9 bài học chống dịch COVID-19 hiệu quả

21-08-2020 17:18 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhận định về công tác chống dịch COVID-19 trong vòng một tháng qua tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 21/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây. Bộ Y tế cho hay đang tổng kết các bài học kinh nghiệm từ trường hợp Đà Nẵng, Quảng Nam hay Hải Dương. Theo đó, có 9 bài học chống dịch COVID-19 hiệu quả, Quyền Bộ trưởng chia sẻ tại cuộc họp.

Quyền Bộ trưởng cũng thông tin trong vài ngày tới, tại Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanh vùng, khống chế.

Tại Hải Dương, dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát. Ổ dịch tại nhà nhà 36 phố Ngô Quyền, TP Hải Dương với tất cả 12 trường hợp mắc bệnh đã được kiểm soát kịp thời. Công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm.

Các ổ dịch khác tại một số địa phương được phát hiện đều nhanh chóng được khoanh vùng, cách ly và thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết.

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp

“Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp mắc COVID-19 chưa được phát hiện, có khả năng lây lan trong cộng đồng nếu không thực hiện biện pháp phòng chống dịch kịp thời” – GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay.

Bộ Y tế cho hay đang tổng kết các bài học kinh nghiệm từ trường hợp Đà Nẵng, Quảng Nam hay Hải Dương. Theo đó, có 9 bài học được Quyền Bộ trưởng chia sẻ tại cuộc họp.

Trước hết, công tác phòng chống dịch COVID-19 đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo, các cấp các ngành, cơ quan Trung ương, địa phương…

Thứ hai, chúng ta đã xác định vùng nguy cơ và các đối tượng có nguy cơ rất nhanh chóng, đúng đắn, kịp thời, tiết kiệm cho nguồn lực. Đơn cử, tại Đà Nẵng, ngay từ đầu chúng ta đã xác định rất nhanh chóng 3 bệnh viện là tâm dịch, ổ dịch là toàn bộ thành phố Đà Nẵng.

Bài học thứ 3 được ngành Y tế rút ra, đó là cấp uỷ, chính quyền địa phương hành động quyết liệt, giãn cách kịp thời, lựa chọn phù hợp cho từng khu vực, khu vực nào thì phong toả, khu vực nào thì giãn cách tuỳ thuộc địa phương. “Các địa phương áp dụng nhuần nhuyễn” – Quyền Bộ trưởng đánh giá và nêu bài học ở Hải Dương. Theo đó, địa phương này đã thực hiện rất kịp thời, nhanh chóng trong khoanh vùng, phong toả, cách ly và giãn cách. Chính điều này đã hạn chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19 tại Hải Dương.

Thứ tư, ngành Y tế đã huy động lực lượng lớn nhân viên y tế rất lớn “chưa có trong tiền lệ”, bao gồm các giáo sư đầu ngành, các bác sĩ, các chuyên gia và sinh viên. Lực lượng này đã phối hợp Đà Nẵng, Quảng Nam để quyết giữ mặt trận này. Hôm nay, sau hơn 3 tuần, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng đã rút khỏi Đà Nẵng và về Hà Nội, cả đoàn thực hiện cách ly trước khi trở lại làm việc.

Bài học thứ 5, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ đã thiết lập ngay Bộ chỉ huy tiền phương (Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng) và kho tiền phương trong khu vực này. Bộ phận này đã phối hợp địa phương trong công tác phòng chống dịch, giúp địa phương vững tâm hơn, với những hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, điều phối nhân lực, trang thiết bị trên địa bàn hay của các viện, bệnh viện.

Bài học thứ 6, Quyền Bộ trưởng cũng đề cập vai trò quan trọng của bài học theo phương châm “bốn tại chỗ”, chú trọng vai trò của chính quyền địa phương, hoạt động hiệu quả của các tổ Covid dựa vào cộng đồng mà các địa phương đã thành lập, triển khai.

Đặc biệt “Bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng phát huy hơn, nhất là trong phòng chống đại dịch” – Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh đây là một trong những yếu tố rất quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19.

Cùng với đó, công suất xét nghiệm của Việt Nam cũng được nâng lên rất nhanh, việc truy vết, cách ly F1 rất kịp thời. Điều này theo Quyền Bộ trưởng “tuyệt đối rất quan trọng”.

"Ngay từ đầu, ngành Y tế đã dứt khoát quan điểm kiên quyết cách ly F1 và lấy mẫu xét nghiệm. Phải cách ly ngay, đưa ngay mầm bệnh ra khỏi cộng đồng mới ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng” – GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.

Tới nay, trong thời gian ngắn, công suất xét nghiệm đưa lên rất nhanh chóng… Tính từ 23/7/2020 đến nay, cả nước đã thực hiện 421.444 xét nghiệm trong tổng số 843.688 xét nghiệm RT-PCR với công suất xét nghiệm gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3-4/2020. Số lượng xét nghiệm trong gần một tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu. Toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày).

“Khả năng xét nghiệm của chúng ta có thể hoàn toàn đáp ứng khi tình huống dịch xảy ra trên diện rộng” – Quyền Bộ trưởng khẳng định.

Số lượng xét nghiệm COVID-19 trong gần một tháng qua ở nước ta bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu

Bài học thứ 8, được rút ra từ kinh nghiệm chống dịch của các địa phương trong giai đoạn này, đó là đảm bảo tất cả hoạt động phát triển kinh tế với khu vực khác: Kiểm soát biên giới, người nhập cảnh, bảo hộ công dân... Trong thời gian qua, các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đã thực hiện tốt việc này.

Bài học thứ 9, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định là việc chuẩn bị chủ động về hậu cần, không bị gián đoạn như lần trước. Tất cả trang thiết bị, vật tư tiêu hao, khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ đã chủ động hơn trước.

Về máy thở, các cơ sở y tế không lo thiếu, ngành y tế đã vận động tài trợ, tổ chức tiếp nhận 3.700 máy thở và sẵn sàng điều chuyển hỗ trợ khi các địa phương, cơ sở y tế có nhu cầu

Đánh giá chung, Quyền Bộ trưởng cho hay trong đợt dịch này, chúng ta đã triển khai các biện pháp bài bản, kịp thời, đồng bộ và rất nhanh chóng. Dự kiến, chúng ta mất khoảng 1 tháng để kiểm soát được tình hình dịch. Ví dụ như Hải Dương trong khoảng 10 ngày là kiểm soát được nhờ hành động nhanh, quyết liệt, thần tốc. Theo Quyền Bộ trưởng, càng hành động nhanh chóng bao nhiêu thì càng hạn chế hậu quả nặng nề bấy nhiêu.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp cho biết, trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu chững lại; kể từ đầu tháng 7/2020 đến nay, mỗi ngày ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc mới và trên 5.000 ca tử vong. Một số nước đã phải tái thiết lập các biện pháp giãn cách nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Dự báo, thời gian tới, dịch bệnh trên thế giới tiếp tục gia tăng, nhất là tại nhiều nước có quan hệ, kinh tế, thương mại và giao lưu lớn với Việt Nam.

Tại Việt Nam (tính đến 12 giờ ngày 21/8), cả nước ghi nhận 1.007 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 376 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam); 25 trương hợp tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây. Trong vài ngày tới, tại Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanhvùng, khống chế.

Tại Hải Dương, tình hình dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát, trong 3 ngày gần đây không phát hiện thêm các trường hợp mắc bệnh mới. Ổ dịch tại nhà số 36 phố Ngô Quyền, thành phố Hải Dương với tất cả 12 trường hợp mắc bệnh đã được kiểm soát kịp thời, công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm.

Thái Bình
Ý kiến của bạn