1.Biện chứng luận trị
Theo Đông y, khi có thai mà hàng tháng vẫn còn ra ít máu, hoặc cứ vài ngày từ âm đạo lại có máu tươi rỉ ra, là hiện tượng "có thai rong huyết".
Rong huyết mà lưng, bụng không đau Đông y gọi là "thai lậu". Nếu đang có thai, bỗng nhiên thấy bụng đau, lưng mỏi, thai trong bụng giãy đạp rộn rạo có cảm giác như tụt xuống dưới, âm đạo xuất huyết, Đông y gọi là "động thai". Nếu lưng đau, hông mỏi, bụng đau kịch liệt, cửa mình chảy nước ối... nguy cơ bị sảy thai sẽ khó tránh khỏi, cần đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu.
Đông y chia chứng động thai thành "hư chứng" và "thực chứng". "Hư chứng" là những biểu hiện về suy nhược cơ thể, còn "thực chứng" trong trường hợp này chủ yếu là "huyết nhiệt", với các triệu chứng bực bội vật vã, khát nước, da nóng không có mồ hôi, thai trộn rộn không yên, có cảm giác cồn cào, háo khô, đi tiểu nóng...
Những trường hợp động thai tương đối nhẹ, có thể theo dõi ở nhà và áp dụng điều trị theo kinh nghiệm của Đông y.
2. Các phương thuốc thường dùng giúp an thai
2.1 Trà rễ gai: Rễ gai tươi 60g (khô 30g), sắc với 600ml nước, cô đặc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày
Tác dụng: Dưỡng huyết, chỉ huyết (cầm máu) và an thai, có thể áp dụng với tất cả các trường hợp động thai thông thường.
Cây gai cho vị thuốc an thai
2.2 Gà hầm đỗ trọng: Gà mái 1 con, làm sạch, nhồi 20g đỗ trọng vào bụng, cho nước vào đun nhỏ lửa cho đến khi thịt gà chín mềm, nêm gia vị, ăn cái uống thang.
Tác dụng: ích khí dưỡng huyết, hổ thận an thai; thích hợp với các trường hợp động thai do thận hư.
2.3 Cháo thuốc long nhãn: Long nhãn 40g, rễ gai 30g, gạo tẻ 100g. Rễ gai rửa sạch, sắc với nước trong 30 phút, chắt lấy nước cốt đem nấu với long nhãn và gạo thành cháo. Chia ăn trong ngày.
Tác dụng: Ích khí, chỉ huyết, an thai; có thể áp dụng để chữa trị các trường hợp động thai do cơ thể hư nhược.
2.4: Thang rễ gai dây mướp: Rễ gai 30g, dây mướp 30g, sắc nước uống, mỗi ngày một thang, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
Tác dụng: Thang thuốc đơn giản này có tác dụng thanh nhiệt, an thai; thích hợp cho trường hợp động thai do huyết nhiệt và quen dạ đẻ non (tập quán tính lưu sản).
2.5 Nam qua đế an thai ẩm: Cuộng quả bí ngô già 30g, sắc nước uống mỗi ngày 1 - 2 thang.
Tác dụng: Bổ khí, an thai; thích hợp với trường hợp động thai do khí huyết hư nhược.
2.6 Nam qua đế hà đế thang: Cuộng quả bí ngô già 3 cái, cuộng bát sen 5 cái. Hai thứ cho vào nồi đất, thêm nước vào sắc uống.
Tác dụng: Thanh thử (trừ nắng nóng) lý khí, an thai; thích hợp với trường hợp động thai trong mùa hạ.
2.7 Cháo a giao: A giao 10g, gạo tẻ 100g. Cháo nấu chín mềm, cho a giao vào trộn để a giao tan đều là dùng được. Chia ăn trong ngày.
Tác dụng: Bồi bổ khí huyết, chủ trị động thai do cơ thể suy nhược.
2.8 Giao ngải thang: A giao 10g, ngải diệp 6g. Ngải cứu sắc kỹ với nước, chắt lấy nước thuốc, bỏ bã, cho a giao vào hâm nóng lại cho tới khi a giao tan đều là được. Chia ra 2 phần uống trong ngày, uống ấm tốt hơn uống lạnh.
Tác dụng: Trị chứng động thai do cơ thể suy nhược và bị lạnh (thể trạng hư hàn)
2.9 Chè cuộng bí ngô, rễ lau: Cuộng quả bí ngô 20g, rễ lau tươi 30g, bột ngó sen 50g. Sắc cuộng bí ngô và rễ lau tươi lấy nước. Cho bột ngó sen và đường trắng vào nấu như chè. Mỗi ngày 1 thang.
Tác dụng: Dưỡng âm, sinh tân, chỉ huyết, an thai; thích hợp với trường hợp động thai do âm hư, huyết nhiệt.
Mời bạn xem thêm video:
Diễn tập phương án có học sinh F0 trong trường học