Hà Nội

9/13 tỉnh, thành phố đã 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19

26-02-2021 09:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bản tin cập nhật dịch bệnh COVID-19 cho hay, hiện đã có 09/13 tỉnh, thành phố 14 ngày qua không ghi nhận trường hợp mắc mới: Quảng Ninh, Gia Lai, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bình Dương, Bắc Giang, Điện Biên, Hà Giang, Hưng Yên.

Từ ngày 25/01/2021 đến hết ngày 25/2, nước ta đã ghi nhận 827 trường hợp mắc trong nước tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (643), Quảng Ninh (61), Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (34), Gia Lai (27), Bình Dương (06), Bắc Ninh (05), Hải Phòng (04), Điện Biên (03), Hưng Yên (03), Hòa Bình (02), Bắc Giang (02), Hà Giang (01).

Trong đó tất cả 12 tỉnh, thành phố đều có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (là người trở về từ Hải Dương hoặc tiếp xúc với F0).

Các tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên ghi nhận các trường hợp F1 trở về từ Hải Dương.

Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.420, trong đó có 1.487 ca trong nước.

Hiện đã có 09/13 tỉnh, thành phố 14 ngày qua không ghi nhận trường hợp mắc mới: Quảng Ninh, Gia Lai, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bình Dương, Bắc Giang, Điện Biên, Hà Giang, Hưng Yên.

Trong ngày 25/02, Việt Nam ghi nhận 08 trường hợp mắc mới gồm 07 ca bệnh trong nước tại Hải Dương và 01 ca nhập cảnh tại Tây Ninh. Hiện các ca bệnh ở Hải Dương được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 - Bệnh viện Đại học Kĩ thuật y tế Hải Dương và Bệnh viện Dã chiến số 1 - Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh.

Ca bệnh nhập cảnh được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.

 Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh minh họa.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể:

Bộ Y tế họp với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam về kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo Ngành Y tế tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng khẩn trương thực hiện truy vết nhanh, tổ chức xét nghiệm diện rộng tất cả đối tượng nguy cơ ổ dịch mới phát hiện, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Bộ Y tế xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin và làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu vắc xin để sớm đưa vắc xin phòng bệnh COVID-19 về Việt Nam phục vụ người dân. Đồng thời chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước; xã hội hóa và huy động các nguồn lực để phục vụ việc cung cấp vắc xin vắc xin phòng bệnh COVID-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.

Bộ Y tế liên tục thông báo cho người dân những địa điểm nguy cơ để người dân biết, khai báo với cơ quan y tế để được sàng lọc, xét nghiệm kịp thời; phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên truyền thông khuyến khích nhân dân giám sát, phát hiện người từ những địa điểm nguy cơ về nơi cư trú trên địa bàn mà không khai báo y tế hoặc khai báo không đúng sự thật.

Cập nhật thông tin hàng ngày về tình hình dịch bệnh; tiếp tục truyền thông thực hiện nghiêm thông điệp 5K, nhất là đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, không tụ tập đông người; xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang; thông báo cho người dân những địa điểm nguy cơ để người dân biết, khai báo với cơ quan y tế để được sàng lọc, xét nghiệm kịp thời; phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên truyền thông khuyến khích nhân dân giám sát, phát hiện người từ những địa điểm nguy cơ về nơi cư trú trên địa bàn mà không khai báo y tế hoặc khai báo không đúng sự thật.

Tiếp tục chỉ đạo rà soát triệt để các trường hợp đi về từ khu vực có dịch, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới; thực hiện việc truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch triệt để, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng và yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly, giám sát y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tính đến 17h00 ngày 25/02/2021, thế giới ghi nhận 113.144.793 ca và 2.509.899 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 88.757.670 và còn 21.877.224 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 91.857 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 28.974.623 trường hợp mắc và 518.363 trường hợp tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ, Brazil...
Tại châu Âu, Đan Mạch và Thụy Điển thông báo sẽ nới lỏng một số hạn chế vốn được áp dụng nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19. Trong khi đó, Bulgaria cho biết sẽ mở cửa trở lại các nhà hàng từ tháng 3 và dỡ bỏ lệnh cấm các hộp đêm từ tháng 4. Về phần mình, Italy và Hungary đều bác bỏ việc nới lỏng các biện pháp khống chế dịch, Pháp cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp hạn chế mới tại các địa phương do tình hình dịch COVID-19 đang có xu hướng xấu đi.
Ngày 24/2, Viện Dược phẩm và trang thiết bị y tế liên bang Đức, cơ quan quản lý hoạt động mua bán và sử dụng dược phẩm của Đức, đã phê chuẩn 3 bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sử dụng tại nhà. Đây là một phần trong chiến lược của Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nhằm đẩy nhanh công tác xét nghiệm đại trà với mục tiêu đưa nền kinh tế thoát khỏi lệnh phong tỏa đang được áp đặt kể từ giữa tháng 12/2020.
Không chỉ Đức, một số nước châu Âu khác cũng tăng cường sử dụng các bộ xét nghiệm tại nhà. Tại Áo, các bộ tự xét nghiệm còn được đưa vào sử dụng trong trường học và từ tuần tới, các hiệu thuốc sẽ cung cấp miễn phí cho người dân. Tương tự, trong tháng này, các tình nguyện viên và cảnh sát Anh đã bắt đầu tới từng nhà dân để cấp phát các bộ xét nghiệm kiểu này.

Về tiến trình triển khai vắc xin phòng COVID-19:
Ngày 25/2, Hàn Quốc bắt đầu phân phối vắc-xin AstraZeneca trên toàn quốc. Sau khi được phân phối đến trung tâm y tế, vắc-xin AstraZeneca sẽ được đưa vào kho bảo quản chuyên dụng, đảm bảo duy trì nhiệt độ thích hợp từ 2-8 độ C. Công tác tiêm chủng sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 26/2 tại các trung tâm y tế, viện dưỡng lão, trung tâm phục hồi chức năng thần kinh.
Các bệnh viện sẽ tự tiêm chủng, người cao tuổi tại viện dưỡng lão sẽ do bác sĩ ủy thác hoặc nhân viên trung tâm y tế đến tận nơi để tiêm phòng. Đội ngũ nhân sự tại các cơ quan y tế và nhân sự phòng dịch tuyến đầu có nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ bắt đầu tiêm chủng từ tháng 3.

Dương Hải
Ý kiến của bạn