Hà Nội

9 biểu hiện sau chứng tỏ bạn đã mắc huyết áp thấp

10-07-2023 06:48 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Huyết áp thấp là căn bệnh phổ biến, có thể gây ra những nguy hiểm như đột quỵ hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới tim mạch...

Huyết áp thấp đôi khi không có triệu chứng, hoặc những triệu chứng nhẹ như đau đầu, choáng váng, chóng mặt cho đến nặng hơn như bệnh nhân có thể ngất, hoặc hôn mê.

Mỗi người sẽ có những dấu hiệu cảnh báo khác nhau về tình trạng hạ huyết áp, có thể chỉ là hoa mắt, chóng mặt, với những người khác thì sức khỏe bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhưng hầu hết người mắc bệnh huyết áp thấp đều gặp một hoặc kết hợp nhiều triệu chứng sau đây:

1. Biểu hiện mệt mỏi: Dấu hiệu này thường xuất hiện vào buổi sáng, người bệnh thường cảm thấy tinh thần mệt mỏi, chân tay tê buồn rã rời không có sức sống.

2. Có biểu hiện đau đầu: Mỗi người có mức độ và tính chất đau đầu khác nhau, thường đau nặng hơn ở vùng đỉnh đầu. Cơn đau đầu sẽ nặng hơn sau mỗi lần não căng thẳng hoặc hoạt động thể lực nặng.

3. Biểu hiện choáng, ngất: Những người bị huyết áp thấp ở mức độ nghiêm trọng có thể có triệu chứng của ngất (tình trạng mất ý thức đột ngột).

9 biểu hiện sau chứng tỏ bạn đã mắc huyết áp thấp - Ảnh 1.

Mỗi người mắc huyết áp thấp có mức độ và tính chất đau đầu khác nhau, thường đau nặng hơn ở vùng đỉnh đầu.

4. Biểu hiện nhìn mọi vật mờ đi (thị lực giảm): Thị lực bị giảm làm mờ mắt. Cách tốt nhất là nên tìm một chỗ ngồi xuống và nghỉ ngơi, cho đến khi huyết áp và thị lực trở lại bình thường.

5. Có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt: Thường xuất hiện vào những lúc thay đổi tư thế đột ngột như đứng dậy sau khi ngồi quá lâu, ngồi bật dậy khi đang nằm, hoặc khi đứng trong nhiều giờ liền.

6. Có biểu hiện mất tập trung: Khi cơ thể hạ huyết áp máu sẽ không đủ cung cấp đến não như bình thường, từ đó khiến các tế bào não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động bình thường.

7. Có biểu hiện da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt: Khi huyết áp thấp, chân tay của bạn thường có cảm giác bị tê cóng và lạnh ở bên trong cơ thể. Nguyên nhân là do cơ thể bạn không thể duy trì việc tưới máu và cung cấp oxy đến da, gây giảm thân nhiệt.

8. Xuất hiện tim đập nhanh: Khi huyết áp xuống quá thấp, cơ thể bị thiếu oxy nghiêm trọng, điều này khiến tim và phổi phải tăng cường hoạt động để bù đắp phần thiếu hụt gây nên tình trạng nhịp tim nhanh và nhịp thở nhanh, khó thở.

9. Xuất hiện suy nhược cơ thể: Người bệnh trải qua rất nhiều những biểu hiện khó chịu khiến cơ thể mệt mỏi lâu ngày sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể.

9 biểu hiện sau chứng tỏ bạn đã mắc huyết áp thấp - Ảnh 2.

Huyết áp thấp là khi huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60mmHg.

Ngoài ra, người huyết áp thấp có biều hiện đỏ mặt, có cảm giác hồi hộp, cảm giác lợm giọng và buồn nôn là dấu hiệu khi huyết áp bị thấp… thậm chí còn mất ý thức tạm thời.

Khi các biểu hiện của tình trạng huyết áp thấp xuất hiện quá rầm rộ nhưng nhiều người chủ quan không thăm khám, điều trị sớm... điều này dẫn đến hậu quả sau:

Nhiều người bệnh tụt huyết áp khiến tim đập nhanh, choáng váng, ngất xỉu tại chỗ và có thể bị ngã gãy xương hoặc chấn thương đầu. Huyết áp thấp làm giảm lưu lượng máu lên não, các tế bào thần kinh không đủ oxy, dưỡng chất lâu dần thoái hóa dẫn tới suy giảm trí nhớ.  Điều nguy hại hơn là huyết áp thấp khiến dòng máu nuôi dưỡng tim và não giảm, máu ứ trệ trong lòng mạch làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối gây tắc mạch. Theo thống kê, có khoảng 10-15% số người bị tai biến mạch máu não và 25% số người bị nhồi máu cơ tim là do huyết áp thấp gây ra, điều này có thể đe dọa tính mạng của người bệnh bất cứ lúc nào.

Tóm lại: Biểu hiện của huyết áp thấp tuy không đến rầm rộ như huyết áp cao, nhưng những gì nó gây ra lại làm ảnh hưởng không hề nhỏ đến chất lượng công việc và cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Huyết áp thấp do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó có thể không đủ thể tích máu trong lòng mạch.

Điều này có thể xảy ra nếu cơ thể bị mất máu hoặc mất nước, nghĩa là cơ thể không có đủ lượng dịch cần thiết nếu: Không uống đủ nước, bị tiêu chảy hoặc nôn nhiều, đổ mồ hôi nhiều (ví dụ trong khi tập thể dục) gây toát mồ hôi và mất nước.

Một số bệnh lý về tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý nội tiết như tiểu đường, hạ đường huyết, suy giáp…hoặc dùng thuốc cũng có thể gây hạ huyết áp tư thế hay hạ huyết áp.

Vì vậy, khi có một trong các biểu hiện trên hoặc nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Huyết áp là áp lực trong lòng mạch máu để tim bơm máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp có 2 chỉ số: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là áp lực động mạch khi tim bơm máu đi, huyết áp tâm trương là áp lực trong động mạch giữa 2 kỳ co bóp của tim. Huyết áp thấp là khi huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60mmHg.

Khi một người đứng lên ngồi xuống choáng váng, chóng mặt cũng có thể do huyết áp thấp, lúc này cần phải đo huyết áp ở tư thế nằm và tư thế đứng. Nếu huyết áp tâm thu từ 20mmHg trở lên và huyết áp tâm trương giảm từ 10mmHg trở lên thì gọi là hạ huyết áp tư thế.


BS.CK2 Nguyễn Phương Mai
Ý kiến của bạn