1. Tăng lượng calo hấp thụ
Trung bình để tăng cân lành mạnh, bạn nên ăn vào 300 - 500 calo nhiều hơn so với mức tiêu thụ calo trung bình trong ngày. Ví dụ bạn cần 1.500 calo/ngày, bạn nên ăn vào 1.800 - 2.000 calo/ngày để tăng cân. Hãy chia nhỏ thành 5 - 6 bữa trong ngày, trong đó gồm 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ. Tuy nhiên, để đảm bảo tăng cân lành mạnh, nên lựa chọn các thực phẩm như sữa, sữa chua, quả bơ, trái cây sấy, sầu riêng, chuối, xoài… cho bữa phụ.
2. Bổ sung các thực phẩm giàu protein
Chất đạm đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống hàng ngày, dù bạn muốn tăng hay giảm cân. Nếu ăn không đủ protein, lượng calo thừa ăn vào sẽ chuyển thành mỡ. Do đó, hãy ưu tiên ăn protein, tinh bột trước trong mỗi bữa ăn - do đây là hai nhóm dinh dưỡng giàu năng lượng nhất, rồi hãy ăn rau - do rau nhiều chất xơ có thể khiến bạn no sớm và không ăn vào đủ protein, tinh bột.
Những thực phẩm giàu protein gồm thịt, cá, trứng, hải sản, đỗ, đậu phụ, sản phẩm từ sữa, hạt điều, hạnh nhân, hạt chia…
3. Tăng cường lượng carbohydrate
Carbohydrate là nguồn nguyên liệu chính cho mọi hoạt động trong cơ thể. Người cần tăng cân nên ăn nhiều thức ăn giàu tinh bột như cơm, bánh mỳ, ngũ cốc, yến mạch, mỳ, khoai tây, trái cây…
4. Ưu tiên chất béo lành mạnh
Để cải thiện cân nặng, bạn nên bổ sung chất béo lành mạnh trong chế độ ăn uống. Loại chất béo này được tìm thấy trong dầu ô liu, dầu đậu phộng, dầu đậu nành, dầu hướng dương, quả óc chó, quả bơ, các loại hạt. Các loại cá như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi, cá cơm... là nguồn chất béo tốt chứa nhiều omega - 3 giúp giảm cholesterol.
Không những thế, tiêu thụ chất béo lành mạnh còn giúp cơ thể hấp thụ các vitamin tan trong chất béo, bao gồm vitamin A, D, E, K. Những vitamin này rất cần thiết cho các chức năng cơ thể khác nhau, từ duy trì thị lực và sức khỏe làn da đến hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
5. Không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng
Khi đói cơ thể sẽ tận dụng nguồn năng lượng dự trữ ở cơ bắp, gan… khiến cho người gầy càng khó tăng cân. Trong khi đó, bữa sáng giúp khởi động quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tiếp thêm năng lượng giúp nâng cao sức khỏe và sẵn sàng cho mọi hoạt động trong ngày. Vì vậy, người gầy không được bỏ qua bất kỳ bữa ăn nào trong ngày, đặc biệt là bữa sáng.
6. Bổ sung đồ uống giàu dinh dưỡng
Ngoài chế độ ăn, bạn cũng có thể bổ sung sữa, nước ép trái cây, sinh tố trái cây hoặc rau củ... Các loại nước uống này rất giàu dinh dưỡng giúp cung cấp thêm năng lượng, vitamin và dưỡng chất thiết yếu hỗ trợ quá trình trao đổi chất đạt hiệu quả tối đa.
7. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ có chức năng phục hồi cơ thể, cung cấp dưỡng chất đến toàn bộ các cơ quan của chúng ta. Trong khi ngủ, các hormone adrenaline, dopamine, serotonin, melatonin được sản xuất mạnh mẽ nhất. Bên cạnh đó, chất lượng giấc ngủ là rất quan trọng đối với trọng lượng cơ thể và tăng trưởng cơ bắp.
Việc ngủ đủ và sâu giấc sẽ giúp giải trừ, thanh lọc nhiều độc tố khỏi cơ thể, vì vậy hãy lưu ý mỗi ngày ngủ đủ ít nhất từ 6 - 8 giờ bạn nhé!
8. Tập thể dục đều đặn
Một trong những sai lầm khi tăng cân chính là ăn thật nhiều nhưng không có thói quen tập thể dục, đặc biệt là bài tập sức mạnh. Điều này có thể khiến bạn dễ bị béo phì và gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác. Bởi vậy, để tăng cân, tăng cơ, hãy kết hợp những bài tập sức mạnh vào chế độ luyện tập của mình.
Tập tạ ít nhất 3 lần một tuần là điều cần thiết để tăng cân lành mạnh. Điều này sẽ giúp tăng và duy trì khối lượng cơ nạc. Để tiếp tục đạt được khối lượng cơ nạc, cần phải thay đổi và phát triển các bài tập bằng cách tăng trọng lượng tạ hoặc số lần hoặc số hiệp.
9. Thăm khám dinh dưỡng nếu tình trạng không cải thiện
Nếu cân nặng không cải thiện sau khi đã áp dụng các biện pháp giúp tăng cân, bạn nên đến thăm khám tại chuyên khoa dinh dưỡng ở các bệnh viện uy tín. Các bác sĩ sẽ kiểm tra và tìm ra nguyên nhân khiến cơ thể khó tăng cân, từ đó đưa ra hướng cải thiện phù hợp.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
5 món cháo dinh dưỡng ngon bổ rẻ, càng ăn bệnh tật càng tránh xa | SKĐS