Khi thận bị suy, cần phải chạy thận suốt đời hoặc ghép thận.
Với việc quản lý tốt và các phương pháp điều trị mới, bệnh thận có thể được ngăn ngừa và kiểm soát.
1. Biết điều gì khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh thận
Bệnh đái tháo đường hay lượng đường trong máu cao trong cơ thể là yếu tố nguy cơ số một của bệnh thận. Tăng huyết áp cũng liên quan chặt chẽ với bệnh thận. Các rủi ro khác bao gồm bệnh tim, béo phì, tiền sử gia đình, tổn thương thận trong quá khứ và lão hóa... Khi chúng ta già đi, thận sẽ mất đi một số chức năng.
Khi thận không hoạt động bình thường, bạn có thể gặp phải những tình trạng:
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng, khó tập trung.
- Khó ngủ.
- Da khô và ngứa.
- Đi tiểu thường xuyên hơn.
- Máu trong nước tiểu.
- Bọng quanh mắt.
- Sưng mắt cá chân và bàn chân.
- Chuột rút cơ bắp.
Các dấu hiệu cảnh báo thực thể về bệnh thận là rất hiếm. Hầu hết bệnh thận được phát hiện thông qua xét nghiệm máu. Tuy nhiên, nếu bạn có bọt hoặc máu trong nước tiểu có thể bạn đang bị rối loạn thận. Những người bị sỏi thận có thể bị đau nhói từng đợt hoặc lan xuống vùng háng. Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, sỏi làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
TS. Michelle Josephson, bác sĩ chuyên khoa thận, Trường Y Đại học Chicago, Hoa Kỳ cho biết, bạn nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về tác dụng của các loại thuốc bạn dùng đối với thận của mình. Một số loại thuốc miễn dịch, thuốc chống viêm không steroid, thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
2. Trao đổi với bác sĩ về cách phòng ngừa và điều trị bệnh thận
Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường, tăng huyết áp, thành viên gia đình mắc bệnh thận hoặc các yếu tố nguy cơ khác, hãy đi khám kiểm tra chức năng thận bằng các xét nghiệm máu và nước tiểu.
Bệnh thận thường diễn biến âm thầm nên xét nghiệm là cách duy nhất để biết bạn có bị tổn thương hay không. Kết quả sẽ cho bạn biết thận của bạn hoạt động như thế nào.
Cụ thể hơn, xét nghiệm máu sẽ cho bạn biết thận của bạn lọc máu như thế nào bằng cách đo creatinine - một loại protein được tạo ra bởi cơ thường được lọc và bài tiết qua nước tiểu. Khi thận không hoạt động bình thường, mức creatinine sẽ tích tụ trong máu. Xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện protein đi vào nước tiểu khi thận bị tổn thương hay không.
Ngoài ra, cần theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và cân nặng và thực hiện những thay đổi lối sống lành mạnh.
3. Kiểm soát lượng đường trong máu
Nguyên nhân số một gây suy thận là bệnh đái tháo đường, có thể gây tổn thương các tế bào và mạch máu trong thận. Bệnh thận là một biến chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường. TS. Susan Quaggin, trưởng khoa thận và tăng huyết áp tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, Hoa Kỳ cho biết, bệnh đái tháo đường chiếm gần một nửa số ca suy thận mới được chẩn đoán mỗi năm.
Cần xét nghiệm A1C đo lượng đường trong máu trung bình trong ba tháng qua. Điều quan trọng là phải biết liệu bạn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường hay tiền đái tháo đường hay không, cũng như việc bạn quản lý bệnh đái tháo đường tốt như thế nào.
4. Kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao hoặc tăng huyết áp thường liên quan đến bệnh thận. Theo Viện Đái tháo đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia, khoảng 1/2 người Mỹ trưởng thành bị tăng huyết áp. Nếu huyết áp của bạn luôn cao, bạn nên kiểm tra chức năng thận.
Tăng huyết áp là một vấn đề rất phổ biến. Bằng cách duy trì hoạt động, tránh ăn quá nhiều muối và uống thuốc theo chỉ định, có thể giúp hạ huyết áp. Điều quan trọng là phải kiểm tra huyết áp thường xuyên.
5. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh để bảo vệ thận
Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, nhưng nếu bạn mắc bệnh thận hoặc có nguy cơ mắc bệnh này, nên đặc biệt chú ý đến dinh dưỡng. Bạn thậm chí cần phải tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng có kinh nghiệm về sức khỏe thận để tìm hiểu cách tránh những thực phẩm ảnh hưởng đến khả năng lọc máu và loại bỏ chất thải khỏi cơ thể của thận.
