9 bài thuốc bổ tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi

SKĐS - Thuốc bổ giúp người cao tuổi tăng cường sức khỏe, phòng chữa bệnh, làm chậm sự già yếu, chống lão hóa…

1. Những vấn đề sức khỏe thường gặp ở người cao tuổi

Khi tuổi càng cao, công năng của các cơ quan trong cơ thể và sức đề kháng dần dần suy giảm, bệnh tật theo đó mà xuất hiện hoặc tái phát.

- Đau xương khớp là bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi. Biểu hiện là đau khớp gối, cột sống cổ, khớp bàn tay, ngón tay… Đặc biệt là đau cột sống thắt lưng nhất là khi thời tiết thay đổi. Thoái hóa khớp gối, khớp cổ tay, bàn tay gây biến chứng cứng khớp, đau khớp, vận động khó khăn.

photo-1696132305106

Đau xương khớp là bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

- Tiêu hóa kém: Người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa như ăn không tiêu hoặc khó tiêu, đầy hơi, trướng bụng, táo bón kéo dài hoặc đại tiện lỏng, bệnh viêm dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng co thắt, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, bệnh trĩ.

- Suy nhược thần kinh, mất ngủ, hay quên: Người cao tuổi rất hay bị mất ngủ, nhức đầu… chủ yếu do thiểu năng tuần hoàn não (thiếu máu não). Ngoài ra, một số căn bệnh khác, tác dụng phụ của thuốc, bệnh viêm tai trong, chứng thần kinh suy nhược, mệt mỏi mạn tính... cũng gây mất ngủ, hay quên.

- Thận hư, rụng tóc, bạc tóc: Đông y cho rằng thận là gốc của phủ tạng, theo thời gian đến tuổi già thận khí suy yếu, tinh khí tiêu hao. Thận hư là hư chứng của tuổi già. Thận hư làm cho những tạng khác đồng phát theo. Thận sẽ cùng đồng bệnh với tim gan, với tim phổi, với tim tỳ. Vì vậy, khi người cao tuổi dùng thuốc bổ nên lấy việc bổ thận là căn bản.

2. Bài thuốc bổ cho người cao tuổi

- Thuốc bổ trị đau xương khớp ở người cao tuổi:

Dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:

Bài 1: Ba kích, trục đoạn, phá cố chỉ (bổ cốt chỉ), mỗi vị 12g, hồ đào 5 quả. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Kỷ tử, thục địa, tục đoạn, tầm gửi cây dâu, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.

- Thuốc bổ chữa suy nhược thần kinh, mệt mỏi, mất ngủ:

Dùng bài: Kỷ tử tươi 500g, giã dập cho vào túi vải, ngâm với 2 lít rượu trong bình kín, sau 15-20 ngày là dùng được. Mỗi lần uống 30ml, ngày 1-2 lần.

- Thuốc bổ chữa nhức đầu, chóng mặt, rối loạn nội tiết:

Dùng bài: Kỷ tử, thục địa, hà thủ ô, sa sâm, đỗ đen sao, mỗi vị 12g, cúc hoa vàng, quả dâu, long nhãn, mạch môn, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

photo-1696132305885

Vị thuốc kỷ tử chữa suy nhược thần kinh ở người cao tuổi

- Thuốc bổ dùng cho người cao tuổi chán ăn, ít ngủ, hay quên:

Dùng bài: Viễn chí, đảng sâm, bạch truật, hạt sen, long nhãn, táo nhân (sao đen), mạch môn, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.

- Thuốc bổ dùng cho người cao tuổi tiêu hóa kém:

Dùng bài: Hà thủ ô đỏ 10g, đại táo 5g, trần bì, sinh khương, mỗi vị 3g, thanh bì, cam thảo, mỗi vị 2g. Sắc uống ngày một thang.

- Thuốc bổ chữa suy nhược cơ thể ở người cao tuổi:

Dùng một trong số bài thuốc sau:

Bài 1: Sâm bố chính 16g, ích mẫu 12g, kê huyết đằng, hương phụ, mỗi vị 10g, tam thất 5g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Thục địa 16g; cao ban long, đỗ trọng, mỗi vị 12g; kỷ tử, nhục quế, mỗi vị 10g, thỏ ty tử, sơn thù, đương quy, uống ngày một thang, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Vừng đen, lá dâu non, lượng bằng nhau. Tán bột mịn, hoàn viên với mật ong. Ngày uống 10-20g.

- Chữa rụng tóc, tóc bạc sớm, hồi hộp, chóng mặt, ù tai, hoa mắt táo bón ở người cao tuổi:

Dùng bài: Hà thủ ô đỏ, sinh địa, huyền sâm, mỗi vị 20g. Sắc uống ngày một thang.

- Thuốc bổ thận cho người cao tuổi:

Dùng bài: Dâm dương hoắc, quả dâu, hoài sơn, thỏ ty tử, hoàng tinh, thục địa mỗi vị 15g, sơn thù nhục 12g. Sắc uống ngày một thang.

- Thuốc bổ mạnh gân cốt, làm đen tóc:

Dùng bài: Hoàng tinh 25g, ba kích 20g, thục địa, đảng sâm, thiên môn đông, mỗi vị 10g. Tất cả thái mỏng, ngâm với một lít rượu trắng. Mỗi lần uống 20-30ml trước bữa ăn, ngày 2 lần.

Ở người cao tuổi, bệnh tật gây tổn thương ở nhiều cơ quan và thường có liên quan với nhau. Do vậy, người cao tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ để được tư vấn, phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả, không nên tự ý dùng thuốc.

Mời bạn xem thêm video:

Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi cần lưu ý gì?

GS Đoàn Thị Nhu
Viện Dược liệu
Ý kiến của bạn