Mặc quần lót làm bằng vải cotton
Một loại nấm có tên là Candida albicans chính là nguyên nhân cho tình trạng nhiễm nấm trong môi trường ẩm và ấm. Để phòng tránh bị nhiễm nấm, bạn nên mặc quần lót làm bằng cotton để giảm tình trạng tích tụ độ ẩm. Vải cotton sẽ thấm hút ẩm ra khỏi âm đọa của bạn.
Các loại vải tổng hợp như nylon sẽ không giúp bạn làm giảm độ ẩm ở vùng kín, thay vào đó, chúng sẽ khiến hơi ẩm không thể thoát ra ngoài được và biến vùng kín trở thành môi trường lý tưởng để nấm phát triển.
Mặc dù việc bị nhiễm nấm do mặc đồ lót bằng sợi tổng hợp không xảy ra với tất cả mọi người, nhưng, những phụ nữ dễ mắc các bệnh nhiễm nấm mãn tính thì nên chú ý đến nguy cơ do quần lót gây ra.
Một cách khác để làm giảm độ ẩm ở âm đạo là tránh sử dụng băng vệ sinh hàng ngày quá lâu, vì băng vệ sinh sẽ làm không khí không lưu thông được, do vậy, sẽ khiến độ ẩm tích tụ lại lâu hơn tại vùng kín.
Không sử dụng các sản phẩm có mùi thơm
Để duy trì cân bằng pH ở âm đạo, bạn nên tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm tại khu vực này, ví dụ như xà phòng, tampon, băng vệ sinh, các sản phẩm dạng xịt và dạng bột. Một số chuyên gia về sản phụ khoa đã khẳng định rằng các sản phẩm có chứa mùi thơm có thể làm khô các mô nhạy cảm. Nếu bạn đã bị nhiễm nấm âm đạo, sử dụng các sản phẩm này có thể làm nặng thêm tình trạng nhiễm nấm và khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn.
Bạn cũng nên tránh thụt rửa âm đạo bởi việc này có thể làm mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại tại âm đạo. Thụt rửa cũng sẽ làm loại bỏ lớp niêm mạc bảo vệ của âm đạo, cũng là lớp hàng rào bảo vệ âm đạo khỏi tình trạng nhiễm nấm.
Cởi bỏ quần áo ẩm ướt ngay lập tức
Sau khi luyện tập thể thao hoặc sau khi đi bơi, bạn nên cởi bỏ bộ quần áo ướt càng sớm càng tốt. Mặc dù đa số phụ nữ sẽ không bị nhiễm nấm âm đạo nếu mặc quần áo ướt, nhưng, với những phụ nữ đã từng bị nấm âm đạo nhiều lần trước đó, thì nên thận trọng nếu phải mặc quần áo ướt trong một khoảng thời gian quá lâu.
Bạn nên lau hoặc sấy khô vùng kín sau khi tắm, đồng thời, sau mỗi lần đi vệ sinh, nên dùng giấy làm sạch vùng kín theo chiều từ trước ra sau. Việc này cũng sẽ ngăn không cho vi khuẩn có trong phân xâm nhập vào âm đạo.
Tăng cường bổ sung probiotic
Ăn các loại thực phẩm như sữa chua có chứa các dòng lợi khuẩn như Lactobacillus và/hoặc acidophilus (hai loại vi khuẩn được tìm thấy trong âm đạo) sẽ giúp kích thích sự phát triển của các lợi khuẩn tại âm đạo, giúp âm đạo của bạn chống lại được tình trạng nhiễm nấm. Một cách khác đó là bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm chức năng khác có chứa 2 dòng lợi khuẩn này. Các nghiên cứu đã chứng minh được rằng, có mối liên quan giữa việc tiêu thụ các loại lợi khuẩn này và tăng số lượng lợi khuẩn tại âm đạo.
Kiểm soát lượng đường huyết
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, phụ nữ bị tiểu đường typ 2 dễ có nguy cơ bị nhiễm nấm âm đạo tái phát hơn. Do vậy, hãy đảm bảo rằng, bạn kiểm soát hiệu quả lượng đường huyết bởi việc này sẽ giúp bạn dự phòng được tình trạng nhiễm nấm âm đạo. Đường huyết tăng lên quá cao và không được kiểm tra sẽ khiến vi khuẩn tại âm đạo phát triển nhanh hơn.