Chế độ ăn uống nên ít muối. Muối có thể gây ra tăng huyết áp, đặc biệt nếu bạn mắc bệnh hẹp mạch máu. Vì vậy, hãy tránh thêm muối vào thức ăn và ăn thực phẩm tươi thay vì các sản phẩm bảo quản có chứa lượng lớn muối và đường. Bỏ qua các loại thịt béo và mua các mặt hàng có nhãn "giảm natri" hoặc "natri thấp".
Giảm lượng đường trong chế độ ăn uống. Có mối liên hệ trực tiếp giữa quá nhiều đường và bệnh đái tháo đường, có thể gây ra bệnh thận. Uống nước thay vì cola và nước trái cây ngọt. Hãy nhớ rằng nhiều loại gia vị có hàm lượng đường và natri cao và cần được giảm thiểu.
Cuối cùng, hãy chú ý đến lượng protein bạn ăn. Quá nhiều có thể làm hỏng thận khiến chúng phải làm việc quá sức. Lượng protein tốt cho sức khỏe để ăn phụ thuộc vào kích thước cơ thể và mức độ hoạt động của bạn, vì vậy cần trao đổi với bác sĩ để biết điều này.
Vận động thể chất có thể giữ cho thận khỏe mạnh hoặc ngăn ngừa tổn thương thêm.
6. Nếu bạn bị bệnh thận, hãy hạn chế những thực phẩm không tốt cho thận
Khoáng chất kali có nhiều vai trò, bao gồm giúp cơ thể duy trì mức chất lỏng bình thường bên trong tế bào, ảnh hưởng đến huyết áp và kiểm soát sự co cơ. Tuy nhiên, đối với những người bị tổn thương thận, quá nhiều kali có thể khiến thận bị quá tải và gây tổn thương cho tim. Tránh xa trái cây sấy khô, khoai tây nướng, đậu lăng, chuối và sữa. Một lần nữa, hãy trao đổi với bác sĩ để biết về những thông tin này.
Người mắc bệnh thận cũng cần hạn chế phốt pho. Cùng với canxi, nó cần thiết để tạo xương chắc khỏe và giữ cho bạn khỏe mạnh, nhưng quá nhiều có thể khiến thận bị tổn thương khó đào thải. Phốt pho thường được sử dụng làm phụ gia thực phẩm hoặc chất bảo quản và có thể được tìm thấy trong đồ uống đóng chai và thực phẩm được chế biến đóng gói sẵn và đóng hộp. Nó không bắt buộc phải được liệt kê trên nhãn thực phẩm, nhưng bạn có thể thấy những từ bắt đầu bằng phos chỉ phốt pho ẩn. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng bao nhiêu là quá nhiều.
Nếu bạn mắc bệnh thận tiến triển, bạn nên tuân thủ chặt chẽ các khuyến nghị của bác sĩ thận và chuyên gia dinh dưỡng. Nói chung, hãy tránh những thực phẩm giàu đường, kali và phốt pho và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cho tim. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, lượng protein và chất lỏng hấp thụ cũng có thể cần được hạn chế.
7. Tập thể dục đầy đủ để giúp kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp
Giống như thói quen ăn uống tốt, tập thể dục rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và có thể giữ cho thận khỏe mạnh hoặc ngăn ngừa tổn thương thêm. Vận động thể chất liên tục như đi bộ, bơi lội và đi xe đạp giúp cải thiện huyết áp, lượng đường trong máu, giảm cholesterol, duy trì cân nặng khỏe mạnh. Các bài tập tăng cường sức mạnh ở mức độ thấp với tạ cũng sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể. Nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu kế hoạch tập thể dục, nhưng mục tiêu của bạn thường là tập thể dục ít nhất năm ngày một tuần, mỗi ngày 30 phút.
8. Ngừng hút thuốc
Hút thuốc có hại cho sức khỏe tổng thể. Theo một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên BMC Public Health, hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
Nếu bạn đã có vấn đề về thận, hút thuốc sẽ khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn. Nó làm tổn thương mạch máu, làm chậm lưu lượng máu đến thận và các cơ quan khác và gây kích ứng thận. Nó có thể can thiệp vào thuốc dùng để hạ huyết áp.
9. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần tổng thể. Nó cung cấp nhiều năng lượng hơn, khiến bạn tập trung hơn, cải thiện huyết áp và kiểm soát sự thèm ăn.
Nghiên cứu mới đã liên kết tình trạng thiếu ngủ và rối loạn giấc ngủ với tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch và suy thận cao hơn. Những người ngủ ít thường có chức năng thận suy giảm nhanh hơn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chức năng thận được điều chỉnh bởi chu kỳ ngủ - thức, điều này có thể giúp điều phối khối lượng công việc của thận.
Mời bạn xem thêm video:
Những thói quen tốt cho thận cần thực hiện ngay nếu muốn có thận khỏe.