sự chính xác, dễ bị chấn thương.
Với những môn thể thao ngoài trời trong điều kiện nắng nóng có thể dẫn đến mất nước với các biểu hiện: Mệt mỏi, chuột rút, chóng mặt, nguy hiểm nhất là sốc nhiệt.
Để tránh các mối nguy hiểm này, quan trọng nhất là cần tập luyện một cách an toàn: Luôn khởi động thật kỹ phù hợp với bài tập giúp cơ thể được ấm lên trước khi tập và giải độc sau khi tập. Sử dụng đúng kỹ thuật và thiết bị, đặc biệt là luôn lắng nghe theo cơ thể mình.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc đau đớn nào, nên ngừng tập luyện và tìm kiếm sự giúp đỡ y tế kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tập luyện khi nắng nóng thế nào để tránh sốc nhiệt?