Ngoài ra, việc mang thai và một số bệnh cũng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm nấm ấm đạo tái phát của bạn. Nguyên nhân chung của những tình trạng này, đó là do cơ thể bạn bị mất khả năng chống lại tình trạng viêm nhiễm khi bị tiểu đường hoặc mang thai.
Thay đổi loại thuốc tránh thai bạn đang dùng
Rất nhiều loại thuốc tránh thai hiện nay có chứa estrogen. Với đa số phụ nữ, estrogen không phải là vấn đề gì đáng lo ngại, nhưng quá nhiều estrogen có thể sẽ khiến một vài phụ nữ dễ nhiễm nấm âm đạo hơn. Estrogen sẽ dẫn đến sự sản xuất glycogen (một loại đường) tại âm đạo, và bởi vì các bào tử nấm sẽ ăn loại đường này để tồn tại, nên quá nhiều glycogen sẽ dẫn đến việc vi khuẩn phát triển ngoài tầm kiểm soát.
Nếu bạn lựa chọn các loại thuốc tránh thai có chứa estrogen với hàm lượng cao và bạn lại thuộc nhóm người dễ bị nhiễm nấm âm đạo, thì bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi tiến hành đổi thuốc tránh thai. Bác sỹ có thể sẽ gợi ý bạn nên sử dụng thuốc tránh thai với công thức khác, chỉ chứa progesterone.
Tránh mặc quần áo quá chật
Hãy mặc những loại quần áo thoải mái và để toàn bộ cơ thể bạn có thể “thở” được. Các loại quần áo bó sát, chật, ví dụ như quần legging, quần jeans sẽ khiến nhiệt độ và độ ẩm bị tích tụ lại ở vùng kín. Việc này cũng sẽ làm nấm Candida albicans phát triển mạnh mẽ hơn. Cũng như quần lót, bạn nên lựa chọn các loại quần áo mặc ngoài có chứa thành phần cotton và không quá chật so với cơ thể bạn. Như vậy, không khí có thể lưu thông được ở vùng kín. Mặc đồ ngủ hoặc váy ngủ cũng là một cách khác để giữ âm đạo của bạn luôn khô và mát.
Nếu được, hãy tránh sử dụng các loại kháng sinh
Chỉ nên sử dụng kháng sinh nếu bạn được bác sỹ kê đơn. Sử dụng kháng sinh một cách không cần thiết trong thời gian dài (ví dụ như để điều trị cảm lạnh) có thể gây ra tình trạng nhiễm nấm bởi kháng sinh sẽ tiêu diệt hết tất cả các loại vi khuẩn. Kể cả các loại vi khuẩn tốt, cơ thể cần để kiểm soát sự phát triển của nấm cũng sẽ không tồn tại được nếu bạn sử dụng kháng sinh.
Nếu bạn bị nhiễm nấm âm đạo trong khi sử dụng kháng sinh hoặc cá loại thuốc khác, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ, xem liệu có cách điều trị nào khác phù hợp với bạn hay không. Một loại kem bôi ngoài da không cần kê đơn cũng có thể sẽ cần thiết trong quá trình điều trị nhiễm nấm âm đạo.
Giảm tiêu thụ đường
Mặc dù các nghiên cứu về vấn đề này vẫn đang được tiến hành, nhưng một số phụ nữ, dựa vào kinh nghiệm bản thân, cho rằng, tiêu thụ một lượng đường lớn sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm nấm âm đạo. Nguyên nhân có thể là do lượng đường lớn (đặc biệt là glucose) sẽ kích thích nấm phát triển và dính vào các tế bào ở âm đạo. Vì vậy, việc ăn các loại thực phẩm ít đường có thể sẽ giúp bạn dự phòng tình trạng nhiễm nấm âm đạo. Ăn chế độ cân bằng, tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế sử dụng một số chế phẩm làm từ sữa, đồ uống có cồn và các loại đồ uống có ga sẽ là một ý tưởng tuyệt vời. Một số phụ nữ thậm chí còn tránh ăn một số loại trái cây hoặc rau xanh có chứa tinh bột ra khỏi chế độ ăn của họ.